Ngoại trưởng Đức công bố một loạt các biện pháp đáp trả Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vụ bắt giữ một nhà hoạt động nhân quyền người Đức.
Trong những tuyên bố mới nhất được cho là thể hiện lập trường cứng rắn trong cuộc đối đầu đầy căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, Đức cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp mạnh tay nhằm vào lĩnh vực du lịch và đầu tư tại nước này, đồng thời sẽ xem xét lại toàn bộ mối quan hệ vốn không được “xuôi chèo mát mái” giữa hai nước.
Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng kiên quyết không khuất phục trước những lời đe dọa cũng như sức ép từ phía Đức.
Chính phủ Đức đang tiến gần hơn tới việc đưa ra cảnh báo về du lịch Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ không còn là mảnh đất an toàn cho các công dân Đức. Đặc biệt là sau vụ “lùm xùm” liên quan tới việc Ankara bắt giữ 6 nhà hoạt động vì quyền con người, trong đó có một người Đức, do tình nghi những người này thuộc một tổ chức khủng bố.
Đây có thể là tin không mấy tốt lành đối với lĩnh vực du lịch vốn được xem là trụ cột trong nền kinh tế đang gặp khó khăn của Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc nhà ngoại giao hàng đầu của Đức Sigmar Gabriel ngày 20/7 công bố một loạt các biện pháp đáp trả Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vụ bắt giữ một nhà hoạt động nhân quyền người Đức cũng được xem là dấu hiệu cho thấy Berlin sắp hết kiên nhẫn với Ankara.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nhấn mạnh: “Hiện tại tôi không thấy bất kỳ sự sẵn sàng nào từ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về việc sẽ đi chung con đường này với chúng tôi. Đó là lý do vì sao Đức buộc phải có hướng đi mới trong chính sách của chúng tôi về Thổ Nhĩ Kỳ”.
Cũng theo Ngoại trưởng Sigmar Gabriel, Đức sẽ xem xét lại các đảm bảo của nhà nước đối với đầu tư nước ngoài tại Thổ Nhĩ Kỳ và kêu gọi các doanh nhân không đổ tiền vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó một ngày (19/7), phía Đức cũng đánh tiếng về khả năng sẽ dừng khoản hỗ trợ trị giá 3 tỷ euro mà Liên minh châu Âu (EU) cam kết dành cho Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp tràn vào châu Âu.
Phản ứng trước những cảnh báo về một loạt các biện pháp nhằm gây sức ép về mặt kinh tế từ chính phủ Đức, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định, Ankara sẽ không “cúi đầu” trước bất kỳ mối đe dọa nào.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng việc Đức “dọa” Thổ Nhĩ Kỳ là sẽ hủy các cuộc đàm phán về liên minh thuế quan là không phù hợp với các tiêu chuẩn của các mối quan hệ quốc tế, không phù hợp với một quốc gia “nghiêm túc” như Đức. Vị quan chức này đồng thời nhấn mạnh, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ nên tập trung vào các mục tiêu dài hạn của cả hai bên.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ trích Đức can thiệp vào bộ máy tư pháp của nước này khi yêu cầu Ankara thả nhà hoạt động nhân quyền người Đức. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ, nền tư pháp độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ không thể “bị chỉ đạo bởi bất cứ ai”.
Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin khẳng định: “Đây là sự thiếu tôn trọng với nền tư pháp của Thổ Nhĩ Kỳ, sự thiếu tôn trọng với một đất nước như Thổ Nhĩ Kỳ- đất nước sẽ không bao giờ chia sẻ nền độc lập và chủ quyền với bất kỳ bên nào. Chúng tôi mạnh mẽ lên án những tuyên bố cho rằng các công dân Đức đến Thổ Nhĩ Kỳ là không an toàn hay những công ty của Đức ở Thổ Nhĩ Kỳ đang có những mối lo ngại.”
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn lên tiếng cáo buộc Đức “cư xử hai mặt” và cho rằng Đức đã che giấu thành viên của các tổ chức khủng bố, đồng thời ngăn cản việc xét xử họ.
Trong suốt 1 năm qua, mối quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp vấp phải những trở ngại. Đỉnh điểm của những mâu thuẫn mới nhất lại tiếp tục đẩy hai nước này ra xa nhau hơn, bất chấp tình huống căng thẳng hiện tại vốn không phải là mong muốn của cả hai bên.
Mặc dù vậy, giới quan sát vẫn kỳ vọng, sự ràng buộc về những lợi ích qua lại có thể khiến hai bên bình tĩnh suy xét lại, tìm cách tháo gỡ ngòi nổ căng thẳng có nguy cơ bùng cháy bất cứ lúc nào