Thursday, December 26, 2024
Trang chủĐàm luậnBiển Đông - những ẩn số và biến số khó lường

Biển Đông – những ẩn số và biến số khó lường

Trong cuộc khủng hoảng giàn khoan Hải Dương – 981, không khí sôi sục, thậm chí bạo động chống Tàu đã nổ ra tại các khu công nghiệp Bình Dương và Vũng Áng của Việt Nam. Nhưng những gì đang diễn ra liên quan đến khủng hoảng tại bãi Tư Chính lần này có vẻ bí ẩn và ngấm ngầm.

Tình hình nghiêm trọng như vậy nhưng báo chí chính thống không đưa tin, chính phủ các nước liên quan cũng hầu như nín lặng (kể cả Việt Nam, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Mỹ, Ấn, Nhật). Báo chí quốc tế cũng đưa tin lấp lửng, thậm chí trái ngược nhau. Các chuyên gia về Biển Đông cũng đánh giá khác nhau. Trong khi Alexander Vuving và những người khác còn dè dặt, thì Bill Hayton –từng là phóng viên BBC,  một nhà cứu về Việt Nam- khẳng định Hà Nội đã đầu hàng vì Washington bỏ rơi Việt Nam, để mất Biển Đông vào tay Trung Quốc.  

Hiện tượng thiếu hụt thông tin là một dấu hiệu bất thường và bất ổn, do chính quyền và các bên liên quan không minh bạch thông tin. Nếu đúng là Việt Nam cam kết với Trung Quốc sẽ không bao giờ khoan dầu tại lô 136-03 nữa, thì việc yêu cầu Repsol dừng lại là một “chứng cứ thực tế” bất lợi cho Hà Nội sau này khi phải đấu tranh pháp lý với Trung Quốc.  

Một năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực LHQ tại Lahaye, Trung Quốc tuy bên ngoài tỏ ra hòa dịu hơn ở Biển Đông để phân hóa ASEAN và Mỹ, nhưng bên trong lại tỏ ra ngang ngược hơn. Giở trò ngăn cản  Việt Nam khoan dầu tại bãi Tư Chính thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc còn cấm Việt Nam đánh cá và thăm dò dầu khí ngay trong các khu vực vùng biển và thềm lục địa của mình ở Biển Đông, bất chấp phán quyết của Tòa quốc tế về “đường lưỡi bò” bất hợp pháp.  

Từ đầu năm 2017, Hà Nội đã  ký hai hợp đồng lớn với ExxonMobil (Mỹ) để thăm dò và khai thác khí tại mỏ Cá Voi Xanh (lô 118, cách Đà Nẵng 88km), và cho Talisman Vietnam (Repsol, Tây Ban Nha) tiếp tục khoan thăm dò tại mỏ Cá Kiếm Nâu & Cá Rồng Đỏ (lô 136/03 & 07/03, cách Vũng Tàu gần 400 km). Sau đó, Việt Nam còn gia hạn thêm 2 năm cho ONGC Videsh Ltd (OVL, Ấn Độ) thăm dò tại lô 128  ở ngoài khơi Phan Thiết.

Trong khi hợp tác với ExxonMobil gây ồn ào, thì thỏa thuận với Repsol lại im hơi lặng tiếng. Trên bản đồ, lô 136-03 nằm trong Bãi Tư Chính, bên lề vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hà Nội cho Repsol khoan thăm dò không chỉ để khai thác dầu khí, mà còn nhằm khẳng định chủ quyền, trong khi hợp tác với Mỹ và Ấn Độ có ý nghĩa chiến lược. 

Dù đây là quyết định của Repsol hay Hà Nội, thì việc giải thích thế nào cũng không quan trọng lắm. Nhưng về lâu dài, trước sức ép của Trung Quốc, chiến lược tổng thể để khai thác các lô dầu khí của Repsol chắc phải tính toán lại, và điều chỉnh cho phù hợp với tình huống mới.  

Trong thời gian qua, Bắc Kinh đã cho tàu khoan HYSY-760 và hơn 40 tàu hộ tống tiến vào bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây là nơi Tập đoàn dầu khí Việt Nam và Repsol đang khoan thăm dò tại lô 136-03. Hành động đe dọa này của Bắc Kinh nhằm ép Repsol phải rút khỏi dự án. Repsol bắt đầu khoan 2 mũi đầu tiên vào ngày 18/6/2017, trùng hợp với ngày tướng Phạm Trường Long – Phó Bí thư Quân ủy Trung ương Trung Quốc đang thăm Việt Nam “đột ngột” bỏ về nước.

Gần đây, khi Hà Nội tỏ thái độ cứng rắn đối với Bắc Kinh, nhiều người suy đoán rằng Hà Nội chắc đã thỏa thuận ngầm với Washington về hợp tác chiến lược, bao gồm cả việc sử dụng quân cảng Cam Ranh. Nhiều người hy vọng Mỹ sẽ bênh vực Việt Nam nếu bị Trung Quốc bắt nạt. Nhưng Mỹ vẫn im lặng. Liệu Mỹ có ra tay bảo vệ Việt Nam khi hai bên chưa phải là đồng minh và đối tác chiến lược?

Trong hiện tại, các cường quốc có lợi ích lâu dài tại Biển Đông cần liên minh với nhau, không phải chỉ vì mục đích khai thác dầu khí, mà còn vì các lợi ích chiến lược khác. Không phải chỉ có Repsol (Tây Ban Nha) và PVN (Việt Nam) mà ExxonMobil (Mỹ) và OVL (Ấn Độ), cũng như các đối tác quốc tế khác, phải tính toán lại bàn cờ dầu khí Biển Đông. Cần lập ra một tổ hợp quốc tế bao gồm ExxonMobil và OVL… có đủ sức mạnh răn đe để đối phó với tham vọng Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông.

Một mình Việt Nam và một đối tác chiến lược yếu như Tây Ban Nha, không đủ sức đối mặt Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ không bao giờ bỏ qua chuyện Hà Nội dám thách thức họ tại Biển Đông. Nếu Việt Nam đơn thương độc mã, thì chắc chắn Bắc Kinh dễ bắt nạt. Nhưng còn chưa rõ là liệu lần này Việt Nam chỉ tạm ngừng khoan thăm dò để hoãn binh (chiến thuật) hay dừng hẳn về lâu dài (chiến lược). Lúc này, nếu Việt Nam từ bỏ chủ quyền của mình tại bãi Tư Chính (lô 136/03), thì có thể sẽ mất cả Trường Sa.

Trong khi Bill Hayton cho rằng Việt Nam quyết định đầu hàng là thiếu khôn ngoan, thì Alexander Vuving lại cho là cần thiết. Việc này coi như một bước rút lui chiến lược vì tương quan lực lượng quá chênh lệch, chứ không phải đầu hàng. Carl Thayer tán thành nhận định đó, cho rằng Việt Nam không muốn hành động vội vàng khi tình thế rõ ràng đang bất lợi cho mình.

Có một thông tin đáng chú ý: Nếu đúng là Repsol đã khoan xong hai mũi thăm dò và phát hiện được một mỏ khí đốt có quy mô khá lớn ở lô 136-03, trị giá hàng tỷ USD (như BBC đưa tin), thì chắc là họ không thể dễ dàng bỏ cuộc một cách đơn giản. Nếu họ buộc phải tạm dừng trước sức ép của Trung Quốc, thì họ cũng phải làm tất cả những gì cần thiết để đảm bảo an toàn cho mỏ khí và cho quyền lợi của mình, vì Repsol đã đầu tư  tới 300 triệu USD vào 9 lô tại bãi Tư Chính. Nếu Repsol không đủ sức một mình khai thác trước đe dọa của Trung thì tại sao họ không tìm kiếm sự liên kết và hỗ trợ của các đối tác khác mạnh hơn, nếu không muốn bán lại dự án để thu hồi vốn?

Lời giửi nào cho bài toán ở bãi Tư Chính? Nếu Việt Nam chọn giải pháp đầu hàng thì Trung Quốc có thể lấn tới, đưa dàn khoan cắm sâu vào trong vùng EEZ của Việt Nam, và nếu có thể thì sẽ khoan thăm dò và khai thác. Nếu Việt Nam chọn giải pháp đương đầu thì có thể dẫn tới xung đột vũ trang với Trung Quốc tại Biển Đông. Bi kịch của Việt Nam lúc này là không thể đầu hàng,   nhưng cũng không thể đương đầu một mình, vì đúng lúc khẩn thiết thì lại thiếu hụt sự hỗ trợ (của Mỹ) khi so sánh lực lượng tại Biển Đông quá chênh lệch. 

Còn tại sao Trung Quốc tập trung lực lượng gây sức ép với Repsol tại bãi Tư Chính (lô 136-03) mà không gây sức ép với ExxonMobil tại mỏ khí Cá Voi Xanh (lô 118) hay với OVL (lô 128)? Đơn giản vì bãi Tư Chính là khâu yếu nhất, khó bảo vệ vì xa bờ, cách Vũng Tầu gần 400km, và đối tác Repsol   yếu hơn (phụ thuộc vào Việt Nam bảo vệ). Trong khi đó, mỏ Cá Voi Xanh  cách Đà Nẵng có 88km, và lô 128 cách Phan Thiết hơn 100km. Nếu Trung Quốc đụng vào ExxonMobil là đụng vào Hải Quân Mỹ . Nếu đụng vào Lô 128 là đụng vào hải quân Ấn Độ. Vì Trung Quốc thường “mềm nắn rắn buông”, nên muốn “rắn” thì Việt Nam phải liên kết với các đối tác Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, và các cường quốc khác có lợi ích chiến lược tại Biển Đông.

Nếu để Trung Quốc thay đổi nguyên trạng Biển Đông, bắt nạt Việt Nam tại bãi Tư Chính, cấm Việt Nam thăm dò dầu khí và đánh cá trên vùng biển của mình, được luật biển quốc tế thừa nhận, thì Việt Nam có thể mất 40% vùng Đặc quyền Kinh tế. Nếu Hà Nội mắc sai lầm này, sẽ càng bị cô lập, khó tìm được lối thoát, dẫn đến kết cục nguy hiểm hơn về lâu dài. Theo Carl Thayer, Việt Nam có ba sự lựa chọn: Thứ nhất, trong khi tạm ngừng thăm dò, Việt Nam cần kiên định trước sự đe dọa của Trung Quốc; Thứ hai, Việt Nam cần công khai sự việc để tranh thủ dư luận quốc tế ủng hộ; Thứ ba, Việt Nam cần thảo luận các phương án với Mỹ, hy vọng những người nắm quyền lực ở Washington hiểu vấn đề và ủng hộ. 

Biển Đông đầy ẩn số và biến số khó lường. Khủng hoảng bãi Tư Chính hiện nay là một biến số đầy rủi ro tiềm ẩn. Nhưng sự kiện Trung Quốc tổ chức đại hội Đảng 19 vào cuối năm nay, và Việt Nam chủ trù hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11 này là cái phanh hãm, không để khủng hoảng biến thành xung đột vũ trang, vì cả hai bên chưa sẵn sàng.   

Khi tổng thống Donald Trump đến Đà Nẵng dự hội nghị APEC  vào tháng11/2017, khủng hoảng Biển Đông có thể phủ bóng đen lên sự kiện quan trọng này. Đây chính là lúc và là nơi Mỹ và các đồng minh khu vực liên kết với nhau (như tứ cường Mỹ-Nhật-Ấn-Úc) vì an ninh Biển Đông. Đó là một dịp tốt để tàu sân bay Mỹ đến thăm Cam Ranh, thực hiện Tuyên bố chung Mỹ-Việt. Tiếp theo Mỹ và Nhật, sẽ là tàu sân bay của Ấn Độ và Anh (như họ vừa tuyên bố). Hợp tác hải quân của bốn cường quốc đó tại Biển Đông chắc sẽ tăng lên, cùng với kế hoạch phối hợp tuần tra và diễn tập trong khuôn khổ hợp tác chiến lược, vì an ninh Biển Đông. 

Muốn bảo vệ được lợi ích khai thác dầu khí cũng như các lợi ích chiến lược khác tại Biển Đông, các quốc gia liên quan phải gắn hợp tác kinh tế với hợp tác chiến lược, trong “Tầm nhìn Biển Đông”.  

Về lâu dài, muốn có hòa bình, ổn định để hợp tác tại Biển Đông, trước hết phải có sức mạnh răn đe. Vì vậy, đã đến lúc “Con Bò tót Tây Ban Nha” (Repsol) phải liên minh với “Con bò mộng Mỹ” (ExxonMobil) và với “Con voi Ấn Độ” (OVL), nếu họ muốn khai thác tài nguyên năng lượng ở Biển Đông

Đối với Việt Nam, an ninh năng lượng là an ninh quốc gia, và an ninh Biển Đông cũng là an ninh khu vực, trước mối đe dọa hiện hữu từng ngày từ Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới