Saturday, November 16, 2024
Trang chủĐàm luậnVòng xoáy của ngoại giao nước lớn tại Đông Bắc Á

Vòng xoáy của ngoại giao nước lớn tại Đông Bắc Á

Có một điểm tương đồng giữa Bắc Kinh và Washington là họ cùng  sử dụng vấn đề tên lửa cùng kỹ thuật hạt nhân của Triều Tiên và việc lắp đặt hệ thống phòng thủ THAAD tại Hàn Quốc làm con bài lợi ích của mình. Hệ quả của nó là buộc những nước nhỏ phải phụ thuộc vào những con bài lợi ích ấy. Giờ đây một vòng xoáy của ngoại giao nước lớn tại khu vực Đông Bắc Á đã thành hình.

“Hiện tại chúng tôi không có bất kỳ liên hệ hoặc quan hệ quân sự nào với Triều Tiên. Trong quá khứ chúng tôi đã làm điều đó, chúng tôi đã có rất nhiều liên lạc và trao đổi. Điều này phản ánh một sự thay đổi trong mối quan hệ của chúng tôi vì những lý do mà mọi người đều đã biết”. Đại tá Zhou Bo, Giám đốc Trung tâm Hợp tác An ninh Quốc tế của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã nói như vậy. Ông này trả lời phỏng vấn phóng viên Lin Xueling của Channel News Asia, đăng tải ngày 9/7, khi được hỏi về mối quan hệ giữa Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc với quân đội Triều Tiên.

Bình luận của ông Zhou Bo được đưa ra khi Triều Tiên liên tục tăng tần suất các cuộc phóng thử tên lửa và đã bị LHQ lên án. Gần đây nhất là vụ phóng thử thành công một tên lửa, mà Bình Nhưỡng cho là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), khiến tình hình bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng.

Trong gần một năm qua, cứ trước mỗi nguy cơ Triều Tiên có thể bị trừng phạt hay sau mỗi vụ phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng bị cộng đồng quốc tế chỉ trích, Trung Quốc lại có những động thái cứng rắn với đồng minh, thậm chí chế tài còn nặng hơn cả trừng phạt của LHQ.

Sau khi Bình Nhưỡng thực hiện liên tiếp 5 vụ phóng thử tên lửa chỉ trong vòng 2 tuần, từ 24/8/2016 đến 9/9/2016 và trùng với Hội nghị G-20 Hàng Châu 2016 diễn ra tại Trung Quốc, ngày 26/2/2017 Bắc Kinh đã cấm nhập khẩu than – sản phẩm xuất khẩu quan trọng nhất của Triều Tiên.

Ngày 14/4/2017, khi nguy cơ một cuộc tấn công quân sự của Mỹ đối với Triều Tiên có thể diễn ra trong Ngày Thái Dương tại xứ Bắc Hàn, Bắc Kinh đã cho hãng hàng không Air China tạm ngừng các chuyến bay giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Gần đây nhất khi Bình Nhưỡng phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khiến gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột quân sự Mỹ – Triều, Bắc Kinh lại thực hiện một biện pháp cách ly mới với Bình Nhưỡng.

Sau khi cho Air China ngừng bay tới Bình Nhưỡng, hay chấm dứt liên lạc quân sự với Bình Nhưỡng, các nhà phân tích cho rằng, dường như Bắc Kinh đã mệt mỏi với sự ngông nghênh của  Kim Jong-un nên đã mặc cho Washington muốn làm gì thì làm (!)

Chuyện này còn phải chờ xem! BởiTrung Quốc và Triều Tiên có thể giảm tầm trong quan hệ, thậm chí không còn là đối tác kinh tế của nhau, song Bắc Kinh và Bình Nhưỡng luôn là đồng minh chiến lược, bất kể điều gì xảy ra từ hành động của Kim Jong-un.

Khi Bình Nhưỡng thể hiện sự bất tuân, Bắc Kinh chỉ trích, ủng hộ cấm vận của LHQ và chủ động cách ly Bình Nhưỡng. Tất cả những động thái đó chỉ là Bắc Kinh “bỏ đói” xứ Bắc Hàn, chứ không thể “bỏ chết” Bình Nhưỡng, bởi điều đó sẽ gây nguy hại gấp nhiều lần sự ương ngạnh của người anh em.

Việc Air China dừng các chuyến bay tới Triều Tiên trong bối cảnh gia tăng căng thẳng Mỹ – Triều, có thể khiến Bình Nhưỡng hiểu là Bắc Kinh đã chọn “bỏ chết” Triều Tiên, nếu Kim Jong-un vượt quá ngưỡng chịu đựng.

Việc Bắc Kinh ngừng liên hệ quân sự với Bình Nhưỡng trong bối cảnh nguy cơ Washington có hành động quân sự trừng phạt Bình Nhưỡng, có thể khiến Kim Jong-un nhận thấy người anh em lớn đã chọn “bỏ rơi” xứ Bắc Hàn trong thế hiểm nguy,

Đã từng thấm nhiều đòn đau khi không còn được Bắc Kinh  ủng hộ, Bình Nhưỡng không thể không đắn đo khi Trung Nam Hải có những động thái được cho là “tuyệt tình”. Một mình trơ trọi chống Mỹ và các đồng minh của Mỹ, trong khi Trung Quốc quay lưng, Triều Tiên liệu có dám mạo hiểm?

Còn thái độ Washington thì sao? Khi thấy Bắc Kinh thể hiện sự quyết tâm ngăn chặn hành động và ngày càng gia tăng cách ly với Bình Nhưỡng, Mỹ không thể không ghi nhận tích cực hành động này. Trong cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng chỉ là mục tiêu Washington hướng tới, còn Bắc Kinh mới là mục đích chiến lược của Mỹ tại khu vực này. Khi Bắc Kinh có dấu hiệu bỏ mặc Bình Nhưỡng thì kế hoạch của Washington đối với hành động của Kim Jong-un cũng phải hiệu chỉnh lại cho phù hợp.

Điều mà cả Mỹ và Trung Quốc đều phải đề phòng là, Bình Nhưỡng sẽ hung hăng hơn, quyết liệt hơn khi “không còn gì để mất”. Lúc đó các đồng minh của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á sẽ gặp nguy hiểm hơn rất nhiều, bởi quân lực Mỹ có thể không chặn được tất cả những loại tên lửa  được phóng đi từ Triều Tiên.  

Rõ ràng những hành động được cho là “tuyệt tình” của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng không chỉ làm thay đổi kế hoạch tấn công quân sự của Mỹ, mà còn làm thay đổi cục diện xung đột tại vùng Đông Bắc Á, qua đó nâng cao vị thế cho Bắc Kinh tại khu vực này.

Khi được hỏi về quan điểm trước việc giới phân tích cho rằng những gì đang xảy ra ở Triều Tiên và Hàn Quốc thực sự là biểu hiện của sự can thiệp bởi chính sách ngoại giao nước lớn, đại tá Zhou Bo đã  phủ nhận.

Ông nói: “Tôi không nghĩ thế, bởi chắc chắn, Triều Tiên muốn nói chuyện trực tiếp với Mỹ và Trung Quốc, thực sự muốn giúp họ nói chuyện với nhau. Nếu nhìn vào lịch sử các cuộc đàm phán 6 bên, Trung Quốc luôn là nước chủ nhà từ năm 2003 đến năm 2007. Trung Quốc đã cố gắng hết sức để trở thành một nhà tổ chức tốt giúp họ ngồi lại với nhau. “Nhưng chắc chắn Trung Quốc có ảnh hưởng nhiều hơn với quân đội Triều Tiên để có thể thuyết phục, thậm chí còn hơn cả thuyết phục nữa”, phóng viên Channel News Asia nêu vấn đề.

Giám đốc Trung tâm Hợp tác An ninh Quốc tế của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết : “Trung Quốc luôn luôn khẳng định vị trí của mình đối với Triều Tiên, nhằm theo đuổi lợi ích trong việc theo đuổi phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng tình hình bây giờ dường như quá hỗn loạn, vì nhiều vấn đề, trong đó có việc lắp đặt hệ thống THAAD”.

Mọi chuyện tưởng đã rõ, Bắc Kinh đang sử dụng vấn đề tên lửa và kỹ thuật hạt nhân của Triều Tiên cùng với việc lắp đặt hệ thống phòng thủ THAAD tại Hàn Quốc làm con bài lợi ích trong cuộc đổi trao với Washington.

Sử dụng con bài này Bắc Kinh hi vọng buộc các nước nhỏ  phụ thuộc vào những lợi ích ấy – một vòng xoáy của ngoại giao nước lớn tại  Đông Bắc Á đã thành hình. 

RELATED ARTICLES

Tin mới