Mục tiêu của ông Tập Cận Bình, trong vai trò Tổng tư lệnh quân đội Trung Quốc, là gây dựng lực lượng quân sự đủ khả năng thực hiện các mục tiêu chiến lược toàn cầu của Bắc Kinh.
Nghi thức thượng cờ trong lễ duyệt binh kỷ niệm 90 năm thành lập PLA tại căn cứ Chu Nhật Hà ở Nội Mông Cổ, Trung Quốc ngày 30/7/2017 (Ảnh: Xinhua)
Ngay sau khi được bầu làm Tổng bí thư trong Đại hội 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 11/2012), ông Tập Cận Bình liền tiến hành công cuộc chấn chỉnh cải cách toàn diện đối với Quân giải phóng nhân dân (PLA) theo 3 giai đoạn với 3 nhiệm vụ chính:Thanh lọc quân đội; Chấn chỉnh và cải tổ; Xây dựng hoàn thiện.
Nguyên tắc cải cách của ông Tập lấy việc xây dựng cải cách các cơ quan bộ tổng, Khu tác chiến và các quân chủng làm chủ yếu theo nguyên tắc cơ bản gồm “6 kiên trì”: Kiên trì phương hướng chính trị đúng đắn; kiên trì tập trung cho tác chiến; kiên trì tạo ra động lực mới; kiên trì thiết kế quy hoạch hệ thống; kiên trì tư duy pháp trị; kiên trì ổn định tích cực.
Mục tiêu cải cách
Mục tiêu tổng thể, tới trước năm 2020 phải có tiến triển đột xuất về cải cách thể chế quản lý lãnh đạo, thể chế chỉ huy tác chiến liên hợp; phải đạt được thành quả quan trọng về các mặt cải cách ưu hóa cơ cấu quy mô, hoàn thiện chế độ chính sách, thúc đẩy phát triển sâu rộng quân dân kết hợp, cố gắng xây dựng một hệ thống lực lượng quân sự hiện đại hóa mang màu sắc Trung Quốc để đánh thắng cuộc chiến tranh tin học công nghệ cao, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ và sứ mệnh được giao, hoàn thiện hơn nữa chế độ quân sự xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc – theo Nghị quyết Hội nghị toàn thể TW3 Khóa 18 tháng 11/2013.
Mục tiêu cụ thể là giảm biên chế PLA, nâng cao chất lượng, ưu hóa cơ cấu quy mô binh lực, xây dựng một quân đội hiện đại hóa tinh nhuệ, chất lượng cao. Biên chế phải phát triển theo hướng thiết thực, hợp thành, đa năng, linh hoạt. Xây dựng một hệ thống lực lượng quân sự hiện đại có khả năng đánh thắng trong cuộc Chiến tranh tin học công nghệ cao, hoàn thành có hiệu quả các nhiệm vụ được giao – theo Hội nghị công tác cải cách quy mô và cơ cấu biên chế của Quân ủy trung ương Trung Quốc ngày 3/12/2016.
Ông Tập Cận Bình yêu cầu “xây dựng một quân đội nhân dân có năng lực tác chiến và đánh thắng, xây dựng một lực lượng tác chiến tinh nhuệ, có cơ cấu và biên chế ưu việt, hợp lý; chuyển từ mô hình số lượng đông sang mô hình chất lượng hiệu quả”.
Tham vọng của ông là thực hiện “5 hóa” đối với PLA, gồm: Tinh nhuệ hóa, nhất thể hóa, gọn nhỏ hóa, từng khối hóa, đa năng hóa”, nhằm bắt kịp với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mới, nhất là công nghệ cao, với mục tiêu “lấy khống chế tầm xa, tầm cao và biển khơi làm chính”.
Tại Hội nghị mở rộng Quân ủy trung ương 25/11/2015, ông Tập cảnh báo sẽ “gạt bỏ” những ai chống đối và những trở ngại cản trở cải cách.
“Ai phản đối cải cách, tức là phản đối sự tiến bộ của quân đội thì người đó phải bị hạ bệ,” ông nói.
Biện pháp chủ đạo
Điều chỉnh lại các cơ quan bộ tổng, thực hiện chế độ nhiều ngành trực thuộc Quân ủy, xây dựng cơ cấu lãnh đạo Lục quân, hoàn thiện thể chế lãnh đạo chỉ huy các quân binh chủng trong toàn bộ PLA, điều chỉnh 7 Đại quân khu cũ, xây dựng cơ cấu chỉ huy tác chiến binh chủng hợp thành các Khu tác chiến.
Cuộc đại cải tổ được ông Tập kỳ vọng kết thúc trước năm 2020, với Ban cải cách của Quân ủy trung ương thành lập tháng 3/2014 gồm: Chủ tịch Quân ủy trung ương Tập Cận Bình làm Trưởng ban, các Phó ban là Phó chủ tịch Quân ủy Hứa Kỳ Lượng.
6 tiểu ban chuyên trách được thành lập như Cơ quan lãnh đạo cải cách, kiên toàn thể chế chỉ huy quản lý các binh chủng (2014), Ban chuyên trách cải cách chế độ chính sách và lực lượng đảm bảo hậu cần ( 2014), Ban chuyên trách cải cách của các quân chủng binh chủng
Quân đội Trung Quốc sau cải tổ như thế nào?
Hệ thống chỉ huy tác chiến theo mô hình: Quân ủy trung ương – Khu tác chiến – Đơn vị tác chiến.
Hệ thống quản lý chỉ đạo: Quân ủy trung ương – Quân chủng – Đơn vị tác chiến.
Cơ chế này cho phép quyền quản lý các lượng lượng, địa bàn của PLA được tập trung tối đa trong tay Quân ủy trung ương, do ông Tập làm Chủ tịch.
Về hướng bố trí chiến lược, trước đây PLA phân bố lực lượng chủ yếu theo hai hướng. Một là, theo trục Bắc-Nam là Thẩm Dương-Bắc Kinh, lấy Đại quân khu Thẩm Dương làm nòng cốt. Hai là, theo hướng Tây-Nam (Tân Cương-Bắc Kinh), trong đó lấy Đại quân khu Lan Châu làm nòng cốt.
Sau cải tổ, thế bố trí chiến lược hiện nay theo hướng Đông-Đông Nam làm chính, lấy Khu tác chiến miền Nam và Khu tác chiến miền Đông làm nòng cốt.
Tổng số quân PLA sẽ còn khoảng 2 triệu người, giảm 300.000 so với trước cải tổ, trong đó Lục quân khoảng hơn 1 triệu người, đồng thời tiếp nhận Sư đoàn Không quân số 15 do Không quân giao lại; Tên lửa chiến lược khoảng 150.000 người, thành lập tháng 12/2015; Hải quân khoảng 300.000 người; Lực lượng lính thủy đánh bộ tăng lên 6 Lữ đoàn với hơn 100.000, đồng thời tăng thêm tàu sân bay cho Hải quân; Không quân 398.000 người; Quân chủng chi viện chiến lược thành lập tháng 12/2015 chưa rõ quân số.
Ngân sách quốc phòng được chính phủ Trung Quốc tăng dần qua từng năm, như năm 2012 là 95.7 tỉ USD, năm 2013 lên 102.8 tỉ USD, đến năm 2016 là 146 tỉ USD và năm 2017 tăng thêm 7%.
Cơ cấu ngân sách chuyển dịch được tập trung cho Hải quân và Không quân, nhất là chi phí cho “chiến lược cường quốc biển”, đóng thêm tàu sân bay mới sau tàu Liêu Ninh. Đến nay, tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất, tạm đặt tên Type 001A, đã được hạ thủy.