Bản tin Biển Đông ngày 12/07/2017.
Philippines và Trung Quốc tiến hành đối thoại sau 1 năm Phán quyết vụ kiện Trọng tài Biển Đông
Tờ Sun Star đưa tin, ngày 11/7, Phát ngôn viên Tổng thống Philippines Ernesto Abella cho biết phía Philppines hết sức lạc quan về quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc sau một năm Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016, với việc hai bên đang tiến hành đối thoại “tốt đẹp”. Hai bên đã tiến hành đánh giá những kinh nghiệm trong giải quyết vấn đề Biển Đông, trao đổi quan điểm về những vấn đề hai bên đang lo ngại hiện nay và nhất trí sẽ tiếp tục thảo luận về các giải pháp có thể chấp nhận được để giải quyết vấn đề. Ông cũng cho biết cuộc gặp song phương thứ hai liên quan đến vấn đề Biển Đông sẽ được tổ chức trong nửa năm tới.
Cựu Ngoại trưởng Philippines: Philippines cần đi đầu trong tiến trình giải quyết tranh chấp Biển Đông
Ngày 12/7, ABS-CBN đưa tin, ngày 11/7, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario lên tiếng kêu gọi Philippines cần tiếp tục đảm nhận vai trò lãnh đạo trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông đồng thời tận dụng mọi kênh ngoại giao nhằm thúc đẩy thắng lợi của Philippines trong vụ kiện Trọng tài với Trung Quốc. Ông Rosario cho rằng Phán quyết sẽ là một phần không thể tách rời của Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông vì “khu vực không thể bảo vệ thượng tôn pháp luật nếu bỏ qua thượng tôn pháp luật đang tồn tại”. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng 1 năm sau Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7, những hành động quân sự hoá và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông vẫn chưa được kiềm chế
Học giả Philippines: Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016 lật tẩy chiến lược của Trung Quốc
Ngày 12/7, tờ The Philippine Star đăng bài viết “Phán quyết ngày 12/7 lật tẩy chiến lược của Trung Quốc” của Giáo sư Renato Cruz De Castro, Đại học De La Salle, Philippines. Ông De Castro đánh giá Phán quyết vụ kiện Trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc ngày 12/7 là “một thắng lợi của luật pháp quốc tế trước ngoại giao pháo hạm”, “vượt qua mọi dự báo, Philippines đã có một chiến thắng gần như tuyệt đối với 14/15 yêu sách được Toà xem xét”. Phán quyết đã đem lại cho các quốc gia khuôn khổ và căn cứ pháp lý để cùng các nước lớn ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế trước hành động xâm lấn ngang ngược của Trung Quốc. Với sự bảo trợ của luật pháp quốc tế, hợp tác giữa các quốc gia ở Biển Đông do đó có thể được xem là những nỗ lực chung góp phần bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ chống lại một siêu cường hiếu chiến. Từ góc độ chiến lược, Phán quyết cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá mối liên hệ giữa việc “xây dựng tính chính danh” và triển khai sức mạnh của Trung Quốc
Triển khai học thuyết “Tích cực phòng thủ Biển gần” của Đô đốc Lưu Hoa Thanh, Tư lệnh Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) từ giữa những năm 80, Trung Quốc đã triển khai các hệ thống chống tiếp cận/ chống xâm nhập (A2/AD), tăng cường xây dựng tiềm lực hải quân nhằm ngăn chặn các nước bên ngoài đi vào vùng biển mà nước này yêu sách thuộc chủ quyền của mình, hướng tới kiểm soát Biển Đông thông qua mở rộng triển khai sức mạnh quân sự của PLA. Mặt khác, Trung Quốc tăng cường dùng “yêu sách lịch sử” để bảo vệ cho mưu đồ lấn biển của mình để lấy sự ủng hộ trong nước đối với các hoạt động bành trướng trên Biển Đông, bao gồm bồi đắp đảo nhân tạo và thiết lập các cơ sở quân sự trên bảy đảo nhân tạo, nhằm chèn ép các nước nhỏ và giành lấy sự nhượng bộ trên bàn đàm phán cũng như vu cáo một cách thản nhiên rằng các hoạt động của hải quân Mỹ ở Biển Đông là căn nguyên gây ra xung đột ở khu vực. Bằng cách làm rõ các yêu sách trên biển ở Biển Đông, Phán quyết đã bác bỏ một cách hiệu quả “tính chính danh” mà Trung Quốc tự vẽ ra để nguỵ biện cho hành động nhằm tạo ra “sự đã rồi” trên thực địa cũng như vạch trần ý định chiến lược trên biển theo 4 hướng của nước này là: (i) loại bỏ ưu thế của Mỹ ở khu vực, (ii) làm suy yếu uy tín của Mỹ với các cam kết an ninh ở Đông Á, (iii) gây chia rẽ trong ASEAN và các cơ chế khu vực khác và (iv) gây sức ép buộc các quốc gia liên quan trong khu vực phải chấp nhận “lợi ích cốt lõi” của mình.
Nhân sự kiện này, ngày 12/7/2017, Viện Nghiên cứu Stratbase ADR tổ chức diễn đàn có chủ đề “Khung Bộ Quy tắc ứng xử, một năm sau vụ kiện Trọng tài” với sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, Thẩm phán Antonio Carpio, Tiến sỹ Jay Batongbacal, cựu cố vấn an ninh quốc gia Roilo Golez, TS Ginnie Bacay-Watson và ông Koichi Ai, và sự góp mặt của cựu Ngoại trưởng Philipppines – Đại sứ Albert del Rosario.