Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThêm lời cảnh tỉnh về dòng vốn TQ

Thêm lời cảnh tỉnh về dòng vốn TQ

Trong cuộc chơi không có lòng từ thiện hay vị tha. Nếu nợ trở thành cổ phần thì có nghĩa là bạn đang bán đi quyền kiểm soát đất nước của bạn.

Trang mạng philstar.com của Philippines mới đây đăng bài viết của cựu Đại sứ Ấn Độ tại Liên hợp quốc, ông Hardeep Singh Puri cảnh báo rằng các nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần thận trọng khi ký kết các hợp đồng đầu tư lớn với Trung Quốc. Một trong những lý do là các nước ASEAN có thể sẽ phải chi trả nhiều hơn những gì đã thương lượng.

Ông Puri, hiện là Chủ tịch Hệ thống Nghiên cứu và Thông tin (RIS) cho các nước đang phát triển, cho rằng mặc dù các nước ASEAN phải tận dụng chính sách đầu tư ráo riết của Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, nhưng cũng phải cân nhắc đến khả năng chi trả các khoản vay và các dự án đó có khả thi hay không.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng các quốc gia ASEAN, từng nước một, dù lớn hay nhỏ, đều có khả năng phục hồi tốt. Tuy nhiên, hãy cẩn thận với những kế hoạch mang lại nhiều tiền một cách quá dễ dàng”.

Ví dụ được ông Puri chỉ ra là trường hợp các hợp đồng đầu tư giữa Sri Lanka và Trung Quốc xây dựng một cảng nước sâu ở khu vực Hambantota và sân bay quốc tế ở Mattala. Chính phủ Sri Lanka đã ký các thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc để rồi sau đó nhận ra rằng các dự án này không hề khả thi, bởi chúng không đi kèm các dự án phát triển để có thể thu hút các tàu thuyền, hàng hóa, cũng như khách du lịch đến cảng biển Hambantota và sân bay quốc tế Mattala.

Sân bay Mattala hiện đang được coi là sân bay vắng nhất thế giới, song việc duy trì hoạt động và bảo dưỡng sân bay vẫn chiếm một phần lớn trong tổng nguồn thu của Sri Lanka.

Them loi canh tinh ve dong von Trung Quoc

Một mẫu tàu cao tốc được Trung Quốc quảng bá ở Indonesia

Tháng 10 năm ngoái, Chính phủ Sri Lanka tuyên bố đã ký kết một thỏa thuận hoán đổi nợ thành cổ phần với 2 công ty tư nhân của Trung Quốc để 2 công ty này có thể gánh vác một khoản lớn trong số 8 tỷ USD mà Sri Lanka nợ Chính phủ Trung Quốc. Theo thỏa thuận này, các công ty Trung Quốc sẽ sở hữu phần lớn cổ phần trong 2 dự án này và sẽ tiếp quản các hoạt động của chúng, trong đó cảng biển Hambantota nằm ở vị trí chiến lược trên Ấn Độ Dương.

Ông Puri cho biết: “Hiện tại, khoảng hơn 65% GDP của Sri Lanka là để trả nợ. Mỗi năm, Sri Lanka phải gánh vác khoản nợ khoảng 8-10 tỷ USD. Nếu quốc gia của bạn là một nền kinh tế nhỏ và khoảng 70% GDP là để trả nợ, bạn không thể điều hành đất nước một cách hiệu quả”.

Theo ông Puri, chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cần đảm bảo rằng trường hợp tương tự như vậy sẽ không xảy ra tại Philippines trong bối cảnh mà Trung Quốc hồi năm ngoái – vào thời điểm ông Duterte đang có chuyến thăm chính thức đầu tiên tại đây – đã cam kết sẽ cho vay và đầu tư 24 tỷ USD vào Philippines. Theo đó, có đến 15 tỷ USD trong cam kết này là liên quan đến các thỏa thuận giữa công ty với công ty.

Them loi canh tinh ve dong von Trung Quoc

Các khoản đầu tư hào phóng không phải lòng từ thiện

Phần lớn các khoản đầu tư là dành cho lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như hải cảng, các tuyến đường sắt của tỉnh, các nhà máy điện, đường xá và cầu.

Ông Puri nói: “Trong cuộc chơi này, không có lòng từ thiện hay vị tha… Tại Sri Lanka, nợ đang được chuyển thành cổ phần … Vấn đề là nếu nợ trở thành cổ phần, thì có nghĩa là bạn đang bán đi chính đất nước của bạn”.

Khi được hỏi liệu rằng chính sách đầu tư mạnh mẽ của Trung Quốc không chỉ vào Philippines mà còn vào nhiều quốc gia ASEAN khác, có phải nhằm để buộc các nước này phải im lặng trong vấn đề Biển Đông hay không, ông Puri nói: “Tôi sẽ không liều lĩnh đưa ra phỏng đoán. Khi một nước vạch ra một chính sách như vậy, họ có những động cơ riêng của mình”.

RELATED ARTICLES

Tin mới