Bản tin Biển Đông ngày 17/07/2017.
Biển Đông: Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cần gửi đến Tổng thống Rodrigo Duterte lời cảm ơn
Ngày 14/7, tạp chí Forbes đăng bài viết “Biển Đông: Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cần gửi đến Tổng thống Rodrigo Duterte lời cảm ơn”. Tác giả bài viết cho rằng nhân kỷ niệm 1 năm ngày Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, các nước tranh chấp như Brunei, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam cần gửi đến Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lời cảm ơn vì chính sách đối ngoại “thiếu nhất quán” của ông đã bảo vệ được hoà bình của khu vực, như trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này đã nhấn mạnh ngày 12/7/2017.
Bắc Kinh lên án Indonesia vì đã đặt tên cho Biển Đông
Ngày 15/7, CNN cho hay, liên quan đến việc Indonesia gần đây đã trở thành quốc gia Đông Nam Á mới nhất đã chọc giận Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông bằng cách đặt tên khu vực phía Bắc của vùng đặc quyền kinh tế của nước này trên Biển Đông là “Biển Bắc Natuna” trong một tuyên bố mới đây nhất của Thứ trưởng Điều phối hàng hải và tài nguyên biển Indonesia Havas Oegroseno tại Jakarta, Indonesia ngày 14/7, cùng ngày, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng lớn tiếng yêu cầu các bên liên quan hợp tác với Trung Quốc “vì mục tiêu chung” và “cùng duy trì tình hình hiện tại ở Biển Đông mà khó khăn lắm mới có được”. Ông này phát biểu, ông không hề hay biết gì thông tin về quyết định của Indonesia nhưng tiếp tục tái khẳng định yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc đối với Biển Đông, rằng “việc đổi tên chẳng có nghĩa lý gì hết, và điều này là không có tác dụng gì đối với việc nỗ lực tiêu chuẩn hoá quốc tế tên các khu vực”.
Trong tương lai, các nước luôn có thể viện dẫn Phán quyết vụ kiện Trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc để phản đối những hành động vi phạm cam kết của Trung Quốc đối với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển
Ngày 16/7, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đăng bài viết “Trong tương lai, các nước luôn có thể phản đối những hành động vi phạm cam kết của Trung Quốc đối với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển” của nhà báo Ankit Panda. Qua việc Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc ra Phán quyết ngày 12/7/2016 và việc Trung Quốc ngoan cố bác bỏ, không tham gia tiến trình vụ kiện và phủ nhận giá trị của Phán quyết, có thể thấy rằng Phán quyết là một thực tiễn quan trọng để khẳng định rằng “sức mạnh có thể sẽ không làm nên lẽ phải”. Dù có thể chưa thực sự có được hiệu quả mạnh mẽ trong một năm qua, dù Trung Quốc đã may mắn tránh được việc phải thực thi Phán quyết nhưng ông Panda nhấn mạnh Phán quyết vẫn là “một thực tế lịch sử”, khẳng định rõ rằng Trung Quốc đã vi phạm rất nhiều cam kết với tư cách là một thành viên của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Các nước trong và ngoài khu vực có thể viện dẫn Phán quyết để vạch trần sự thật rằng Trung Quốc là “kẻ phá luật”. Tuy nhiên, ông cho rằng dù các nước trong khu vực và Philippines có sự thay đổi trong nhận thức và đưa ra những quyết định để hành động phù hợp với nội dung Phán quyết nhưng Bắc Kinh với lòng tham vô độ và lập trường hiếu chiến vẫn sẽ mở rộng sự hiện diện của họ ở Biển Đông với bảy đảo nhân tạo đã xây dựng ở Trường Sa
Indonesia đổi tên một phần Biển Đông nhằm khẳng định chủ quyền
Reuters đưa tin, ngày 14/7, Thứ trường Bộ Các vấn đề biển Indonesia phụ trách vấn đề chủ quyền biển Arif Havas Oegroseno đã công bố bản đồ chính thức mới nhằm đổi tên khu vực phía Bắc vùng đặc quyền kinh tế của nước này trên Biển Đông thành “Biển Bắc Natuna”. Reuters nhận định, đây là hành động phản kháng mới nhất của các nước Đông Nam Á trước tham vọng của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông cũng như toàn bộ nguồn tài nguyên khoáng sản và nguồn thuỷ hải sản, trong bối cảnh nước này không ngừng gây lo ngại cho các quốc gia láng giềng khi triển khai các trnag thiết bị quân sự tới các đảo nhân tạo nước này xây dựng trái phép trên Biển Đông. Theo Andi Arsana, một chuyên gia về luật biển thuộc Đại học Gadjah Mada của Indonesia cho hay việc đổi tên vùng biển không có ý nghĩa gì về mặt pháp lý song lại là “một bước đi lớn”, một tuyên bố rõ ràng về chính trị và ngoại giao của Indonesia đối với người dân trong nước và cộng đồng quốc tế nhằm “khẳng định chủ quyền”
Học giả Trung Quốc cáo buộc Indonesia đổi tên vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông để tạo thế mặc cả
Ngày 15/7, tờ Thời báo Hoàn cầu cho biết, liên quan đến việc Indonesia tuyên bố đổi tên vùng đặc quyền kinh tế của nước này trên Biển Đông thành “Biển Bắc Indonesia”, một số học giả Trung Quốc mới đây đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ cho rằng Indonesia đang tìm cách “mặc cả” vấn đề phân định biển và chỉ trích gay gắt rằng động thái này chẳng có lợi gì cho việc hợp tác biển trong tương lai. Ông Wang Xiaopeng, một chuyên gia về nghiên cứu biển và biên giới, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ngang ngược vu cáo “Indonesia không hề có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông nhưng vẫn có xung đột về vấn đề quyền đánh bắt cá và khai thác khí gas xung quanh các vùng biển ở BIển Đông nơi hai nước chưa kết thúc việc phân định ranh giới biển” và thản nhiên cho rằng “Indonesia đang muốn mặc cả và tạo dựng dư luận thuận lợi trước khi khởi động đàm phán phân định biển với Trung Quốc trong tương lai”. Ông Wang còn lớn tiếng “gửi yêu cầu” đến phía Indonesia rằng “Indonesia cần biết rằng xu hướng giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua các biện pháp hoà bình là không thể khác được, chẳng có cách gì thay đổi tình hình đặc biệt là khi các bên đạt được nhất trí nhằm kiểm soát tranh chấp”.