Một năm sau khi thua Philippines trong vụ kiện về Biển Đông theo phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) tại The Hague, Trung Quốc vẫn tiếp tục chính sách ‘tằm ăn dâu’ ở khu vực này và Việt Nam ‘không thể tiếp tục nhân nhượng mãi’, khách mời Bàn tròn Thứ Năm nói với BBC Việt ngữ.
Trao đổi với cuộc Tọa đàm với chủ đề ‘Biển Đông và an ninh khu vực, một năm sau phán quyết của Tòa PCA’, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Maine, Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói:
“Trung Quốc càng lấn tới trên mọi mặt, chứ không chỉ ở Biển Đông. Nhưng ở Biển Đông, bây giờ Trung Quốc vẫn còn theo chính sách ‘tằm ăn dâu’, tất nhiên là không làm lớn, không làm chuyện gì gây sự để cho thế giới để ý.
“Nhưng ở trong những đảo mà họ đã xây dựng, thì họ càng ngày càng quân sự hóa các đảo này và đem những võ khí tối tân lên các đảo đó, thì đây là những vấn đề và các nước cần có an ninh trong khu vực nên lên tiếng cho thế giới biết.
“Còn Việt Nam, tôi nghĩ không thể ngụy biện, nói rằng thế này, thế kia, thành ra Việt Nam chỉ đàm phán song phương được. Nói như thế là mất cả, cho nên… nếu Việt Nam khoe rằng ngày xưa đã thắng những đế quốc như đế quốc Pháp, Nhật, Mỹ, mà (đó là) những đế quốc lớn.
“Bây giờ, là một nước anh em mà đã nói với họ nhiều lần rồi, nếu họ không chịu nghe thì Việt Nam phải cứng rắn chứ không thể tiếp tục nhân nhượng mãi, mà tôi nghĩ vấn đề đưa Trung Quốc ra kiện là… đúng theo luật pháp thôi.
“Vợ chồng với nhau, khi người ta cần kiện, muốn kiện, người ta còn kiện, huống chi là nước láng giềng nếu lấn ngoài thì phải kiện thôi chứ.”
Là ‘xa xỉ’ với dân?
Tại bàn tròn ngày 20/7/2017, một số khán giả theo dõi trực tuyến đã chia sẻ một số thông tin và đặt câu hỏi cho Chương trình.
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Công nhân Trung Quốc trên một giàn khoan dùng vòi rồng phun nước vào tàu cá của Việt Nam tại khu vực mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền cách đây vài tháng, theo truyền thông quốc tế.
Có ý kiến nói Trung Quốc tiếp tục tấn công các tàu cá của Việt Nam trên Biển Đông thì phải làm gì, một số bình luận khác đặt câu hỏi vì sao chính quyền Việt Nam, đảng và nhà nước, không kiện quốc gia láng giềng này ra tòa án Quốc tế.
Phản hồi một bình luận của một độc giả cho rằng người dân Việt Nam quan tâm tới các vấn đề như nợ công, ngân quỹ quốc gia bao giờ ‘cạn kiệt’ hơn là vấn đề bản đồ đường ‘lưỡi bò’ hay (tranh chấp) Hoàng Sa, Trường Sa, mà ý kiến này cho là ‘xa xỉ’, Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói:
“Vấn đề không phải là dân thường không để ý vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng mà họ bị đàn áp và bị cấm đoán, mỗi lần họ lên tiếng là nhiều người bị bắt, thì đó là lý do tại sao mà nhiều người không thấy bề ngoài của nó.
“Nhưng tôi nghĩ rất nhiều người Việt Nam thấy rõ vấn đề an ninh biển là quan trọng cho vấn đề tương lai của Việt Nam, vấn đề kinh tế của Việt Nam về lâu về dài, chứ không phải là vấn đề chủ quyền một vài thực thể nhỏ,” Giáo sư Long từ nói với Bàn tròn.
Cũng tại Tọa đàm này, đánh giá tình hình Biển Đông và an ninh ở khu vực này sau một năm có phán quyết của Tòa PCA, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng từ Đại học George Mason, đưa ra nhận định:
“Nói là sóng yên bể lặng thì cũng đúng, mà nói là sóng ngầm cũng đúng. Nói về sóng yên biển lặng thì chúng ta thấy là từ sau vụ Giàn khoan (HD-981) năm 2014, sự khủng hoảng như vậy không có nữa.
Bản quyền hình ảnh BBC Tiếng Việt Image caption Biển Đông hiện hàm chứa nhiều yếu tố bất lường mà Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng gọi là có rất nhiều ‘sóng ngầm.’
“Còn về sóng ngầm thì có rất nhiều, bởi vì sự thay đổi, sự đắc cử Tổng thống của hai vị lãnh đạo, một là ở Philippines, ông Rodrigo Duterte, và ở Mỹ là ông Donald Trump, đã đưa vào đó những yếu tố có thể nói là bất ngờ và không thể tiên đoán được trong những hoạt động ở Biển Đông trong năm vừa qua, cũng như trong những ngày tháng sắp tới,” Giáo sư Hùng, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) của Mỹ, nói với BBC Việt ngữ.