Các quan chức Ấn Độ ngày 1/8 bác bỏ thông tin do Trung Quốc đưa ra, nói rằng quân số Ấn Độ trong cuộc giằng co ở vùng biên giới Sikkim đã giảm mạnh.
Lực lượng biên phòng Trung Quốc, Ấn Độ trong một tình huống đối mặt ở biên giới, mỗi bên đều mang băng-rôn cáo buộc đối phương “vượt biên” (Ảnh: NDTV)
Vài giờ sau khi Bộ ngoại giao Trung Quốc công bố thông tin liên quan đến số lượng binh sĩ Ấn Độ mà Bắc Kinh tố “vượt biên”, các quan chức chính phủ Ấn Độ nói rằng không hề có chuyện rút lui và lực lượng của Ấn Độ vẫn giữ vững vị trí.
Tờ Hindustan Times (Ấn Độ) dẫn lời một nguồn tin trong chính phủ nói: “Quân đội Ấn Độ không rút bất kỳ binh sĩ nào về và phía Trung Quốc cũng vậy. Tình trạng vẫn duy trì như cũ.”
Quan chức trên cho biết có khoảng 350 lính Ấn Độ được triển khai ở cao nguyên Doklam (Trung Quốc gọi là Donglang) trong suốt 6 tuần qua.
Cùng ngày, tờ Business Standard của Ấn Độ dẫn một nguồn tin khác trong quân đội nước này, nói rằng quân số của Trung Quốc tại Doklam vào thời điểm cao nhất là khoảng 300 người thì nay đã giảm còn 40 người, trong khi số lượng binh sĩ của Ấn Độ cũng giảm từ 400 người xuống còn 150 người.
Tuy nhiên, tờ báo cho biết Ấn Độ vẫn duy trì một lữ đoàn với 3.000 binh sĩ đợi lệnh ở khu vực áp sát Sikkim.
Ngày 1/8, Bộ ngoại giao Trung Quốc công bố báo cáo dài 15 trang – một hành động hiếm khi xảy ra – để đưa ra hàng loạt thông tin và con số về cuộc đối đầu ở vùng biên giới Sikkim giữa quân đội Trung-Ấn.
Bắc Kinh cáo buộc hơn 270 binh sĩ Ấn Độ có vũ trang đã vượt biên cùng với máy ủi đất để ngăn cản phía Trung Quốc xây dựng một con đường vào hôm 18/6, hai ngày sau khi khởi công.
“Trong những ngày tiếp theo đó, quân số Ấn Độ vượt biên lên tới 400 người, với 2 xe ủi đất và 3 lều trại, tiến sâu đến 180m vào lãnh thổ Trung Quốc,” báo cáo nói.
Theo báo cáo, tính đến cuối tháng 7 chỉ còn “40 người Ấn Độ cùng 1 xe ủi đất ở lại”, đồng thời thúc giục New Delhi “rút ngay lập tức và vô điều kiện” lực lượng của mình.
Bộ ngoại giao Trung Quốc cũng gợi ý New Delhi và Bắc Kinh ký kết một hiệp định mới thay cho Hiệp định giữa Vương quốc Liên hiệp Anh và Trung Quốc liên quan tới Sikkim và Tây Tạng, ký năm 1890, khi nói thỏa thuận này là “một tài liệu không chính thức”.
Nhà nghiên cứu Triệu Cán Thành của Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải trả lời Global Times (Trung Quốc), cho rằng số liệu mà Bắc Kinh công bố khiến Ấn Độ “bị thiệt về mặt chính trị”, nên New Delhi thông qua các quan chức ẩn danh tiết lộ họ “không rút người nào”.
Đáp trả tuyên bố của chính phủ Trung Quốc rằng nguyên nhân đối đầu ở Doklam là do quân đội Ấn Độ vượt biên vào lãnh thổ Trung Quốc hồi giữa tháng 6, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Ấn Độ ngày 1/8 nói “lập trường của Ấn Độ về vấn đề này và các thông tin liên quan đã được nêu rõ trong thông cáo báo chí của chúng tôi ngày 30/6/2017”.
“Ấn Độ coi hòa bình và ổn định ở các khu vực biên giới Trung-Ấn là điều kiện tiên quyết quan trọng cho sự phát triển thuận lợi các quan hệ song phương với Trung Quốc,” đại diện chính phủ Ấn Độ cho hay.
Thông cáo ngày 30/6 là tuyên bố chính thức duy nhất tính đến lúc này mà chính phủ Ấn Độ bày tỏ quan ngại việc Bắc Kinh xây dựng một con đường ở vùng ngã ba biên giới giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan. New Delhi gọi động thái của Trung Quốc “thể hiện sự thay đổi lớn về hiện trạng khu vực và cho thấy các hàm ý an ninh nghiêm trọng”.
Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj đề nghị hai phía cùng rút quân khỏi địa điểm đối đầu để tổ chức đối thoại, nhưng chính phủ Trung Quốc đặt điều kiện tiên quyết để đàm phán là phía Ấn phải đơn phương rút lui trước.