Cuộc trao đổi thứ hai giữa Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Nga tại G20 đang khiến các chuyên gia an ninh ở Washington lo lắng.
Khung cảnh bữa tiệc tối nhìn từ trên cao, trong đó Tổng thống Trump được xếp ghế ngồi phía bên kia so với Tổng thống Putin và bà Melania Trump, đệ nhất phu nhân Mỹ. Ảnh: NBC News.
Cuộc gặp thứ hai tại hội nghị thượng đỉnh G20 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin hôm 7/7 tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng tới lợi ích của Mỹ, một số chuyên gia an ninh nhận xét, theo NBC News.
Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo chỉ sử dụng phiên dịch viên từ Điện Kremlin, không có nhân viên an ninh quốc gia Mỹ nào xuất hiện cũng như không có người ghi chép nội dung thảo luận. Điều này có thể dẫn tới khả năng những lời nói của ông Putin và ông Trump không được phiên dịch chính xác. Các chuyên gia còn lo ngại Tổng thống Mỹ có thể tiết lộ thông tin tuyệt mật cho người đồng cấp Nga.
Theo nhà sử học Michael Beschloss, cuộc gặp bất ngờ lần thứ hai giữa ông Trump và ông Putin đặt ra câu hỏi “hai nhà lãnh đạo đã trao đổi điều gì mà bí mật đến mức ngoại trưởng hay cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống không thể nghe?”.
Bên cạnh đó, cựu đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul cho rằng cuộc trao đổi này chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm lớn từ các quốc gia khác.
“Dành nhiều thời gian bên cạnh Tổng thống Nga Putin đồng nghĩa ông ấy không có thời gian trao đổi với các nhà lãnh đạo khác. Cả hai đều mang ý nghĩa thực tế và biểu tượng. Nó vô cùng quan trọng”, ông McFaul nói.
Quan ngại
Tổng thống Mỹ Trump ngày 7/7 tham dự một bữa tiệc tối xã giao với 30 nhà lãnh đạo thế giới cùng phu nhân, phu quân họ bên lề hội nghị G20 ở Hamburg. Ông Trump ban đầu ngồi cạnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe còn đệ nhất phu nhân Melania ngồi cạnh Tổng thống Nga Putin. Khoảng giữa buổi tiệc, Tổng thống Mỹ rời chỗ ngồi và tiến đến chiếc ghế trống bên cạnh người đồng cấp Nga.
Dù trước đấy ông Trump và ông Putin đã có cuộc gặp chính thức kéo dài 2 giờ, họ vẫn dành “gần một tiếng nữa để nói chuyện riêng”. Họ trò chuyện thông qua phiên dịch viên của ông Putin.
Không có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump đã chuẩn bị trước cho cuộc nói chuyện. Trả lời phỏng vấn trên MSNBC hôm 19/7, cựu quyền giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John McLaughlin bày tỏ ông lo lắng việc Tổng thống Trump không quen thuộc với các quy tắc tình báo sẽ khiến ông đối mặt rủi ro trước những cuộc gặp không được giám sát.
“Nếu bạn còn nhớ cuộc gặp tại Phòng Bầu dục giữa ông ấy với hai nhà ngoại giao Nga, Tổng thống đã tiết lộ một số thông tin tình báo cũng như nguồn tin không nên tiết lộ. Tôi không dám chắc liệu ông ấy đã nắm rõ các phương pháp và nguồn tin tình báo hay chưa khi có cuộc đối thoại kiểu như vậy với một tổng thống Nga vào thời điểm này”.
Một vấn đề khác nảy sinh là việc Tổng thống Trump cho phép phiên dịch viên Nga xử lý cuộc đối thoại dài như vậy mà không có mặt bất kỳ nhân viên ngoại giao Mỹ nào.
“Điều đó khiến chính phủ Mỹ rơi vào thế bất lợi bởi chúng ta không có bản ghi cụ thể về cuộc nói chuyện giữa Tổng thống với ông Putin”, tướng James Stavridis, cựu chỉ huy của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bình luận.
“Ai biết chuyện gì đã diễn ra suốt 60 phút gặp ấy”, thượng nghị sĩ Dân chủ bang Connecticut Chris Murphy, thành viên Ủy ban Quan hệ Quốc tế Mỹ, nói. “Nhưng với việc không có những người như Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster hay Ngoại trưởng Rex Tillerson, nhiều khả năng các thỏa thuận tồi tệ đã được thông qua”.
Ông McFaul đồng tình với nhận định trên. “Cử ai đó ghi chép là việc làm cần thiết để chính phủ Mỹ nắm rõ những cam kết gì mà Tổng thống đã đưa ra với ông Putin”, McFaul nhận xét. “Bất cứ điều gì Tổng thống nói cũng trở thành chính sách và rất khó để rút lại. Và nó gây khó khăn cho các quan chức ở cấp thấp hơn khi thực hiện chính sách bởi họ không biết ông ấy đã nói gì”.
Theo David Cohen, cựu phó giám đốc CIA, một phần nào đó của cuộc đối thoại còn có thể bị dịch nhầm.
“Ông Trump chẳng thể nào biết những điều mình nói ra có được phiên dịch chính xác hay không. Ông ấy cũng không thể biết chắc những điều ông Putin nói được dịch đúng”, Cohen chia sẻ.
Daniel Hoffman, cựu quan chức CIA từng làm việc ở Nga 5 năm, lưu ý Tổng thống Putin “thường sử dụng tiếng Nga có tính tượng hình cao và đôi khi không thể phiên dịch chính xác sang tiếng Anh”.
“Một phiên dịch viên Mỹ có thể nhận thấy sự khác biệt trong sắc thái”, ông cho biết thêm.
Người phiên dịch cho Tổng thống Nga không phải một cá nhân trung lập, Hoffman nhấn mạnh. Công việc anh ta làm là “hỗ trợ ông Putin đánh giá cách tiếp cận của Tổng thống Trump trước những vấn đề họ thảo luận”.
Ngoài ra, theo giới phân tích, thời lượng cũng như số lượng cuộc nói chuyện giữa ông Putin và ông Trump còn gửi đi thông điệp rằng Tổng thống Mỹ rõ ràng coi trọng Nga hơn các quốc gia khác.
Khi chuyển chỗ, Tổng thống Trump đã bỏ lại phía sau ông Shinzo Abe, Thủ tướng Nhật Bản, quốc gia đóng vai trò chủ chốt trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan đến chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân Triều Tiên, có ảnh hưởng lớn tới Mỹ, McFaul đánh giá.
“Hành động ấy nâng cao vị thế của ông Putin”, Juan Zarate, người từng giữ chức phó thư ký phụ trách về chống khủng bố cho tổng thống Mỹ dưới thời chính quyền George W. Bush, nói.
Theo đại tá hải quân về hưu William Harlow, người từng đảm nhận nhiều cương vị quan trọng tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ và CIA dưới thời tổng thống George H.W. Bush, việc ông Trump phá vỡ những giao thức lâu đời khi bất ngờ gặp mặt nhà lãnh đạo Nga làm dấy lên câu hỏi liệu đây có phải quy chuẩn bình thường mới trong chính sách ngoại giao của chính quyền Trump.
Ông nhắc lại lần tổng thống George H. W. Bush gặp mặt tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev trên một con tàu tuần dương Liên Xô đậu tại cảng thuộc thị trấn Maltese, Marsaxlokk.
“Một phiên dịch viên Mỹ luôn đi theo tổng thống và bên cạnh ông là Brett Scowcroft, cố vấn an ninh quốc gia”, Harlow nói. “Đây dường như là cách sắp đặt điển hình lâu nay, ít nhất cho đến năm 2017”.