Vị trí phóng tên lửa của Triều Tiên chỉ cách biên giới Trung Quốc 50km, một vị trí vô cùng nhạy cảm. Nó như thể mang hai thông điệp “dằn mặt” gửi đến Bắc Kinh và Washington.
Tọa độ phóng tên lửa của Triều Tiên gây bất ngờ.
Cách biên giới Trung Quốc 50km
Khi Triều Tiên phóng thử tên lửa liên lục địa thứ hai (ICBM) hồi cuối tuần trước, những lo ngại đầu tiên đến từ giới quan sát đó là tên lửa này đã bay xa đến đâu, khả năng của nó sẽ đạt đến ngưỡng nào… nếu được phóng theo quỹ đạo tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, một yếu tố khác cũng được quan tâm không kém đó là vị trí phóng.
Tọa độ này đã khiến không ít người giật mình, khi không chỉ có Mỹ mà cả Trung Quốc cũng rơi vào tầm ngắm nguy hiểm. Địa điểm phóng chỉ cách biên giới Triều Tiên-Trung Quốc 50km.ICBM thứ hai được thử nghiệm trong vòng chưa đầy một tháng của Bình Nhưỡng được phóng ở tỉnh Chagang hôm 29/7. Các chuyên gia địa lý đã tìm được tọa độ chính xác ngay sau đó.
Với Bắc Kinh, đó không phải là khoảng cách đủ xa để nước này cảm thấy thoải mái với hoạt động của Bình Nhưỡng, ngay giữa lúc quan hệ hai nước vốn có nhiều hoài nghi lẫn nhau trong suốt nhiều tháng qua.
Đầu năm nay, Trung Quốc dưới áp lực từ Mỹ đã bắt đầu có những động thái mạnh tay với nước láng giềng, trong đó có việc ngừng nhập khẩu than từ Triều Tiên.
Theo Giáo sư Kim Yong-hyun từ đại học Dongguk ở Seoul, vị trí phóng mới “dường như là một thông điệp dành cho Trung Quốc” trước những gì mà Bắc Kinh cư xử với Bình Nhưỡng thời gian gần đây.
Nhưng từ góc nhìn của Washington, việc đẩy địa điểm phóng tới gần Trung Quốc lại mang đến cho họ một mối quan tâm khác.
Vị trí này nằm ở địa hình đồi núi gần biên giới với Trung Quốc, vì vậy nó trở thành “cân nhắc khó khăn đối với Mỹ trong việc đưa ra một đòn tấn công phủ đầu”, Giáo sư Park Hwee-rhak từ đại học Kookmin của Seoul nói với Asia Nikkei.
Không chỉ địa thế khó khăn, một cuộc tấn công sát biên giới với Trung Quốc chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng dữ dội từ quốc gia này.
Triều Tiên sẽ còn gây bất ngờ
Đối với Triều Tiên, vị trí thử nghiệm mới đã chứng minh rằng họ có khả năng thử tên lửa ở bất cứ đâu ngoài những bãi phóng cố định.
Ngoài ra Bình Nhưỡng cũng khiến hệ thống theo dõi của Mỹ trở nên vô dụng khi tiến hành thử nghiệm vào ban đêm (các lần thử trước thường vào sáng sớm).
“Họ thử nghiệm tại một địa điểm bất ngờ sâu bên trong Triều Tiên, gần biên giới Trung Quốc, nơi rất khó để tấn công. Họ đã làm điều đó vào ban đêm khi các vệ tinh dựa trên hình ảnh quang học trở nên vô dụng”, Jeffrey Lewis, một chuyên gia về không phổ biến hạt nhân tại viện Middlebury thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế tại Monterey nói trên Daily Beast.
Triều Tiên đang cải thiện khả năng của mình và khiến cho kẻ thù cảm thấy bất ngờ theo những cách khác nhau.
Vào tháng 2 (và một lần nữa vào tháng 5 ), nước này đã thử nghiệm tên lửa tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn, một tiến bộ mới giúp cho công nghệ tên lửa Triều Tiên trở nên khó lường hơn.
Trong tuần này, quân đội Mỹ phát hiện “mức độ hoạt động cao bất thường, chưa từng có” của đội tàu ngầm nước này, bao gồm cả các thao tác kiểm tra để chuẩn bị cho việc phóng tên lửa từ tàu ngầm một cách linh hoạt và đa dạng trên biển.
Theo các nhà phân tích, tất cả các động thái này không phải là sự chuẩn bị của Triều Tiên cho một cuộc tấn công Mỹ và các đồng minh. Đó có thể là lời cảnh báo cho kẻ thù, họ sẽ phải nhận về hậu quả khốc liệt nếu manh động.
Ngoài ra, chắc chắn Mỹ sẽ phải rất thận trọng nếu muốn tấn công vào khu vực vô cùng nhạy cảm khi chỉ cách biên giới Trung Quốc chỉ có 50km như vậy.