Thursday, December 26, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 10/07

Bản tin Biển Đông ngày 10/07

Bản tin Biển Đông ngày 10/07/2017.

Bình luận của học giả Philippines: Những đóng góp của Nhật Bản đối với an ninh biển của Phillippines

Ngày 8/7, tờ The Philippine Star đăng bài viết “Bình luận: những đóng góp của Nhật Bản đối với an ninh  biển của Philippines” của Giáo sư Renato Cruz De Castro, Đại học De La Salle, Philippines. Bài viết cho hay, trong thời gian gần đây, sau khi xảy ra tranh chấp bãi cạn Scarborough năm 2012, Nhật Bản đã cung cấp cho Philippines nhiều tàu tuần tra cũng như những hỗ trợ về mặt ngoại giao, đồng thời giúp Philippines củng cố lực lượng hải quân và Cảnh sát biển. GS. Castro cho hay, những nỗ lực này là một phần trong mục tiêu chiến lược của Tokyo nhằm củng cố quan hệ đối tác an ninh giữa Philippines và Nhật Bản – hai quốc gia biển và có chung nền dân chủ tự do, với những lợi ích chung trong việc bảo vệ tự do hàng hải, tuân thủ thượng tôn pháp luật trong bối cảnh tình hình bất ổn ở khu vực do những hành động hiếu chiến ngày càng gia tăng của Trung Quốc và tình hình quan hệ Mỹ – Phi chưa có nhiều dấu hiệu tích cực.

Ngoài ra, qua việc cử đại diện làm quan sát viên trong tiến trình diễn ra vụ kiện Trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc do Philippines khởi xướng, Nhật Bản đã thể hiện quyết tâm ủng hộ việc giải quyết tranh chấp một cách hoà bình thông qua Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển và phản đối mọi hành động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông bằng vũ lực. Ông cho rằng việc Nhật Bản tham gia vào tranh chấp Philippines – Trung Quốc đã thể hiện cách tiếp cận mới của Thủ tướng Shinzo Abe về phòng vệ và chính sách đối ngoại mới của nước này, đó là triển khai chính sách “hợp tác an ninh đa tầng” với đồng minh hiệp ước là Mỹ cũng như các đối an ninh ở khu vực, các quốc gia có chung lợi ích trong việc duy trì các tuyến đường biển mở, trụ cột trong quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Philippines.

Thông tin từ ba vị quan chức Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) gần đây là bằng chứng mới nhất vạch rõ tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 9/7, tạp chí The National Interest đăng bài viết “Ba Quan chức PLA có thể sẽ tiết lộ những gì Trung Quốc muốn ở Biển Đông” của Ryan Martinson, Phó Giáo sư Viện Nghiên cứu Biển Trung Quốc, Đại học Hải chiến Mỹ và Katsuya Yamamoto, Giáo sư quân sự quốc tế, Đại học Hải chiến Mỹ.

Đề cập đến một bài viết được xuất bản vào giữa năm 2016 trên tạp chí Nghiên cứu Hàng hải, một trong những ấn bản “lưu hành nội bộ” của Viện Nghiên cứu Hàng hải PLA có tên “Khủng hoảng quân sự ở Biển Đông: phân tích, đánh giá và phản ứng” của ba quan chức hải quân Trung Quốc: Thiếu tá Jin Jing, Tư lệnh Xu Hui và Wangning thuộc Đội tàu Nam Hải của Hải quân PLA. Bài viết gồm 3 phần: (i) tình hình Biển Đông hiện nay – bối cảnh khủng hoảng quân sự trong tương lai, (ii) những đặc trưng có thể có của bất kỳ một cuộc khủng hoảng nào mà Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt và (iii) những khuyến nghị cho quân đội, bao gồm các giải pháp giúp Trung Quốc tăng khả năng giải quyết các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Qua những thông tin được tiết lộ từ các quan chức Trung Quốc này, có thể thấy được đôi nét về quan niệm về các mục tiêu quốc gia của nước này ở Biển Đông, cũng như chiến lược và những hướng đi trong tương lai của Hải quân Trung Quốc. Cụ thể, chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông với mục đích “bành trướng” đã và đang được thúc đẩy bởi những tính toán và định hướng “thực dụng”, khẳng định ý đồ của Trung Quốc vẫn tiếp tục được triển khai.

Qua bài viết, các quan chức PLA bày tỏ quan điểm ủng hộ cách tiếp cận hiện nay của Trung Quốc đối với việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông được mô tả là “vừa mang tính nguyên tắc vừa linh hoạt”, tung hô đây là “hành động cân bằng xuất sắc” từ lâu đã trở thành cốt lõi của chiến lược giải quyết tranh chấp biển của Trung Quốc, có thể giải thích được cho cách hành xử “thiếu cân xứng và không ổn định” của Trung Quốc ở khu vực. Nhưng sau cùng, những quan điểm của bài viết khẳng định một điều rằng “những tính toán chiến lược của Trung Quốc phần lớn đều trung vào Mỹ – quốc gia duy nhất có thể ngăn chặn những kế hoạch của Trung Quốc hay cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực với nước này. Bên cạnh đó, bài viết cũng dành một phần để thảo luận về các bên tranh chấp ở Biển Đông nhưng thực chất là nhằm “răn đe” bằng việc tuyên truyền về sức mạnh quân sự và sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Bài viết cũng cho thấy rằng theo quan điểm của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, cân bằng quyền lực giờ đã “nghiêng hẳn về Trung Quốc”, “khó có thể thay đổi điều này chỉ đến khi Mỹ hoàn thiện chính sách “Ngả về Châu Á” của mình”. Bài viết này còn cung cấp cái nhìn rõ hơn về ý đồ chiến lược đằng sau kế hoạch xây dựng các cơ sở quân sự lớn ở Trường Sa, đó là nhằm làm thay đổi cán cân quân sự ở Biển Đông, bất chấp những gì mà mọi chính khách ngoại giao của Trung Quốc vẫn thường ngoan cố bảo vệ bằng cách nhấn mạnh “tính dân sự” của các công trình này.

Máy bay ném bom US B-1B của Mỹ bay qua Biển Đông gây làn sóng phản đối dữ dội ở Trung Quốc

Ngày 10/7, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Máy bay ném bom US B-1B của Mỹ bay qua Biển Đông gây làn sóng phản đối dữ dội ở Trung Quốc” của nhà báo Ankit Panda. Ngày 7/7, hai máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Mỹ có tên B-1B Lancer xuất phát từ căn cứ Không lực Andersen ở Guam, Tây Thái Bình Dương bay qua một số khu vực ở Biển Đông nhằm khẳng định quyền tự do hàng không, sau khi hải quân nước này đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải mới nhất ở khu vực 12 hải lý Đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng “đầy tiêu cực” trước chuyến bay của Mỹ: ông Cảnh Sảng, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này đã lớn tiếng cho hay “Trung Quốc kiên quyết phản đối những quốc gia dùng cái vỏ tự do hàng hải và hàng không để “phô trương lực lượng quân sự” và làm tổn hại đến chủ quyền và an ninh của Tung Quốc”. Bộ Quốc phòng nước này cũng giận dữ tuyên bố “quân đội Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia cũng như hoà bình và ổn định khu vực”. Ông Ankit Panda cho hay, Mỹ không có lập trường về vấn đề chủ quyền về các cấu trúc ở Biển Đông nhưng khẳng định việc bảo vệ tự do hàng hải và hàng không là lợi ích cốt lõi của nước này.

Trung tâm Nghiên cứu Mỹ cảnh báo về lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 10/7, trang Business World Online cho hay, một báo cáo ngày 7/7 của nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ đã lên tiếng cảnh báo rằng lệnh đánh bát cá hàng năm mà Trung Quốc áp đặt ở Biển Đông, mà trong năm nay là ở khu vực bãi cạn Scarborough, “cần phải được theo dõi sát sao” khi chỉ còn một tháng nữa là lệnh cấm này kết thúc. Xem xét hành động áp đặt lệnh cấm từ năm 2012 đến nay, AMTI khẳng định năm nào lệnh cấm này cũng “gây ra phản ứng dữ dội đối với các nước láng giềng của Trung Quốc, làm tăng thêm căng thẳng giữa các lực lượng chấp pháp khu vực và các đội tàu cá”. AMTI còn lưu ý rằng, báo chí gần đây đánh giá lệnh cấm đánh bắt cá trong năm nay là “chặt hơn” trong với những năm trước do Trung Quốc áp đặt thời lượng dài hơn và mở rộng phạm vi nhóm các hoạt động đánh cá bị cấm.

Tuy nhiên AMTI cũng cảnh báo rằng những báo cáo về các lệnh cấm đánh bắt cá này “vẫn rất thưa thớt” và cho rằng nguyên nhân có thể là “do Bắc Kinh đang áp dụng cách tiếp cận mềm mỏng hơn nhằm thực hiện đòn tấn công quyến rũ hiện nay”.

RELATED ARTICLES

Tin mới