Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMặt trái của đầu tư TQ vào Thái Lan

Mặt trái của đầu tư TQ vào Thái Lan

Giới chuyên gia và các nhà hoạt động lo ngại Thái Lan phải trả giá nếu chạy theo vốn đầu tư và công nghệ Trung Quốc nhằm kích thích kinh tế.

Nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng chỉ 0,8% vào năm 2014, 2,8% trong năm 2015 và 2016 là 3,2%. Ngân hàng Thế giới dự báo từ 2017 – 2019 nước này cũng chỉ tăng trưởng khoảng 3,3%, thấp nhất ở Đông Nam Á. Chính vì thế, giới chuyên gia nhận định Bangkok đang cố nắm lấy cơ hội thu hút đầu tư từ Trung Quốc trong khuôn khổ chiến lược “Một vành đai, một con đường” để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các nhà hoạt động ngày càng lo ngại trước việc chính quyền quân sự thường xuyên vận dụng điều 44 Hiến pháp lâm thời, cho phép thông qua bất kỳ luật, dự án nào nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phớt lờ quyền lợi người dân và tác động môi trường.

Nhiều đặc quyền

Tại diễn đàn hồi tháng 5 với đại diện của trên 130 quốc gia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh cam kết chi trên 100 tỉ USD cho các dự án hạ tầng trong khuôn khổ “Một vành đai, một con đường”, theo tờ South China Morning Post. Kể từ đó, chính quyền Thái Lan đẩy mạnh phê chuẩn các dự án có đầu tư từ Trung Quốc, theo chuyên gia Paul Chambers thuộc Đại học Naresuan (Thái Lan).

Vào đầu tháng 7, vận dụng điều 44, chính quyền Thái Lan phê chuẩn dự án đường sắt cao tốc nối thủ đô Bangkok với thành phố Nakhon Ratchasima, gần với biên giới Lào, có chiều dài 250 km, với vốn đầu tư cho giai đoạn đầu là 179 tỉ baht (gần 122.000 tỉ đồng). Trước đây, dự án nhiều lần bị trì hoãn do điều khoản vay vốn 20% từ Trung Quốc và luật Thái Lan hạn chế việc sử dụng kỹ sư, kiến trúc sư nước ngoài. Tuy nhiên, chính quyền Thái Lan cuối cùng đã mở đường cho Trung Quốc hưởng tất cả đặc quyền, từ lựa chọn nhà thầu cho đến kỹ sư. Thậm chí, Bangkok còn cho phép kỹ sư Trung Quốc không phải học 5 – 6 tháng để thi lấy giấy phép hành nghề như kỹ sư Thái Lan, khiến dư luận bức xúc, theo tờ Bangkok Post.

Các trưởng khoa ngành đào tạo kỹ sư của 61 đại học Thái Lan đã gửi đơn kiến nghị thành lập đơn vị kiểm tra độ an toàn tàu cao tốc và đòi Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ. Nhưng người phát ngôn Bộ Giao thông Thái Lan Chirute Vis khẳng định điều này không cần thiết bởi vì dự án có lợi ích chung cho đôi bên, đồng thời lưu ý chính phủ sẽ có biện pháp đảm bảo chuyển giao công nghệ.

Bất chấp ô nhiễm

Trong số những dự án gây tranh cãi liên quan đến Trung Quốc còn có nhà máy điện than 870 MW tại tỉnh Krabi, địa điểm thu hút du lịch ở Thái Lan. Chính phủ nước này âm thầm thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường rồi giao dự án cho liên doanh bao gồm Tập đoàn xây dựng năng lượng Trung Quốc và Công ty phát triển hợp tác Ý – Thái Lan, bất chấp người dân biểu tình phản đối.

Người dân địa phương phản ánh họ không hề biết đến dự án này cho đến khi được thông báo trên truyền hình. Họ còn lo ngại cầu cảng được xây dựng để nhập than từ Úc và Indonesia đe dọa hoạt động đánh bắt. Tổ chức Greenpeace ước tính nhà máy này sẽ tiêu thụ 104.330 m3 nước mỗi ngày và thải 4,1 triệu tấn CO2 kèm bụi thủy ngân hằng năm, đe dọa ngành du lịch, trồng trọt, đánh bắt và sức khỏe người dân. Trước làn sóng biểu tình phản đối gay gắt, chính phủ buộc phải tạm hoãn dự án hồi tháng 2 và tuyên bố tiếp tục đánh giá tác động môi trường. Nhưng các nhà hoạt động bảo vệ môi trường lo ngại chính phủ Thái Lan quyết tâm thực hiện dự án nên sẽ cố “làm đẹp” báo cáo.

Ngoài ra, chính phủ Thái Lan còn muốn đẩy mạnh dự án Hành lang kinh tế phía đông (EEC), mở rộng các khu công nghiệp ở các tỉnh miền đông Chonburi, Rayong và Chachoengsao nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Phía Trung Quốc liền đề xuất thảo luận với Bộ Công nghiệp Thái Lan về việc đầu tư và kết hợp EEC với đặc khu kinh tế Côn Minh. “Nhiều điều khoản trong các dự án được phê chuẩn gần đây chỉ có lợi cho Trung Quốc. Cả EEC dường như được thiết kế dành riêng cho doanh nghiệp Trung Quốc”, chuyên gia Chambers nghi ngại.

RELATED ARTICLES

Tin mới