Sunday, December 29, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ thả xuống biển Đông hàng loạt tàu lặn theo dõi tàu...

TQ thả xuống biển Đông hàng loạt tàu lặn theo dõi tàu ngầm

Trung Quốc đang thử nghiệm công nghệ truyền dữ liệu thời gian thực với việc thả hàng chục tàu lặn không người lái xuống biển Đông. Đây có thể là bước đột phá nhằm giúp nước này phát hiện và bám theo các tàu ngầm nước ngoài.

Một tàu nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc vừa thả hàng chục tàu lặn không người lái xuống một địa điểm không được tiết lộ trên biển Đông vào đầu tháng này, hãng thông tấn Xinhua đưa tin cuối tuần qua. Hoạt động này diễn ra vào lúc Mỹ tuyên bố sẽ tăng cường tuần tra trên vùng biển tranh chấp.

Đây là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm tăng tốc và cải thiện khả năng thu thập dữ liệu dưới mặt biển Đông để phục vụ hoạt động của hạm đội tàu ngầm, trùng với thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là vừa thông qua kế hoạch trao quyền tự quyết lớn hơn cho Hải quân Mỹ để tuần tra trên biển Đông. Giới phân tích cho rằng, những động thái này sẽ càng làm gia tăng tính bất định trong quan hệ Mỹ – Trung và các vấn đề an ninh khu vực.

Kế hoạch được Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis trình lên Nhà Trắng hồi tháng 4 vạch ra lịch trình cả năm cho các tàu chiến của Hải quân Mỹ hoạt động quanh khu vực tranh chấp ở biển Đông, trang tin Breitbart News dẫn lời một quan chức Mỹ. Động thái này được đánh giá là một thách thức đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực tranh chấp.

Ông Yu Jiancheng, trưởng nhóm nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, nói rằng, 12 thiết bị lặn dưới nước tự động Haiyi (nghĩa là “Cánh biển”) sẽ hoạt động trong 1 tháng và thu thập thông tin chi tiết về biển như nhiệt độ, độ mặn, độ sạch, lượng oxy, tốc độ, hướng các dòng hải lưu… “Dữ liệu đang được truyền về phòng thí nghiệm trên đất liền theo thời gian thực”, nghĩa là thông tin được gửi ngay lúc được thu thập dưới nước, Xinhua dẫn lời ông Yu.

Ông Yin Jingwei, trưởng khoa kỹ thuật âm thanh dưới nước thuộc ĐH Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc), nói rằng, nếu đợt thử nghiệm này thành công như hứa hẹn thì “chắc chắn sẽ trở thành một bước đột phá”. Trường đại học vốn là Viện Kỹ thuật quân sự thuộc quân đội Trung Quốc là nơi chế tạo chiếc tàu ngầm đầu tiên của Trung Quốc. Ông Yin là nhà khoa học dẫn đầu trong nhiều dự án nghiên cứu quân sự về thông tin liên lạc dưới nước. “Truyền thông tin theo thời gian thực là kỹ thuật cực kỳ khó đối với thiết bị lặn dưới nước”, ông Yin nói.

Báo chí phương Tây đưa tin, tàu lặn không người lái đã được trang bị cho các tàu khu trục của Hải quân Mỹ để tìm kiếm tàu ngầm. Chúng được gọi là tàu lượn vì có những cánh nhỏ và cơ chế kiểm soát tình trạng nổi để ngoi lên, lặn xuống. Năng lượng sóng sẽ giúp đẩy tàu lao về phía trước. Tàu lặn có thể đi một quãng dài trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng mà không cần sạc pin. Được gắn nhiều thiết bị cảm biến, chúng không chỉ có thể giám sát môi trường tự nhiên mà còn có thể thu thập dữ liệu quân sự cần quan tâm như tiếng ồn của cánh quạt hay bất thường từ tính, nghĩa là những xáo trộn về từ trường do tàu ngầm hạt nhân gây ra. Và vì tàu lượn gần như không tạo ra tiếng ồn nên tàu ngầm không thể phát hiện được chúng.

Nhưng theo ông Yin, tàu lượn của Mỹ cũng có điểm yếu. “Chúng có thể truyền dữ liệu về vệ tinh hoặc tàu mẹ nhưng chỉ đến lúc chúng ngoi lên mặt nước”, ông Yin nói. Hạn chế này có thể gây ra độ trễ về thời gian và dữ liệu không được truyền liên tục, do đó ảnh hưởng đến hoạt động quân sự như theo dõi tàu ngầm. Dù sẽ rất đáng ngạc nhiên nếu Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề này trước Mỹ, nhưng “tôi không loại trừ khả năng đó xảy ra”, ông Yin nói.

Thách thức kỹ thuật

Tháng 1 năm nay, Trung Quốc thông báo, họ vừa lắp đặt mạng lưới thông tin liên lạc dưới đáy biển ở khu vực tây Thái Bình Dương. Hệ thống này cho phép các thiết bị cảm biến hoạt động ở độ sâu hơn 400m để truyền dữ liệu liên tục tới vệ tinh thông qua một mạng lưới phao chạy bằng năng lượng mặt trời. Truyền dữ liệu dưới nước có thể qua dây cáp hoặc âm thanh. Bài báo của Xinhua không nói các tàu lặn Trung Quốc sử dụng cách truyền tín hiệu nào hay các tàu lặn hoạt động cách nhau bao xa.

Sở hữu hệ thống truyền thông tin hiệu quả giữa các tàu lặn là thành tựu rất quan trọng vì nó cho phép trao đổi thông tin về vị trí để từ đó vạch ra kế hoạch di chuyển trong khu vực, tránh va chạm và các tai nạn khác. “Tôi nghĩ sẽ rất khó để họ (Mỹ) rải thiết bị trên cả khu vực rộng”, ông Yin nói. “Nếu họ làm như vậy, mỗi tàu lặn sẽ phải có thiết bị truyền dữ liệu rất mạnh. Điều đó sẽ đẩy công nghệ truyền thông tin dưới nước lên giới hạn”, nhà khoa học Trung Quốc nói.

Sóng radio không thể truyền trong nước. Vì thế, truyền thông tin dưới nước ở khoảng cách xa hầu như dựa vào sóng âm. Nhưng sóng âm đi chậm và chỉ có thể mang theo lượng thông tin nhỏ. GS Zhu Min, nhà khoa học tại Viện Âm học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, là người chế tạo hệ thống truyền thông tin khoảng cách xa cho Jiaolong – tàu lặn mạnh nhất của Trung Quốc, có thể đưa 3 người xuống độ sâu 7.000m. Theo GS Zhu, ở dưới nước, âm thanh đi chậm hàng trăm lần so với sóng từ trường đi trong không khí. Và sóng radio có thể được gửi qua băng thông rộng tần số cao để truyền lượng dữ liệu hàng megabit hoặc gigabit mỗi giây. Lượng dữ liệu lớn như vậy có thể bị giảm xuống vài kilobit mỗi lần trong môi trường nước. “Tốc độ truyền âm thanh nhanh nhất trong nước vẫn chậm hơn modem quay số trong những ngày đầu tiên mới có Interntet”, GS Zhu nói.

Cục ắc-quy nhỏ trang bị cho tàu lặn cũng gây hạn chế về năng lượng đối với nhiệm vụ truyền dữ liệu đi khoảng cách dài, ông Zhu nói. Vì không có hệ thống điều hướng vệ tinh nào như GSP hay Bắc Đẩu trên đại dương nên các tàu lặn cần công nghệ khác để xác định và thông báo cho nhau về tình trạng của chúng. Những thách thức về công nghệ này khiến việc triển khai và phối hợp hàng loạt tàu lặn xuống biển là nhiệm vụ khó khăn. Vì thế, nhóm tàu lặn dưới nước của Trung Quốc phải hoạt động nhờ chiến thuật và chiến lược tương đối khác so với các máy bay không người lái phối hợp trên bầu trời, các nhà nghiên cứu cho biết. “Hoạt động dưới nước có thể khiến mỗi tàu lặn tự do hơn trong việc xác định nhiệm vụ của mình vì trao đổi thông tin hạn chế trong nhóm. Điều này nghĩa là từng đơn vị riêng cần được trang bị một bộ não thông minh hơn để xử lý nhiều tình huống khác nhau”, ông Zhu nói.

Theo ông Yin, có thể triển khai nhiều máy bay không người lái trên không để tìm kiếm một mục tiêu cụ thể. Nhưng ở dưới nước, các tàu lặn chỉ có thể được triển khai để khảo sát và giám sát những mục tiêu ngẫu nhiên trong một khu vực. “Đây là cách tiếp cận khác, đòi hỏi cách suy nghĩ chiến lược khác”, ông Yin nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới