Friday, November 15, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiIsrael, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ ‘phá đám’ không cho Tổng...

Israel, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ ‘phá đám’ không cho Tổng thống Assad nắm trọn Syria?

Theo một chuyên gia Trung Đông, ba nước Israel, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm mọi thứ để phá hỏng bất kỳ giải pháp nào dẫn tới việc Tổng thống Bashar Assad kiểm soát toàn bộ Syria.

Khung cảnh đổ nát tại thị trấn Daraa (Syria). Ảnh: Reuters

Vừa qua, dưới đề xuất từ Mỹ và Nga, Syria đã thông báo một lệnh ngừng bắn ở miền nam nước này, giúp người dân địa phương có khoảng thời gian tương đối hòa bình lần đầu tiên sau 6 năm nội chiến. Trong Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump cũng đàm phán một lệnh ngừng bắn, chính thức thông báo có hiệu lực kể từ ngày 9/7.

Tuy nhiên, hòa bình chỉ là tạm thời và một phần, vì vẫn còn nhiều tổ chức cực đoan ở bên ngoài không nằm trong thỏa thuận.

Kênh truyền hình RT dẫn lời Ali Rizk, một chuyên gia về Trung Đông, cho biết đến hiện tại vẫn chưa có bất kỳ thỏa thuận hoàn chỉnh nào về giải pháp cuối cùng ở Syria.

Cụ thể, trong trường hợp nếu như Tổng thống Assad kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Syria, đó sẽ trở thành “lằn ranh đỏ” cho Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia. Theo ông Ali, ba nước này sẽ làm mọi thứ để kịch bản đó không thể trở thành sự thật.

Cả ba nước trên đều muốn tạo ra một kịch bản Syria bị “chia năm xẻ bảy”. Hiện chúng ta cần chờ xem chính quyền Tổng thống Trump liệu có bị ảnh hưởng từ quan điểm của các nước trên, đặc biệt là từ Israel và Saudi Arabia, hay ông cuối cùng sẽ đồng ý cho Tổng thống Syria kiểm soát toàn bộ Syria. Điều đó tạm thời vẫn chưa hề rõ ràng.

Bàn về kết quả của lần ngừng bắn này, Peter Ford – cựu Đại sứ Anh tại Syria và Vương quốc Bahrain – cho biết ông hoàn toàn lạc quan thỏa thuận sẽ kéo dài thêm vài tháng nữa.

Ông giải thích những lệnh ngừng bắn trước đó bị đổ vỡ là do có quá nhiều yếu tố xấu bên ngoài tác động. Tại Aleppo, đó là Mặt trận Al-Nusra – một nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Ở phía nam lại có các lực lượng nổi dậy nhỏ lẻ chống phá cùng Quân đội Syria Tự do.

Nhưng hiện tại cả hai bên đều phải đối mặt với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Chúng không liên quan gì đến thỏa thuận ngừng bắn, chúng vẫn tiếp tục là mục tiêu tấn công. Chính vì vậy, cả hai phía chính phủ Syria có Nga hậu thuẫn và phe nổi dậy ở phía tây nam có Mỹ hỗ trợ đều muốn thỏa thuận này đạt hiệu quả.

Trả lời lí do vì sao lại chọn 3 thị trấn Darra, Quneitra và As-Suwayda để thực thi lệnh ngừng bắn, cựu Đại sứ Peter cho rằng điều kiện tại những vùng đó đã “chín muồi”. Kể từ tháng 3 khi được đưa vào khu vực giảm leo thang, các cuộc xung đột ở khu vực, đặc biệt là thị trấn Darra đã dừng lại.

Chính quyền Syria có thể giành quyền kiểm soát các thị trấn, nhưng họ không muốn hành động như quân đội Iraq khi mở chiến dịch giải phóng Mosul và chịu thiệt hại nặng nề về cả người lẫn của.

Trong khoảng thời gian đó, các lực lượng nổi dậy trong khu vực cũng không tạo ra bất kỳ mối đe dọa chiến lược nào tới chính phủ Syria. Chính quyền Tổng thống Assad còn có việc khác lớn hơn phải giải quyết.

Đó là sự thay đổi lớn trong thỏa thuận lần này, khi mà điều đó cho phép các phe nổi dậy và quân đội Syria thoải mái tự do chiến đấu chống IS tại Deir ez-Zor – một thị trấn quan trọng hơn rất nhiều – và những khu vực trung tâm khác ở tỉnh Homs.

RELATED ARTICLES

Tin mới