Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 31-7 đã chọn im lặng sau khi người đồng cấp Nga Vladimir Putin thông báo kế hoạch trục xuất hàng trăm nhân viên ngoại giao Mỹ tại Nga.
“Bây giờ chúng tôi đang xem xét các lựa chọn, và chúng tôi sẽ thông báo cho các bạn khi có quyết định” – bà Sarah Huckabee Sanders, phát ngôn viên Nhà Trắng hôm 31-7 cho biết sau khi Tổng thống Trump liên tục giữ im lặng về vấn đề này dù xuất hiện trước công chúng nhiều lần, theo Washington Post.
Khi được hỏi khi nào Tổng thống Trump sẽ ký dự luật trừng phạt Nga được Quốc hội thông qua hồi tuần trước, bà Sanders trả lời: “Chúng tôi sẽ thông báo cho các bạn khi điều đó xảy ra”.
Tờ Washington Post bình luận dù quyết định của ông Trump là gì thì hàng loạt các sự kiện diễn ra ồ ạt trong thời gian gần đây cũng cho thấy chính quyền Mỹ không hề có một chính sách về Nga độc lập, cũng không có một hướng đi rõ ràng.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong chuyến thăm Estonia – một thành viên của NATO cuối tuần qua đã phát biểu: “Chúng tôi hy vọng về mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga, song những hành động ngoại giao gần đây của Moscow sẽ không ngăn cản Mỹ bảo vệ các đồng minh Baltic trước các hành động “gây hấn” của Nga.
Trả lời phỏng vấn một kênh truyền hình ở Moscow hôm 30-7, nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin cho biết ông dự đoán quan hệ Mỹ-Nga sẽ tồi tệ hơn và Moscow có thể sẽ tung ra hình thức trừng phạt trả đũa khác.
Trước việc Tổng thống Trump làm thinh không nhắc tới Nga, người phát ngôn của ông Putin, Dmitry Peskov nói rằng ông Trump chẳng có liên quan gì tới quyết định trả đũa ngoại giao của điện Kremlin trước khi dự luật trừng phạt có hiệu lực.
Nói với phóng viên ở Moscow, ông Peskov cho biết: “trên thực tế dự luật trừng phạt mới nhắm vào Nga sẽ trở thành luật cho dù không được Tổng thống Trump ký thông qua. Vì vậy không cần phải chờ đợi. Mọi thứ khá rõ ràng”.
Theo ông Peskov, trong khi Nga vẫn quan tâm tới việc cải thiện quan hệ với Mỹ, điều mà ông Trump cũng chủ trương nhưng hiện nay tình hình có vẻ “xa rời lý tưởng này”.
Tổng thống Putin đã chờ đợi nửa năm mới đáp trả quyết định của chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama về trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và tịch thu hai cơ sở ngoại giao của Nga ở Maryland và New York. Giới chức Nga cũng đã hy vọng tình hình sẽ thay đổi dưới thời Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, dù cố gắng dàn xếp nhiều cuộc gặp bàn về vấn đề này, đầu tiên là cuộc gặp “mặt đốt mặt” giữa ông Putin và ông Trump tại Hội nghị G20 hôm 7-7 tại Đức, tiếp đó là cuộc gặp cấp Thứ trưởng Ngoại giao giữa ông Sergey Ryabkov của Nga và ông Thomas Shannon của Mỹ tại Washington sau đó vài ngày, nhưng vấn đề vẫn không được giải quyết.
Tờ Washington Post đánh giá, có lẽ Tổng thống Putin đã quá mệt mỏi vì chờ đợi mới quyết định tung ra biện pháp trả đũa.
Chuyên gia Andrew Weiss, làm việc tại tổ chức tư vấn Carnegie Endowment for International Peace, đảm trách bộ phận chính sách Nga dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và George H.W Bush, nêu ý kiến: “Tôi nghĩ rằng chính phủ Nga đã không còn hy vọng ông Trump là người có thể giải quyết được vấn đề. Nhưng đồng thời họ nghĩ chẳng có lợi gì khi chống đối ông Trump, và vì vậy họ sẽ hòa hợp với ông ấy trong một tương lai bất định”.