Theo trang Newsweek ngày 26.7, các chính khách Nga trút giận lên đầu Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau khi Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua đạo luật trừng phạt Nga.
Thượng nghị sĩ Nga Kosachev phủ nhận cáo buộc Nga chống lưng quân nổi dậy ở đông Ukraine. Ảnh: AP
Thượng nghị sĩ Alexey Pushkov viết trên Twitter lúc khuya 25.7: “Đây là giai đoạn đối đầu mới. Luật trừng phạt mới đã được duyệt. Trump sẽ ký, xác nhận ông ta là con tin của Quốc hội Mỹ và cơn hoảng loạn bài Nga”.
Ông Pushkov là nhà bình luận chính sách đối ngoại thẳng thắn của đảng Nước Nga thống nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Sáng 26.7, ông lại viết trên Twitter, nói ông Trump nay ‘về phe’ với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và nữ ứng viên Tổng thống Mỹ thất cử Hillary Clinton: “Trump buộc phải thực hiện chính sách của Obama, quay ra theo H.Clinton”.
Sau khi kết quả bỏ phiếu được thông báo, thượng nghị sĩ Konstantin Kosachev, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề quốc tế thuộc Thượng viện Nga, viết trên Facebook ngày 26.7: “Phản ứng của Nga với đạo luật sẽ gây đau đớn cho người Mỹ”.
Ông Kosachev kết luận triển vọng làm ấm lại quan hệ Nga-Mỹ ‘rất mong manh’. Ông nói sẽ không có chuyện đối thoại và “Tổng thống Trump sẽ không quản được quốc hội của ông ấy. Niềm hy vọng đang chết”.
Ông Kosachev cáo buộc Mỹ không chịu chấp nhận kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, nói “sen đầm quốc tế” nay giống một “đứa trẻ đỏng đảnh, thất thường”.
Ông nêu để tránh bị cô lập, các chính khách Nga nay sẽ tìm cách kết hợp với các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) là những nước có thỏa thuận mua bán năng lượng với Nga, nên có thể bị ảnh hưởng bởi luật trừng phạt Nga.
Ông Kosachev nói: “Chúng ta chớ nên ảo tưởng, họ sẽ không là đồng minh của chúng ta”, nhưng vì quyền lợi kinh tế, ông gợi ý “một liên minh là có thể”.
Ông Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ quốc tế thuộc Hạ viện Nga (Viện Duma quốc gia) nói với hãng thông tấn TASS: các cơ may cho một cuộc đột phá ngoại giao giữa Nga với Mỹ “nay tụt xuống tới mức thấp nghiêm trọng”.
Phó thủ tướng Nga Sergey Ryabkov kêu gọi Nga “phản ứng trước những gì xảy ra vượt quá mọi lý lẽ”.
Lệnh trừng phạt Nga được tung ra, vào lúc các chính khách và 17 cơ quan tình báo Mỹ kết luận: Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 mà kết quả là ông Trump thắng cử, nhóm tranh cử của ông liên tục có những cuộc gặp quan chức Nga.
Theo thông báo từ Quốc hội Mỹ, các nghị sĩ Mỹ quyết siết chặt trừng phạt Nga, vì nước này can thiệp vào cuộc bầu cử, can thiệp vào nội chiến Ukraine và Syria.
Luật trừng phạt Nga được Hạ viện Mỹ hầu hết nhất trí thông qua (419 phiếu thuận, 3 phiếu chống) trao cho Quốc hội Mỹ quyền dỡ bỏ hay không các lệnh cấm người Mỹ làm ăn với những công ty thân cận Điện Kremlin.
Điều này có nghĩa ông Trump bị bó tay, mất quyền gia tăng hoặc nới lỏng hoặc hủy bỏ các lệnh cấm vận Nga, do chính quyền Obama đã ban hành hồi năm 2014, với lý do Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine.
Theo Newsweek, Nga từng kỳ vọng ông Trump sẽ nới lỏng các lệnh cấm vận thời Obama. Đạo luật mới cũng có những trừng phạt mới đối với CHDCND Triều Tiên và Iran.
Một phiên bản trước của luật được Thượng viện Mỹ thông qua với 98 phiếu thuận và 2 phiếu chống, chỉ nhắm trừng phạt Nga và Iran mà không có Triều Tiên. Nên đạo luật mới sẽ quay trở lại Thượng viện, nơi được cho là sẽ dễ dàng thông qua, rồi chuyển lên ông Trump ký.
Nhà Trắng đã phản đối đạo luật này, nhưng chắc chắn nó sẽ có hiệu lực, và dù ông Trump dùng quyền phủ quyết chăng nữa, nó đã có sự thông qua của đa số nghị sĩ ở Thượng viện và Hạ viện Mỹ.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nói: “Dù Tổng thống ủng hộ trừng phạt Nga, Triều Tiên và Iran mạnh, Nhà Trắng đang xem xét luật của Hạ viện và chờ đạo luật cuối cùng trên bàn Tổng thống”.