Không một ai trong số các nhà lãnh đạo nghỉ hưu có mặt, kể cả dân sự lẫn quân sự, thậm chí là 2 vị cựu Chủ tịch Quân ủy trung ương.
Ngày 1/8 tại Bắc Kinh diễn ra lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập quân đội Trung Quốc.
Trước đó hôm 30/7, tại Chu Nhật Hòa, khu tự trị Nội Mông, ông Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc duyệt binh “kiểu mới” với 12 ngàn quân và các vũ khí trang bị hiện đại khiến dư luận chú ý.
Giang – Hồ vắng mặt, nhấn mạnh trung thành
Đa Chiều ngày 1/8 đưa tin, ngày thành lập quân đội Trung Quốc ông Tập Cận Bình “độc diễn”, cả hai cựu lãnh đạo tiền nhiệm Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đều không có mặt. [1]
Trong diễn văn đọc tại lễ mít tinh ngày 1/8, ông Tập Cận Bình liên tục nhấn mạnh nguyên tắc “đảng chỉ huy súng”, tức đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo tuyệt đối đối với quân đội.
Tuy nhiên khác hẳn so với 2 dịp lễ kỷ niệm 70 năm và 80 năm thành lập quân đội Trung Quốc, lần này chỉ có các lãnh đạo cấp cao đương nhiệm tham dự.
Không một ai trong số các nhà lãnh đạo nghỉ hưu có mặt, kể cả dân sự lẫn quân sự, thậm chí là 2 vị cựu Chủ tịch Quân ủy trung ương là ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào.
Tường thuật về cuộc mít tinh đặc biệt này, South China Morning Post ngày 1/8 lưu ý, trong diễn văn ông Tập Cận Bình tôn vinh 9/10 nguyên soái của Hồng quân Trung Quốc, trừ Lâm Bưu.
Lâm Bưu là người đóng vai trò then chốt trong cuộc nội chiến lật đổ chế độ Quốc dân đảng năm 1949.
Ông là chỉ huy cánh quân Đông Bắc đánh quân Tưởng Giới Thạch trong chiến dịch Liêu Thẩm 1948, chiến dịch Bình Tân 1948-1949 làm thay đổi cục diện cuộc nội chiến.
Lâm Bưu và 9 sĩ quan chỉ huy khác được phong hàm nguyên soái năm 1955 và ông xếp hạng 3 trong 10 nguyên soái.
Tháng 9/1971, Lâm Bưu tử nạn trong một vụ tai nạn máy bay tại Mông Cổ. Hiện tại thông tin chính thức về ông ở Trung Quốc là Lâm Bưu đã phản bội Mao Trạch Đông, cố gắng đưa vợ con đào thoát sang Liên Xô.
Việc ông Tập Cận Bình không nhắc đến Lâm Bưu trong diễn văn, không chỉ thể hiện quan điểm chính thức của nhà nước Trung Quốc về nguyên soái này, mà còn mang một thông điệp khác đến các tướng lĩnh: lòng trung thành là trên hết!
Một nguồn tin thân cận với chính phủ ở Bắc Kinh nói với South China Morning Post, trong một cuộc họp ở Bắc Kinh cuối tuần trước, ông Tập Cận Bình cảnh báo khoảng 400 quan chức cấp tỉnh và cấp bộ rằng:
Bất kỳ ai chống lại các đường lối và quyết định của đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt nghiêm trọng, bất kể chức vụ, thứ hạng và thành tích của họ được tôn vinh trong quá khứ.
Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình dưới sự triển khai của ông Vương Kỳ Sơn, đã xử lý hơn 150 quan chức hàng đầu, gần nhất là Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trùng Khánh Tôn Chính Tài. [2]
Bình luận và phản ứng từ bên ngoài đại lục
Nhìn nhận từ bên ngoài Trung Quốc, tờ The Australian ngày 2/8 bình luận:
Màn thể hiện sức mạnh quân sự của Bắc Kinh dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập quân đội còn mang một thông điệp khác nhắm vào Bình Nhưỡng.
Tuy không phải là một phản ứng trực tiếp, nhưng động thái này nhấn mạnh khả năng sẵn sàng ứng phó với khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên trước mối đe dọa phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Trung Quốc đang củng cố phòng thủ dọc tuyến biên giới dài 1420 km với Triều Tiên với việc thành lập 1 lữ đoàn mới, xây dựng hầm trú ẩn chống vũ khí hạt nhân và vũ khí hóa học, triển khai các máy bay chiến đấu. [3]
Tờ The Nation của Pakistan ngày 2/8 cũng dẫn nguồn hãng tin AFP cho biết, trong bài diễn văn ông Tập Cận Bình còn nhấn mạnh:
Trung Quốc sẽ quyết liệt bảo vệ chủ quyền và không cho phép bất kỳ cá nhân, tổ chức, đảng phái chính trị nào làm tổn hại đến chủ quyền Trung Quốc.
Thông điệp này được cho là nhằm vào các phong trào chính trị ở Hồng Kông cũng như đảo Đài Loan. [4]
Tờ Taipei Times ngày 2/8 dẫn lời người phát ngôn đảng Dân chủ tiến bộ đang cầm quyền trên đảo Đài Loan, Wang Min-sheng nói:
“Trung Quốc phải tôn trọng thực tế là, Trung Hoa Dân Quốc vẫn tồn tại, phải tôn trọng dư luận xã hội, chính trị, đức tin và các giá trị dân chủ, hệ thống chính trị mà người dân Đài Loan lựa chọn”.