Mỹ cho rằng phải “chiến lược hoá” đối sách tình thế của chính quyền tiền nhiệm ở Biển Đông thì mới có thể kiềm chế Trung Quốc hiệu quả và kịp thời.
Mỹ thực hiện hoạt động tự do hàng hải trên biển Đông. Ảnh: CIMS
Đối sách tình thế
Breitbart News được coi là hãng thông tấn không chính thức của ông Donald Trump từ thời vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ. Từ sau khi ông Trump đắc cử và nhậm chức, trang thông tin điện tử này được ông sử dụng làm công cụ và phương tiện truyền thông phục vụ việc giải thích, cổ suý và bảo vệ quan điểm đường lối cầm quyền.
Mới đây, Breitbart News phát đi thông tin là ông Trump đã thông qua kế hoạch của Bộ Quốc phòng Mỹ về việc Hải quân Mỹ tiến hành tuần tra thường xuyên ở khu vực Biển Đông để đảm bảo tự do đi lại – tự do hàng hải – ở khu vực này.
Cho đến nay, những hoạt động như vậy đã được Hải quân Mỹ thực hiện ở khu vực biển này, nhưng không phải là thường xuyên và định kỳ, thường không theo lộ trình kế hoạch sẵn có từ trước mà là phản ứng của phía Mỹ về những hoạt động của Trung Quốc ở khu vực. Chúng là đối sách tình thế chứ không phải là chiến lược của Mỹ.
Không phải là chúng không đưa lại được tác dụng gì cho Mỹ nhưng rõ ràng là chưa đủ để ngăn cản được Trung Quốc ở nơi đây.
Quyết sách của ông Trump khác so với thời Barack Obama cùng nửa năm cầm quyền vừa qua là ở bối cảnh tình hình thời điểm hiện tại và ở chỗ hoạt động tuần tra được định kỳ hoá, thường xuyên hoá, quy trình quyết định được đơn giản hoá, thời gian đưa ra quyết định được rút gọn. Lầu Năm Góc và hải quân được trao nhiều quyền hành hơn trong việc tự quyết định về hoạt động quân sự ở Biển Đông.
4 mục tiêu
Tổng thống Trump và cộng sự theo đuổi 4 mục tiêu với biện pháp chính sách mới này.
Thứ nhất, quyết định nói trên phản ánh đúng cách thức cầm quyền của ông Trump là phân quyền cho cấp dưới. Ông đã như thế đối với Bộ Quốc phòng và chỉ huy quân đội Mỹ ở Afghanistan, Iraq và Syria. Như thế, quân đội Mỹ có thể phản ứng nhanh chóng hơn và kịp thời hơn về mọi diễn biến mới trên thực địa.
Cách thức này phù hợp với những tuyên bố và phát ngôn lâu nay của ông Trump thể hiện sự tin tưởng và tranh thủ giới quân sự Mỹ, đồng thời còn giúp gây dựng cho ông hình ảnh một Tổng thống sẵn sàng thể hiện và sử dụng ưu thế quân sự để thực hiện và bảo vệ lợi ích của Mỹ ở mọi khu vực trên thế giới.
Thứ hai, phía Mỹ muốn răn đe và cảnh báo Trung Quốc, để Bắc Kinh không tiếp tục làm thay đổi thực trạng ở khu vực Biển Đông. Trên phương diện này, ông Trump và cộng sự dường như đã rút ra được bài học từ ứng xử của chính quyền tiền nhiệm về những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Washington cho rằng phải “chiến lược hoá” đối sách tình thế của chính quyền tiền nhiệm, tức là phải định kỳ và thường xuyên tiến hành tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông thì mới có thể kiềm chế Trung Quốc thật sự hiệu quả và kịp thời, ngăn ngừa nguy cơ bị Trung Quốc đặt trước sự đã rồi.
Cũng có thể hiểu đại loại như thà mất lòng trước để được lòng sau còn hơn là ngược lại, và phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn là phải chữa bệnh.
Thứ ba, quyết sách mới của Mỹ ẩn chứa dụng ý gây áp lực đối với Bắc Kinh không chỉ ở Biển Đông mà còn cả ở trong những vấn đề khác liên quan đến quan hệ song phương, đặc biệt là thương mại và Triều Tiên.
Đồng thời, Mỹ muốn tạo thế và con chủ bài mới ở nơi này để phục vụ cho cuộc chơi với Trung Quốc ở nơi khác hoặc trên lĩnh vực khác.
Thứ tư, quyết định nói trên nhằm tạo cảm nhận rằng hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực Biển Đông là chuyện của Mỹ chứ không phải nhằm để hoặc vì phải đối phó Trung Quốc ở nơi này, tức là không phải là một trong những chiếc hàn thử biểu về quan hệ Mỹ-Trung.
Mỹ muốn tránh làm cho Trung Quốc cảm thấy bị khiêu khích và thách thức.
Qua đây có thể thấy, chiến lược tổng thể và chính sách cụ thể của chính quyền Trump với khu vực Biển Đông nói riêng, và với châu Á-Thái Bình Dương nói chung, vẫn chưa được hoạch định xong.