Mỹ không còn quá nhiều ảnh hưởng về kinh tế ở Trung Đông. Trung Quốc có rất nhiều tiền và đang muốn tìm những khoản đầu tư mới. Điều này đem lại cho Bắc Kinh một lợi thế khổng lồ.
Ngoại trưởng Syria và Ngoại trưởng Trung Quốc
Đầu tư khôi phục Syria
Sau nhiều năm chiến tranh liên miên, hầu hết các công trình ở Syria, quan trọng nhất là loạt cầu bắc ngang qua sông Euphrates, đều hư hại nghiêm trọng hoặc bị phá hủy hoàn toàn trong những đợt giao tranh quy mô lớn của quân đội Mỹ với Nhà nước Hồi giáo IS.
Mới đây, chính phủ Trung Quốc đã cam kết cấp cho chính phủ Syria 2 tỷ USD nhằm xây dựng các khu công nghiệp khắp quốc gia, bước quan trọng trong công cuộc phục hồi đất nước sau chiến tranh.
Theo Al Masdar, thỏa thuận này được thông qua vào ngày 9/7 vừa qua, cho phép các công ty Trung Quốc bắt đầu xây dựng cơ sở vật chất cho 150 doanh nghiệp Syria.
“Trung Quốc, Nga và Iran đã có những hỗ trợ to lớn cho Syria trong cuộc giao tranh. Giờ đây, 3 quốc gia này cũng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc tái thiết Syria,” đại sứ Syria phát biểu trong cuộc họp báo về vấn đề này.
Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường những ảnh hưởng về kinh tế, chính trị và ngoại giao ở vùng Trung Đông, khu vực hầu như nằm dưới quyền kiểm soát của Mỹ trong những năm gần đây.
Theo chuyên gia Stanislav Tarasov, Bắc Kinh muốn đặt ra những chính sách riêng cho khu vực này.
Giải quyết tranh chấp Palestine-Israel
Syria chỉ là một trong số những nỗ lực của Trung Quốc. Đầu tuần này, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas thăm Trung Quốc và có cuộc hội đàm với các lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình, để thảo luận tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
Trong cuộc nói chuyện, ông Abbas bày tỏ mong muốn Trung Quốc sẽ có vai trò lớn hơn trong nỗ lực hòa bình ở Trung Đông. Đáp lại, ông Tập cũng tái khẳng định cam kết và sẽ tìm ra giải pháp phù hợp với các bên.
Ông Tập cũng đề xuất một cuộc đối thoại ba bên, bao gồm Trung Quốc, Palestine và Israel nhằm hỗ trợ và củng cố các nỗ lực hòa bình trong khu vực.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trong cuộc đàm thoại với người đồng cấp Tunisia Khemaies Jhinaoui, cũng cho biết Bắc Kinh đã sẵn sàng chung tay cùng các quốc gia trong khu vực tìm cách giải quyết khủng hoảng Libya.
Những cam kết này của Trung Quốc cho thấy chính sách ngoại giao ngày càng mở hơn của Bắc Kinh.
Tầm ảnh hưởng ngày càng lớn
Trả lời Sputnik, Ji Kaiyuan, chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Tây Nam Trung Quốc, khẳng định Trung Quốc có đủ tiềm năng để giải quyết tranh chấp Israel – Palestine và qua đó, tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới.
Stanislav Tarasov, nhà phân tích chính trị và chuyên gia nghiên cứu Trung Đông, cũng nhận định ông Tập Cận Bình đang “tiến một nước cờ chính trị dứt khoát” nhằm tăng cường tầm ảnh hưởng chính trị kinh tế của Trung Quốc ở Trung Đông.
Theo ông Tarasov, mâu thuẫn Israel – Palestine chỉ là một ví dụ nhỏ. Nếu Trung Quốc thành công, các quốc gia khác cũng sẽ nhờ cậy tới Trung Quốc để giải quyết các vấn đề của mình.
Cũng theo chuyên gia này, ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là mở rộng ảnh hưởng kinh tế ở Trung Đông.
Ông chỉ ra:”Mỹ không còn quá nhiều ảnh hưởng về kinh tế ở Trung Đông. Trung Quốc có rất nhiều tiền và đang muốn tìm những khoản đầu tư mới. Điều này đem lại cho Bắc Kinh một lợi thế khổng lồ. Vì lẽ đó, không sớm thì muộn, các quốc gia Trung Đông cũng sẽ dần quay hướng chính sách từ Mỹ sang Trung Quốc.”
Việc tái định hướng chính sách ngoại giao có thể sẽ mất nhiều thập kỉ nhưng hiện tại, các nước Trung Đông đã có thể viện tới Trung Quốc khi đàm phán với Mỹ hoặc châu Âu.