Theo nhận định của các nhà nghiên cứu quân sự, một cuộc chiến tranh biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ giống như năm 1962 sẽ khó lặp lại, bởi hậu quả mà nó gây ra sẽ vô cùng thảm khốc
Ai đang có lợi thế?
Nếu xảy ra xung đột, quân đội hai quốc gia sẽ chỉ giới hạn giao tranh bằng các loại vũ khí thông thường, không chủ trương tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân bởi đó sẽ là kịch bản hủy diệt cho cả hai bên.
Giống các cuộc chiến hiện đại, cuộc chiến Trung – Ấn sẽ diễn ra cả trên bộ, trên biển và trên không. Át chủ bài duy nhất giúp Ấn Độ chiếm lợi thế là hải chiến, vì điều này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Trung Quốc.
Việc kiểm soát Ấn Độ Dương giúp Ấn Độ nắm giữ yết hầu của Trung Quốc. Lực lượng tàu ngầm và chiến hạm mặt nước của Ấn Độ có thể dễ dàng cắt đứt tuyến hàng hải thương mại giữa Trung Quốc với châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Hoạt động phong tỏa trên biển của Ấn Độ sẽ buộc tàu hàng Trung Quốc phải chuyển hướng sang Tây Thái Bình Dương, nơi họ dễ bị hải quân Australia, Nhật Bản và Mỹ cản trở.
Trung Quốc phải nhập khẩu 87% lượng nhu cầu dầu mỏ, chủ yếu từ Trung Đông và châu Phi. Dự trữ dầu mỏ chiến lược của nước này chỉ đủ cung cấp trong khoảng 77 ngày, buộc Bắc Kinh phải tìm cách chấm dứt chiến tranh nhanh chóng.
Về cuộc chiến trên mặt đất, chiến lược khu Lan Châu sở hữu lượng lớn tiêm kích, cùng hai trung đoàn oanh tạc cơ chiến lược H-6 và nhiều tiêm kích đánh chặn.
Việc không có căn cứ tiền phương ở Tân Cương khiến chiến lược khu Lan Châu chỉ đủ sức tiến hành chiến dịch tập kích đường không hạn chế nhằm vào miền bắc Ấn Độ. Trong khi đó, chiến lược khu Thành Đô sở hữu tiêm kích tối tân, nhưng lại có ít sân bay quân sự ở khu vực Tây Tạng sát biên giới Ấn Độ.
Trung Quốc cũng có thể triển khai lực lượng tên lửa chiến lược với 2.000 tên lửa đạn đạo tới sát biên giới với Ấn Độ. Việc điều động các đơn vị tên lửa này tới biên giới phía tây giúp Trung Quốc đe dọa hàng loạt mục tiêu chiến lược của đối phương, nhưng sẽ để hở toàn bộ sườn phía đông giáp biển.
Trong khi đó, không quân Ấn Độ có khả năng chiếm ưu thế và kiểm soát không phận tốt hơn đối thủ. Phi đội 230 tiêm kích đa năng, 69 tiêm kích và hàng loạt chiến đấu cơ Mirage 2000 tỏ ra vượt trội so với máy bay Trung Quốc, ít nhất cho đến khi tiêm kích tàng hình J-20 đạt khả năng vận hành thực tế.
Thậm chí, Ấn Độ có đủ chiến đấu cơ để tham chiến trên hai mặt trận, trong trường hợp không quân Pakistan nhảy vào tham chiến hỗ trợ Trung Quốc. New Delhi cũng bố trí nhiều hệ thống phòng không tầm trung Akash để bảo vệ các căn cứ không quân và mục tiêu giá trị cao.
Trong thời gian ngắn, Ấn Độ có thể tự tin đối phó với không quân Trung Quốc, nhưng họ không có cách nào chặn đứng được cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của nước này.
Một nửa miền bắc Ấn Độ nằm trong tầm bắn của các đơn vị tên lửa Trung Quốc ở Tân Cương và Tây Tạng. New Delhi chưa triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hiệu quả, cũng không có khả năng tiêu diệt các bệ phóng tên lửa của đối phương.
Cuộc chiến Trung – Ấn sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng có thể để lại hậu quả nặng nề với nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy đây cũng là yếu tố để giải thích, hai nước tìm giải pháp đối thoại để giải quyết khủng hoảng để tránh chiến tranh nổ ra.
Ăn miếng trả miếng
Hiện cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đang có những động thái leo thang căng thẳng trên khu vực đường biên giới. Ngày 18/7 Ấn Độ đã thẳng thừng bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng quân đội nước này đã tiêu diệt 158 binh sĩ Ấn Độ và bắn rocket qua biên giới ở khu vực Sikkim.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố: ”Những tin tức này là hoàn toàn vô căn cứ, thâm hiểm và gây hại. Truyền thông có trách nhiệm sẽ không để ý đến những thông tin này”.
Trong thời gian này, quân đội Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn ở phía bên kia biên giới của Ấn Độ với sự tham gia máy bay, xe tăng và trọng pháo.
Đáp trả lại phía Trung Quốc, quân đội Ấn Độ từ ngày đã triển khai thêm 2.500 binh sĩ đến khu vực bang Sikkim giáp biên giới Trung Quốc nhằm ”tăng cường khả năng ứng phó trong trường hợp xung đột” có thể nổ ra tại cao nguyên Doklam.
Giữa Ấn Độ và Trung Quốc có đường biên giới dài khoảng 3.500km vốn chưa bao giờ bình yên kể từ khi nước này trở thành những quốc gia độc lập.
Tranh chấp lãnh thổ là nguyên nhân dẫn tới những cuộc va chạm, đụng độ thường xuyên giữa hai nước mà nghiêm trọng nhất là cuộc chiến tranh biên giới cuối năm 1962 khiến khoảng 2.000 người của hai bên thiệt mạng.
Giữa lúc căng thẳng trên biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc hiện nay, báo chí Trung Quốc không làm được gì hay hơn là đổ thêm dầu vào lửa khi ra sức lên tiếng đe dọa ”sẵn sàng cho cuộc chiến tranh tổng lực dọc biên giới” với Ấn Độ.