Monday, January 27, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiVì sao ông Tập chọn Trần Mẫn Nhĩ, chứ không phải ai...

Vì sao ông Tập chọn Trần Mẫn Nhĩ, chứ không phải ai khác về Trùng Khánh?

Theo giới quan sát, có ba lý do để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bổ nhiệm ông Trần Mẫn Nhĩ vào vị trí Bí thư thành ủy Trùng Khánh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Telegraph

Ngày 15/7, trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc thông báo quyết định, ông Trần Mẫn Nhĩ thay thế ông Tôn Chính Tài nắm giữ vị trí Bí thư thành ủy Trùng Khánh. Vậy đâu là lý do giúp Trần Mẫn Nhĩ nhận được sự tin tưởng của Bắc Kinh?

Ưu thế chính trị của Trần Mẫn Nhĩ

Thứ nhất chính là độ tuổi. Trần Mẫn Nhĩ sinh năm 1960, năm nay 57 tuổi, một trong ba Bí thư tỉnh ủy thuộc thế hệ 6x trên chính trường Trung Quốc hiện nay.

Theo giới chuyên gia, độ tuổi trẻ chính là ưu thế chính trị đối với Trần, hay nói cách khác, ông có khả năng trở thành người dẫn đầu trên đường đua chính trị trong tương lai.

Thứ hai, ông Trần từng công tác tại Chiết Giang. Chiết Giang vốn là nền kinh tế lớn của Trung Quốc, lại là hậu phương vững chắc của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Sau Đại hội 18 ĐCSTQ (năm 2012), loạt quan chức từng công tác tại Chiết Giang như Bí thư thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ đều thăng tiến nhanh chóng. Trần Mẫn Nhĩ cũng là một trong số những quan chức này.

Đặc biệt, sự hiểu biết của ông Trần đối với hệ thống quan điểm, chính sách đường lối lãnh đạo của ông Tập Cận Bình từ lâu đã được cho là ưu thế giúp ông nhanh chóng trở thành ngôi sao chính trị, có tiềm năng trở thành thế hệ lãnh đạo thứ sáu tại Trung Quốc.

Ông Tập từng công tác tại Chiết Giang từ năm 2002-2007 trước khi lên Thượng Hải còn Trần Mẫn Nhĩ có hơn bốn năm công tác dưới quyền ông Tập trong thời gian này. 

Thứ ba, sự khẳng định của tầng lớp lãnh đạo cấp cao. Bắt đầu từ năm 2012, song song với cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài và Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Hồ Xuân Hoa, ông Trần Mẫn Nhĩ rõ ràng cũng là một ngôi sao chính trị, luôn nhận được sự khẳng định, tin tưởng của tầng lớp lãnh đạo trung ương.

Ví như vào tháng 7 trước thềm Đại hội 18, nhằm giúp Trần có thể giành suất trở thành Ủy viên trung ương đảng, trước khi Bí thư tỉnh ủy Quý Châu bấy giờ là ông Lật Chiến Thư chuyển lên trung ương, Trần Mẫn Nhĩ đã được điều từ Chiết Giang sang nắm giữ vị trí Phó Bí thư tỉnh ủy Quý Châu. Nhờ đó, Trần được xuất hiện trong “danh sách đề cử ủy viên trung ương đảng”.

Hơn nữa, vào ngày 20/4/2017, trong ngày bế mạc Hội nghị đại biểu đảng ủy Quý Châu, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trúng cử đại biểu tỉnh Quý Châu dự Đại hội toàn quốc của ĐCSTQ khóa 19 diễn ra vào mùa thu tới đây. Đây là sự kiện sau gần 10 năm kể từ Đại hội 17, 18, ông Tập khi trúng cử đại biểu nhân đại toàn quốc tại Thượng Hải.

Đây được cho là tín hiệu chứng tỏ sự ủng hộ của nhà lãnh đạo Trung Quốc đối với ông Trần Mẫn Nhĩ.

Quan điểm dùng người của ông Tập

Ngoài ông Trần Mẫn Nhĩ, từ năm 2012, một số quan chức từng công tác tại Chiết Giang gồm các ông Thái Kỳ, Chung Thiếu Quân, Hoàng Khôn Minh, Lý Cường v.v… đều có những bước tiến đáng kể. Những bước tiến này đã dần tiết lộ quan điểm dùng người của nhã lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Sau Đại hội 18, ông Tập lập tức triển khai chính sách cải cách toàn diện, chống tham nhũng, đẩy mạnh các kế hoạch chiến lược. Những chính sách này đều không thể tách rời sự phối hợp hài hòa, tích cực của đội ngũ cấp dưới thân tín.

Hơn nữa, một số vị trí chủ chốt và đặc biệt đều cần áp dụng logic bổ nhiệm đặc thù, hợp lý. Trong môi trường chính trị và bối cảnh thời đại đặc thù hiện nay tại Trung Quốc, logic bổ nhiệm càng cần được chú trọng.

Vì thế, các quan chức Chiết Giang dễ nhận được trọng dụng, một trong số các nguyên nhân chính là “sự quen thuộc”. Việc bố trí đội ngũ cấp dưới tin cậy tại các địa phương, đặc biệt các địa phương quan trọng giúp ông Tập dễ dàng định hình bộ máy lãnh đạo khóa tới, tạo thuận lợi để triển khai công tác ở cả trung ương lẫn địa phương.

Hơn nữa, giới chức Chiết Giang được đánh giá cao phần nào còn xuất phát từ năng lực chính bản thân họ. Chiết Giang là tỉnh ven biển, giáp Thượng Hải có lịch sử văn hóa lâu đời, bồi dưỡng nên nhiều bậc danh sĩ thành danh. Đặc trưng “văn”, “sĩ” đã quyết định năng lực quan chức Chiết Giang.

Trong thời gian ông Tập nắm quyền năm 2006, thu nhập bình quân tại Chiết Giang vượt 18.000 nhân dân tệ/người, đứng thứ nhất toàn quốc. Thành tích rực rỡ này của ông Tập, tất nhiên ngoài năng lực bản thân nhà lãnh đạo Trung Quốc còn là sự phối hợp đắc lực của đội ngũ cán bộ thân tín.

Một số ý kiến cho rằng, có thể yêu cầu của ông Tập đối với các quan chức trên toàn Trung Quốc được xuất phát từ chính những đặc điểm tích cực của những cấp dưới được ông bồi dưỡng, cộng tác trong năm năm tại Chiết Giang.

Tại hội nghị công tác tổ chức toàn quốc Trung Quốc hồi tháng 6/2013, ông Tập nhấn mạnh: “Đối mặt với tình hình quốc tế phức tạp và nhiệm vụ cải cách đối nội khó khăn…. để tiến hành cuộc đấu vĩ đại mang tính lịch sử, quan trọng ở đảng, mấu chốt ở nhân lực”. So sánh với hình thức bố trị nhân sự hiện nay có thể thấy rõ quan điểm dùng người của nhà lãnh đạo Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới