Sunday, October 6, 2024
Trang chủĐàm luậnTriều Tiên và liên minh quân sự Mỹ-Hàn, ai sợ ai?

Triều Tiên và liên minh quân sự Mỹ-Hàn, ai sợ ai?

Bán đảo Triều Tiên tiếp tục rơi vào tình trạng căng thẳng khi các bên liên tiếp phô diễn sức mạnh quân sự. Đầu tháng 5 vừa qua, Mỹ đã triển khai hai dàn phóng thuộc Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc và bốn dàn khác đang chờ được triển khai sau khi Chính phủ Hàn Quốc hoàn tất đánh giá tác động môi trường.

Trung tướng Thomas S. Vandal, chỉ huy quân đoàn số 8 của Mỹ tại Hàn Quốc cho hay, hệ thống này sẽ bảo vệ được 10 triệu người.

Trong vài tháng qua, Triều Tiên đã liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa. Đáng chú ý là vào ngày 4/7, hãng truyền hình nhà nước Triều Tiên tuyên bố nước này thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14. Hàn Quốc cho rằng tên lửa đã rơi ở cách điểm xuất phát 930 km. Còn Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận định tên lửa đã đạt độ cao trên 2.500 km. Mỹ cho biết thời gian bay của tên lửa là 37 phút.

Với những dữ liệu nêu trên, tên lửa của Triều Tiên có thể đạt tầm bay hơn 6.000 km với một quỹ đạo tiêu chuẩn. Qua đó cho thấy Bình Nhưỡng đã có tiến bộ đáng kể về công nghệ.

Không phải ngẫu nhiên. Mỗi lần Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân hay tên lửa đều nhằm vào những dịp “đặc biệt”. Trong năm 2017, Triều Tiên đã thử nghiệm vũ khí vào dịp kỷ niệm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành hay sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhậm chức.

Vụ thử mới nhất đúng vào ngày Quốc khánh Mỹ. Nó được tiến hành ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, tại Hamburg (Đức). Trước đó một số nhà quan sát tin rằng Triều Tiên – dưới sức ép của Trung Quốc – sẽ kiềm chế những động thái mang tính khiêu khích và tích cực cải thiện quan hệ liên Triều. Nhưng sự thật đã diễn ra ngược lại.

Cho đến nay Triều Tiên đã chứng minh họ đạt được những tiến bộ vượt bậc trong việc phát triển công nghệ tên lửa. Tiến bộ từ tầm bắn cho tới động cơ sử dụng nguyên liệu lỏng và rắn, cũng như khả năng duy trì tên lửa ở tầm cao. Như vậy Bình Nhưỡng đã tiến một bước dài về công nghệ tên lửa bên cạnh chương trình hạt nhân.

Hệ quả an ninh đầu tiên chính là việc một phần lãnh thổ Mỹ đã lọt vào tầm bắn của tên lửa Triều Tiên. Nước này không giấu diếm dự định sản xuất thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng đe dọa lãnh thổ Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Liệu hệ thống THAAD mà Mỹ triển khai ở Hàn Quốc có thể ngăn chặn tên lửa tầm xa của Triều Tiên?

Hồi tháng 1/2017, Tổng thống Mỹ Trump từng nói, Triều Tiên không thể phát triển được vũ khí có khả năng tiếp cận đến nước Mỹ. Ngay sau đó Ngoại trưởng Rex Tillerson đã xác nhận vụ bắn thử hôm 4/7 là ICBM chứ không phải tên lửa tầm trung như đánh giá ban đầu.

Về quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, hai nước này sẽ không thể yên tâm trước những vụ thử hạt nhân và tên lửa liên tục của Triều Tiên. Do vậy, nhiều khả năng, những vụ thử như thế này sẽ đẩy Hàn Quốc và Nhật Bản tiến gần hơn với Mỹ về hợp tác quân sự. Mỹ sẽ càng có lý do để tiếp tục duy trì quân đồn trú, hiện diện quân sự tại khu vực Đông Bắc Á.

Trở lại vụ thử nghiệm bom H  (bom nhiệt hạch) năm 2016. Nếu vụ này đúng sự thật, cộng với thành công của vụ thử tên lửa tầm xa vừa qua thì Triều Tiên đã gia nhập nhóm số ít các nước sở hữu loại hình vũ khí hủy diệt hàng loạt. Do đó, bên cạnh việc hợp tác với một cường quốc ngoài khu vực, không loại trừ khả năng một cuộc chạy đua vũ trang sẽ được các bên như Hàn Quốc hay Nhật Bản tiến hành.

Trong bối cảnh này, quan hệ liên minh quân sự Mỹ – Hàn sẽ đặc biệt được chú ý,mặc dù liên minh này đang trong giai đoạn đầy thách thức. Chính quyền của Tổng thống Trump áp dụng chính sách gây sức ép tối đa lên Triều Tiên, buộc nước này phải đi vào đàm phán phi hạt nhân hóa. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in lại cho thấy sự sẵn sàng nhượng bộ Bình Nhưỡng cũng như thu hẹp quy mô tập trận chung Mỹ – Hàn.

Nhà Xanh xác định sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa để sớm quay trở lại bàn đàm phán. Quan điểm này khá giống với lời kêu gọi công khai của Trung Quốc về việc hạn chế quan hệ quân sự Mỹ – Hàn để đổi lại Triều Tiên đóng băng chương trình hạt nhân và tên lửa. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ sự ủng hộ trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vài ngày trước vụ Triều Tiên thử tên lửa tầm xa.

Thời điểm này quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga rất khó đo lường. Washington và Moscow đang vướng vào vụ tranh cãi về việc Nga có can thiệp vào bầu cử Mỹ hay không. Trong khi đó, Bắc Kinh khó chịu trước một số động thái cứng rắn về thương mại mà Tổng thống Trump hướng vào Trung Quốc. Thêm vào đó là việc áp đặt lệnh trừng phạt trực tiếp lên những chủ thể Trung Quốc vi phạm lệnh cấm buôn bán với Triều Tiên. Trung Quốc cũng phản ứng rất mạnh trước việc Mỹ chuyển giao THAAD cho Hàn Quốc. Quan hệ Hàn-Nhật cũng đầy băng giá với những vấn đề lịch sử khiến đối thoại và hợp tác an ninh giữa hai nước bị hạn chế. Tình thế này khiến cho việc tìm ra một chính sách điều phối, hợp tác giữa các cường quốc trong vấn đề Triều Tiên dù rất quan trọng nhưng lại cực kỳ phức tạp và khó khăn.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 3 vừa qua, hai nhà lãnh đạo đã đạt được sự đồng thuận là phải gia tăng sức ép lên chương trình hạt nhân và tên lửa tầm xa của Triều Tiên. Ngay sau cuộc gặp này, những nguồn tin từ Trung Quốc cho thấy họ đã cảnh báo Triều Tiên về vấn đề này.

Ngày 26/4, tuyên bố chung của Ngoại trưởng Rex Tillersson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Dan Coats – những quan chức ngoại giao và an ninh hàng đầu trong nội các của Tổng thống Trump – về cơ bản cho rằng các chương trình sản xuất và sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên sẽ được giải quyết bằng đàm phán. Tuyên bố này được xem là một bước ngoặt chuyển sang giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.

Trên tinh thần đó, trong cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị  G20 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã thể hiện thái độ mềm mỏng với Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Còn Tập Cận Bình cho rằng: “Cộng đồng quốc tế nên tăng cường các nỗ lực trong việc thúc đẩy đối thoại và kiểm soát tình hình”.

Giả sử Mỹ quyết định ngồi vào bàn đàm phán có thể Triều Tiên sẽ đòi hỏi Mỹ không chỉ ký kết một hiệp định hòa bình mà còn đàm phán về việc thống nhất bán đảo. Khi đó liên minh Mỹ – Hàn – Nhật cũng không nên từ chối đàm phán, bởi cho đến khi tìm được một giải pháp chung và phản ứng hiệu quả nhất trước những động thái của Triều Tiên, các bên không nên tính đến biện pháp quân sự, hay những bước đi có thể hủy hoại nền hòa bình tạm thời hiện nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới