Với việc ban hành dự luật trừng phạt mới nhằm vào Nga, Mỹ đang đẩy Nga tăng cường quan hệ với Iran, Triều Tiên, Trung Quốc, Ấn Độ… Điều này hoàn toàn không có lợi cho Washington.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc đối thoại bên lề hội nghị G20 tại Đức. Ảnh: REUTERS
“Hy vọng chấm hết”
Trái với những dự đoán lạc quan và hy vọng sau một số thỏa thuận tích cực đạt được trong cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ D. Trump và Tổng thống Nga V. Putin ngày 7/7/2017 bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Hamburg, chính quyền Mỹ đã dội một gáo nước lạnh vào quan hệ Nga-Mỹ vừa có dấu hiệu tan băng.
Ngày 2/8/2017, Tổng thống Donald Trump đã chính thức ký Dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, Iran và Triều Tiên.
Trước đó, ngày 27/7/2017, với đa số phiếu áp đảo Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật này. Do cả Thượng viện, Hạ viện và Quốc hội thông qua với đa số phiếu tuyệt đối, Tổng thống Trump đã mất đi quyền phủ quyết và không còn cách nào khác là phải ký dự luật này.
Ngay sau khi ký, Tổng thống Trump đã công khai phê phán dự luật có “nhiều sai sót” và “một số điều khoản đã vi phạm trắng trợn Hiến pháp”. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng tuyên bố rằng, cá nhân Tổng thống Trump và bản thân ông không hài lòng về bộ luật mới này vì nó không giúp ích gì cho những cố gắng giải quyết các vấn đề trong quan hệ Mỹ- Nga.
Dù thế nào đi chăng nữa thì hành động này đang đi ngược lại những cam kết của Tổng thống Trump trong việc cải thiện quan hệ với Nga, làm tăng thêm đối đầu Mỹ-Nga. Chính quyền Mỹ đang khơi lại tư duy của thời kỳ chiến tranh Lạnh.
Có thể nói lệnh trừng phạt mới của Mỹ đã đưa quan hệ hai nước xuống mức thấp nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh Lạnh đến nay. Thủ tướng Nga Dimitry Medvedev khẳng định hành động này của Mỹ đồng nghĩa Washington tuyên bố chiến tranh thương mại toàn diện với Moscow và đặt dấu chấm hết cho hy vọng cải thiện quan hệ song phương dưới thời Tổng thống Trump.
Châu Âu nổi giận
Khác với các biện pháp trừng phạt Nga tháng 3/2014, Mỹ có tham khảo ý kiến và được châu Âu đồng thuận để phản đối Nga sáp nhập Crimea, các biện pháp trừng phạt lần này hoàn toàn mang tính đơn phương của Mỹ.
Năm 2014, khi thông qua lệnh trừng phạt Nga, Mỹ đã bàn bạc và quan tâm đến các lợi ích kinh tế, thương mại của các đồng minh châu Âu, còn lần này thì không. Các biện pháp trừng phạt mới chống Nga vừa qua đang tạo ra sự rạn nứt trong quan hệ vốn đã ở trong tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Mỹ và châu Âu bởi vì các biện pháp này không chỉ nhằm vào Nga mà còn gây thiệt hại lớn cho các nước châu Âu đang có quan hệ hợp tác với Nga.
Theo con số thống kê mới nhất, kim ngạch thương mại giữa các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) với Nga năm ngoái lên tới 270 tỷ USD, trong khi kim ngạch buôn bán giữa Mỹ và Nga chỉ đạt khoảng 30 tỷ USD. Luật trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga rõ ràng đang tạo ra sự chia rẽ trong liên minh chống Nga.
Trừng phạt của Mỹ sẽ gây thiệt hại lớn cho châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Hiện nay Nga là nước cung cấp năng lượng lớn nhất cho châu Âu. Ngoài việc nhằm vào các lĩnh vực truyền thống như luyện kim, vận tải, quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực khác của Nga, những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ còn nhằm vào các dự án năng lượng hỗn hợp giữa Nga và châu Âu, cụ thể là dự án “Dòng chảy phương Bắc- 2” xây dựng hệ thống đường ống ngầm dưới biển Baltic để vận chuyển khí đốt giá rẻ trực tiếp từ Nga sang các nước châu Âu.
Khí đốt là nhu cầu cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế cũng như đời sống dân sinh của các nước châu Âu. Đường ống dẫn khí này sẽ được kết nối trực tiếp vào hệ thống cung cấp khí đốt đến từng nhà máy, từng gia đình của người dân châu Âu.
Chính vì lẽ đó, hầu hết các nước châu Âu đều tuyên bố phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ, coi đây là vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là những nguyên tắc tự do thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Chủ tịch Cao ủy châu Âu Jean-Claude Juncker, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, các nhà lãnh đạo Áo, Anh, Hà Lan… đều đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga và cảnh báo châu Âu sẽ có những hành động đáp trả phù hợp trong thời gian tới.
Iran cũng khẳng định lệnh trừng phạt của Mỹ chống Iran đã phá vỡ các điều khoản trong Thỏa thuận hạt nhân ký kết ngày 14/7/2015 giữa Iran và các nước P5+1 (năm nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức), đồng thời dọa sẽ có các biện pháp trả đũa phù hợp.
Lợi bất cập hại
Cấm vận và trừng phạt luôn luôn là con dao hai lưỡi. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ không chỉ gây thiệt hại cho Nga mà cho cả các công ty của Mỹ. Hiện nay, các tập đoàn Google, Microsoft, Boeing… đang hoạt động tại Nga. Nga đang cung cấp cho Mỹ nguyên liệu uranium được làm giàu và các động cơ cho các phi thuyền vũ trụ. Ngoài các lĩnh vực trên, Nga và Mỹ còn đang hợp tác với nhau để giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực.
Mới đây, ngày 7/7/2017 Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Hamburg, Đức. Hai bên đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Tây-Nam Syria và cam kết sẽ hợp tác với nhau để tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột ở Syria và các vấn đề khác mang tính chất toàn cầu.
Mỹ cũng đang cần sự tham gia của Nga trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên và các cuộc xung đột khác. Có thể nói hợp tác Nga-Mỹ là nhân tố hết sức quan trọng cho hòa bình, ổn định và an ninh quốc tế.
Với việc ban hành dự luật trừng phạt mới chống Nga, Mỹ đang đẩy Nga tăng cường quan hệ với Iran, Triều Tiên, Trung Quốc, Ấn Độ… Điều này hoàn toàn không có lợi cho Mỹ.
Mâu thuẫn nội bộ
Việc Tổng thống Trump buộc phải ký dự luật trừng phạt mới chống Nga là kết quả của cuộc đấu tranh nội bộ và thể hiện rõ mâu thuẫn sâu sắc trong chính quyền Mỹ.
Trong vòng chưa đầy tám tháng ông Trump bước vào Nhà Trắng đã có ít nhất 8 nhân vật cao cấp của chính quyền Mỹ từ chức hoặc bị sa thải. Chưa bao giờ nội bộ chính quyền Mỹ lại rối ren như bây giờ. Chưa bao giờ Tổng thống Mỹ lại lúng túng trong việc thực thi chính sách đối ngoại như hiện nay.
Ngày 1/8/2017, một quan chức cao cấp của Nhà Trắng cho biết, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer đã từ chức để phản đối quyết định Trump sa thải Giám đốc truyền thông Anthony Skaramochi sau khi ông này công kích Chánh văn phòng Reines Pripus và nhà hoạch định chiến lược Steve Bannon.
Đồng thời, Tổng thống Trump đã bổ nhiệm Bộ trưởng An ninh nội địa, tướng về hưu John Kelly thay cho Reines Pripus, phụ trách nhân sự của Nhà Trắng và xem xét đưa cựu binh David Lapan vào giữ chức Giám đốc truyền thông. Trước đó, tháng 3/2017, ông Trump đã cách chức Cố vấn An ninh quốc gia Micheal Flynn.
Bị thất bại trong cuộc tranh cử Tổng thống tháng 11/2016 trước Donald Trump và nghi ngờ có sự can thiệp của Nga, các thành viên đảng Dân chủ mà đại diện là Hillary Clinton và đảng Cộng hòa do Phó Tổng thống Mike Pence đứng đầu đã tìm cách gây sức ép đối với Trump trong các vấn đề đối nội cũng như đối ngoại.
Chỉ trước khi rời Nhà Trắng hai tháng, Tổng thống Barack Obama lúc đó đã quyết định trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga. Mục đích chính là để Trump sau khi trở thành ông chủ của Nhà Trắng phải đứng ra giải quyết hậu quả của một vấn đề hết sức phức tạp và nhạy cảm trong quan hệ với Nga. Quốc hội Mỹ và lưỡng viện hiện nay đang tìm cách hạn chế hoặc vô hiệu hóa quyền hành pháp của Tổng thống Trump. Quốc hội đã “ép” ông ký dự luật ban hành các biện pháp trừng phạt Nga, Iran và Triều Tiên.
Về phần mình, Nga đã hết sức kiềm chế, không đáp trả ngay quyết định của Tổng thống Obama trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và tịch thu tài sản của Đại sứ quán Nga hồi tháng 12 năm ngoái với hy vọng Tổng thống mới đắc cử Trump sẽ thực hiện những cam kết của mình đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử về việc cải thiện quan hệ và hợp tác với Nga.
Tuy nhiên, sau hơn 7 tháng cầm quyền của Tổng thống Trump, quan hệ Nga- Mỹ không những không được cải thiện mà ngược lại ngày càng xấu đi. Trước tình hình như vậy, Tổng thống Putin buộc phải có sự đáp trả mạnh mẽ, quyết định trục xuất 755 người (gấp hơn 20 lần số nhân viên ngoại giao của Nga bị Mỹ trục xuất) gồm cán bộ ngoại giao và nhân viên Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán của Mỹ, đồng thời không cho phép Đại sứ quán Mỹ sử dụng khu nhà kho và nhà nghỉ cuối tuần thuộc ngoại ô Moscow.
Rất khó đoán được suy nghĩ và ý định của Tổng thống Trump, nhưng phải thừa nhận rằng, cá nhân ông đang bị sức ép rất lớn từ phía đảng Dân chủ và những người chống đối ông trong đảng Cộng hoà.
Mặc dù hết sức căng thẳng, cả Nga và Mỹ vẫn để ngỏ cửa cho các cuộc tiếp xúc ngoại giao. Các kênh liên lạc giữa hai bên vẫn được duy trì. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson ngay sau khi Tổng thống Trump ký ban hành dự luật trừng phạt Nga.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết, hai bên đang thu xếp cho cuộc gặp gỡ giữa hai Ngoại trưởng Nga và Mỹ bên lề Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) của các nước Đông Nam Á được tổ chức từ ngày 2-8/8/2017 tại Manila, Philippines. Hội nghị cấp cao APEC tháng 11 tới tại Đà Nẵng, Việt Nam cũng sẽ là một cơ hội tốt cho cuộc gặp gỡ giữa hai Tổng thống Putin và Trump.