Hợp tác đầu tư chung giữa Nga và Trung Quốc có thể là thành công của đôi bên về mặt lý thuyết nhưng sự hiện diện ngày càng đông công dân Trung Quốc ở vùng Viễn Đông đang tạo ra tâm lý bối rối, không thoải mái đối với người dân Nga.
Một công trình thi công tại khu vực biên giới Nga-Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Các cuộc gặp Bắc Kinh-Moskva gần đây trong khuôn khổ Diễn đàn Vành đai và Con đường tổ chức ở Trung Quốc cũng như chuyến thăm Nga hai ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (3-4/7) là những diễn biến mới nhất trong nỗ lực đẩy mạnh gắn kết giữa hai quốc gia hàng xóm này, đặc biệt là dọc biên giới.
Tuy nhiên, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), giống như nhiều quốc gia khác, Nga đã nhận ra rằng việc bắt tay hợp tác với Trung Quốc có thể là con dao hai lưỡi.
Phát biểu với truyền thông Nga trong chuyến công du vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định quan hệ Nga-Trung Quốc “đang ở thời điểm tốt đẹp nhất trong lịch sử”. Phát biểu này được củng cố với một quỹ trị giá 10 tỉ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng dọc biên giới.
Tuy nhiên ở thời điểm này, đầu tư Trung Quốc đang góp phần gia tăng căng thẳng, gây ra nỗi sợ hãi về sự hiện diện của người Trung Quốc ở vùng Viễn Đông của Nga. Một hiệu ứng của đầu tư Trung Quốc là dòng người dân di cư từ nước này, thường khiến người dân các nước sở tại coi như sự bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh.
Mối bận tâm trong lòng người Nga
Theo thống kê của Nga trong năm 2010, số công dân Trung Quốc tại nước này là khoảng 29.000 người, giảm so với 35.000 người trong năm 2002 và chưa bằng 0,5% tổng dân số vùng Viễn Đông.
Trong khi đó, tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng cho biết thống kê khác lại cho kết quả có tới 300.000-500.000 công dân Trung Quốc tại Nga. Thống kê của Nga cho thấy số công dân Trung Quốc đến nước này đang gia tăng nhưng lượng người rời đi cũng không phải là nhỏ. Ví dụ trong năm 2015, có 9.083 người Trung Quốc nhập cảnh nước Nga và 9.821 người rời đi.
Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng kết luận rằng như vậy ngay cả khi có hiện tượng người Trung Quốc nhập cư trái phép thì không có bằng chứng nào về sự thôn tính âm thầm của Trung Quốc với vùng Viễn Đông.
Tuy nhiên, sự hiện diện của người Trung Quốc tại vùng Viễn Đông vẫn gây thất vọng tại Nga vì 2 lý do chính. Đầu tiên, người Nga nhìn tình hình này qua lăng kính kinh tế và dân số không tương đồng với Trung Quốc. Thứ hai đó là hiềm khích dài 3 thập niên giữa Liên Xô và Trung Quốc bao gồm đụng độ tại biên giới cuối những năm 60 của thế kỷ trước.
Dân số Trung Quốc lớn gấp 10 lần Nga. Trong khi đó, dân số vùng Viễn Đông (bao gồm 7 tỉnh) chỉ chưa đầy 6 triệu người, tương đương với 1 người/1km vuông. Ngoài ra, dân số của khu vực này đang giảm mạnh cho tỉ lệ sinh thấp và xu hướng người dân di cư tới những khu vực khác tại Nga có điều kiện sống và làm việc tốt hơn. Kể từ năm 1991, dân số vùng Viễn Đông đã giảm đi 25%.
Về kinh tế, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc lớn gấp 10 lần Nga. Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc phát triển gần 7% trong một năm, về phần Nga có đánh giá rằng trong những năm tới nước này sẽ phát triển kinh tế từ 1,5% đến 2%.
Vấn đề lãnh thổ
Ngoài nguồn tài nguyên dồi dào, vùng Viễn Đông vẫn là một trong những khu vực “khó xử” của Nga về mặt cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp và tình trạng sống. Cơ sở hạ tầng lỗi thời tại hầu hết các làng mạc thị trấn, đặc biệt ở vùng biên giới, hoàn toàn chênh lệch khi so sánh với những thành phố vùng biên của Trung Quốc như Suifenhe hoặc Heihe.
Hiệp ước Aigun năm 1858 giữa Đế quốc Nga và Triều nhà Thanh đã vạch ra đường biên giới giữa hai quốc gia dọc sông Amur. Theo đó, Nga nhận 600.000 km vuông ở bờ bên trái sông Amur. Hai năm sau, Hiệp định Bắc Kinh được ký kết, Nga nhận thêm khu vực rộng lớn ở bờ phải sông Amur do vậy hoàn toàn kiểm soát khu vực Primorye dọc xuống Vladivostok.
Bên cạnh đó là vấn đề liên quan đến tình trạng hai đảo nhỏ Yinlong và Heixiazi gần Khabarovsk. Trong thỏa thuận giữa Nga và Trung Quốc năm 2004, đảo Heixiazi trở thành vùng lãnh thổ của Bắc Kinh. Nhiều ý kiến tại Nga cho rằng Moskva đã nhún nhường trước Bắc Kinh.
Năm 1969, khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Moskva lên đến đỉnh điểm, xung đột quân sự xảy ra ở biên giới gây ra lo ngại về bùng nổ chiến tranh. Đến năm 1989, mối quan hệ song phương được bình thường hóa. Vấn đề biên giới được thống nhất qua thỏa thuận năm 1991.
Nhà sử học người Nga Boris Tkachenko cho biết ở thời điểm đó Trung Quốc thu được 720 km vuông. Điều đáng nói là diện tích này không bao gồm đảo Zhenbao – nơi xảy ra đối đầu quân sự năm 1969.
Thỏa thuận biên giới khác được ký kết năm 2008 chính thức dàn xếp mọi vấn đề lãnh thổ giữa hai quốc gia. Trung Quốc và Nga trở thành đối tác chiến lược. Tuy nhiên, tại Trung Quốc vẫn tồn tại quan niệm rằng Hiệp ước Aigun và Hiệp định Bắc Kinh là không công bằng do vậy Bắc Kinh nên lấy lại phần lãnh thổ được cho thuộc về nước này.
Thái cực kinh tế
Các hoạt động kinh tế của Trung Quốc tại vùng Viễn Đông vẫn đang mở rộng với cái gật đầu ngầm từ phía Nga.
Một trong những lĩnh vực kinh tế chính của Trung Quốc tại vùng Viễn Đông cũng như Siberia là nông nghiệp. Nông dân Trung Quốc trồng trọt ngô, đậu nành, rau và cây trái trong khi nhiều người khác tập trung chăn nuôi lợn. Vì lý do này, Nga đã cho thuê hàng trăm hàng ngàn hecta đất kèm nhiều ưu đãi.
Gần đây, một hiệp ước mới được ký kết. Theo đó, Nga đã gật đầu để Trung Quốc thuê khoảng 150.000 ha đất nông nghiệp tại vùng Transbaikal ở phía đông Siberia trong 49 năm với mức giá tượng trưng là 5 USD/ha. Hầu như các vùng đất rừng trong khu vực gần biên giới Nga-Trung đã được cho thuê để khai thác gỗ.
Nhiều ý kiến tại Nga cho rằng điều đó đồng nghĩa với việc bán đất quê hương với giá rẻ. Tuy nhiên, có thêm nhiều vấn đề lo ngại khác vẫn tồn tại.
Vấn đề lo lắng hàng đầu của người dân Nga là việc sử dụng phân bón hóa học quá mức. Theo các nhà chức trách Nga, tỉ lệ nitrate trong rau quả do người Trung Quốc trồng trên lãnh thổ Nga thường vượt ngưỡng tiêu chuẩn. Nhiều chất hóa học người Trung Quốc sử dụng không được biết tới tại Nga trong khi không có kỹ thuật chung để phân tích. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe người tiêu dùng và gây thoái hóa đất đai.
Một bất ngờ khác đối với người Nga là các trang trại nuôi lợn do người Trung Quốc vận hành. Lợn được nuôi tại đây lớn nhanh như thổi. Điều này được cho là do sử dụng các chất hóa học trong thức ăn chăn nuôi.
Khi tiến hành các dự án hợp tác, phía Trung Quốc trước nhất đều tìm cách để chuyển đến số lượng lớn các lao động nước này. Đây dường như là điều kiện tiên quyết để khởi động dự án này.
Năm 2009, Nga và Trung Quốc thực hiện chương trình hợp tác dài hạn trong vùng biên giới bao gồm 205 dự án then chốt, trong đó có 94 dự án ở phía Nga và 111 dự án ở bên Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, các đối tác Nga gặp khó khăn trong tài chính. Trong khi đó, các dự án khai thác quặng kim loại, nguồn tài nguyên thiên nhiên, sản xuất xi măng… của Trung Quốc trên lãnh thổ Nga lại đang tiếp diễn.
Năm 2014, Nga ban hành luật Tăng tốc phát triển Lãnh thổ, trong đó vạch ra các vùng kinh tế đặc biệt cung cấp thuế và những lợi ích khác, bao gồm giảm phí khai thác khoáng sản. Việc tuyển lao động nước ngoài cũng không cần phải xin phép.
Các khu vực này hình thành trong 70 năm nhưng nhiệm kỳ này có thể kéo dài hơn. Khu vực này được quản lý không chỉ bởi chính quyền địa phương mà còn cả những ủy ban và công ty được chính phủ chỉ định. Đất đai và bất động sản có thể bị tịch thu từ công dân Nga nếu có yêu cầu từ công ty quản lý.
Ban đầu luật trên chỉ được áp dụng tại vùng Viễn Đông, bắt đầu từ tỉnh Khabarovsk và Primorye. Công dân Trung Quốc sẽ là người tham gia chính và được hưởng lợi.
Trung Quốc có thể chuyển thêm các doanh nghiệp đến vùng Viễn Đông, tham gia vào dự án từ xây dựng tới đóng tàu và viễn thông. Phía Nga sẽ sẵn sàng đón nhận các công ty này và tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh.
Những điều này đang tạo đường cho Trung Quốc can thiệp sâu hơn vào kinh tế vùng Viễn Đông cũng như sự gia tăng cư dân Trung Quốc tại đây. Tuy số công dân Trung Quốc tại vùng Viễn Đông chưa tăng đột biến nhưng có những yếu tố khiến tình trạng này có thể bị giảm tốc.
Thứ nhất, Trung Quốc sở hữu khu vực chưa phát triển rộng lớn, đặc biệt ở phía Tây nước này với mật độ dân số thưa thớt. Đối với Bắc Kinh, việc phát triển những vùng này được coi là ưu tiên.
Thứ hai, sự hấp dẫn từ việc Nga là địa điểm thu hút người lao động đang giảm đi khi mức lương ở Trung Quốc hiện trên đà tăng nhanh và có thể vượt mức tại Nga.
Thứ ba, kinh tế Nga đã trải qua khó khăn và sự quan tâm của các nhà đầu tư Trung Quốc không tăng lên. Ở thời điểm này, các nhà đầu tư Trung Quốc có nhiều lựa chọn ở khắp nơi trên thế giới
Triển vọng
Quy mô hiện diện Trung Quốc tại vùng Viễn Đông Nga vẫn còn khá nhỏ. Trong những năm tới, khó có khả năng tăng đột biến nhưng ở tốc độ bình bình.
Lợi ích kinh tế của hai bên là bổ sung lẫn nhau, không phải xung đột. Vùng Viễn Đông cần lao động Trung Quốc cũng như tiền bạc và công nghệ của nước này. Trong khi đó, Trung Quốc cần diện tích đất, nguồn tài nguyên thiên nhiên và thị trường của vùng Viễn Đông.
Tuy nhiên, có rủi ro là mối liên kết mạnh mẽ này có thể làm gia tăng căng thẳng và lo lắng, đặc biệt ở phía Nga. Để giải quyết vướng mắc này, cả hai chính phủ Nga và Trung Quốc phải khéo léo trong ưu tiên nghị trình kinh tế của mình đồng thời vô hiệu hóa ảnh hưởng tiêu cực với người dân.
Nga sẽ từng bước tạo môi trường sống và làm việc thoải mái, khiến công dân Trung Quốc tuân thủ luật lệ nước này đồng thời giải thích cho công dân vùng Viễn Đông rằng nỗi sợ hãi của họ đã bị thổi phồng.
Giáo sư Ivan Tselichtchev tại Đại học Quản lý Niigata (Nhật Bản) nhận định rằng vấn đề về công dân Trung Quốc tại vùng Viễn Đông chắc chắn có thể quản lý được nếu Nga thu hút thêm người dân Nga đến khu vực này. Nếu không, sự gia tăng của người Trung Quốc hiện diện ở vùng Viễn Đông có thể trở thành quả bom địa chính trị.