Friday, December 27, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng VN sẽ làm gì?

Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng VN sẽ làm gì?

Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định thành lập tổ tư vấn kinh tế với 14 thành viên là nhiều chuyên gia có uy tín hiện nay, đứng đầu là TS. Vũ Viết Ngoạn – nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Trong số các thành viên Tổ tư vấn có nguyên Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh, nhiều chuyên gia kinh tế tên tuổi đến từ các trường đại học quốc tế như: PGS.TS Trần Ngọc Anh – Đại học Indiana, Hoa Kỳ; TS. Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Nghiên cứu, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright; GS.TS Nguyễn Đức Khương – Phó giám đốc, Trưởng khoa Tài chính, Học viện Quản lý và quản trị kinh doanh, Pháp; PGS.TS Vũ Minh Khương – Đại học quốc gia Singapore; GS.TS Trần Văn Thọ – Đại học Waseda, Nhật Bản.

Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng còn có sự tham gia của các chuyên gia trong nước như: TS. Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước; TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ – một trong những người chắp bút cho các phiên bản Luật Doanh nghiệp, các đề án liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thể chế; GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân; TS Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM.Tổ có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng về các chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển kinh tế trong trung hạn và dài hạn; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm.

Bên cạnh đó, tổ còn tham gia phân tích, dự báo, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, các chiến lược, đề án, chính sách phát triển kinh tế; trên cơ sở đó tư vấn, khuyến nghị với Thủ tướng các biện pháp, giải pháp để nâng cao hiệu quả thực thi hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.

Đồng thời, Tổ còn tư vấn, khuyến nghị với Thủ tướng các giải pháp, biện pháp ứng phó kịp thời với những biến động thất thường của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế.

Tổ cũng tham gia ý kiến các báo cáo, đề án lớn về kinh tế của Chính phủ, Thủ tướng trình Ban chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, QH, UB Thường vụ QH theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Tổ tư vấn kinh tế được chủ động làm việc với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, viện, trung tâm nghiên cứu; được đề nghị các đơn vị này cung cấp các văn bản, tài liệu, thông tin số liệu; được VPCP cung cấp thường xuyên các văn bản, tài liệu, thông tin số liệu liên quan đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Tổ.

Tổ được hợp tác với các chuyên gia tư vấn, cộng tác viên là các nhà khoa học, nhà kinh tế trong nước và quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cán bộ quản lý đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, các cơ quan nghiên cứu trong nước và quốc tế.

Thành viên của tổ tư vấn kinh tế được mời tham dự các hội nghị, cuộc họp, làm việc của Chính phủ, Thủ tướng có nội dung liên quan đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ.

Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ quyết định thành lập tổ tư vấn. Ngay từ năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có quyết định thành lập Tổ chuyên gia tư vấn cải cách kinh tế và cải cách hành chính. Tổ này có nhiệm vụ lập hoặc góp ý kiến về chương trình nghiên cứu cải cách kinh tế, cải cách hành chính để Thủ tướng duyệt và giao nhiệm vụ cho các cơ quan thực hiện.

Ngoài ra, Tổ còn góp ý kiến phản biện các đề án, các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị định và chính sách về cải cách kinh tế và cải cách hành chính do các cơ quan chức năng của Chính phủ soạn thảo trình Thủ tướng… Từ đó đến nay, các nhiệm kỳ Thủ tướng đều thành lập tổ tư vấn về kinh tế.

Với sự tôn trọng và chân thành lắng nghe của người lãnh đạo đối với các chuyên gia, tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình tham gia nghiên cứu, biên tập Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010 và các kế hoạch 5 năm, văn kiện các kỳ hội nghị Trung ương khoá VII, VIII, IX bàn về kinh tế và về cải cách hành chính, về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở v.v…

Trong việc thể chế hoá các quan điểm, chính sách đổi mới, tổ chức tư vấn có sự đóng góp tích cực bằng việc phản biện, tu chỉnh nhiều văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan chức năng soạn thảo, chủ động đề xuất chính sách và trực tiếp tham gia soạn thảo một số văn bản pháp luật quan trọng như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư…

Đến thời kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải, Tổ nghiên cứu đổi mới thành Ban Nghiên cứu của Thủ tướng và đã có rất nhiều đóng góp trong việc ban hành Luật Doanh nghiệp đồng thời bãi bỏ hàng trăm loại giấy phép mẹ, giấy phép con.

Nhìn tổng thể, tổ tư vấn kinh tế mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa thành lập có thể nhận thấy đây là một tập thể của những cá nhân xuất sắc. Tuy nhiên, nhìn chi tiết, phần lớn đây vẫn là các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các nhà quản lý mà thiếu đi bóng dáng, đại diện quan trọng đó là doanh nhân – những người đang hàng ngày “đắm chìm”, trải nghiệm,  trong “đời sống kinh tế”, nhất là khi chúng ta đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Tổ còn thiếu những người chuyên sâu về du lịch, nông nghiệp, công nghệ thông tin – những lĩnh vực được cho là tiềm năng, thế mạnh có thể đưa kinh tế Việt Nam bứt phá.

Về nhiệm vụ, tổ tư vấn sẽ đưa các khuyến nghị chi tiết, giúp việc Thủ tướng về các vấn đề liên quan đến những giải pháp vĩ mô, tài chính, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ… Nó sẽ bổ sung cho điều kiện cần, kết quả thực sự chỉ đến từ quyết tâm, trách nhiệm thực thi của các cơ quan Chính phủ, bộ máy công chức, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân!

RELATED ARTICLES

Tin mới