Mỹ tuyên bố để ngỏ mọi khả năng đối phó với Triều Tiên, trong đó không loại trừ giải pháp quân sự. Nhưng đến nay, Mỹ vẫn kiên trì với giải pháp gây sức ép thông qua lệnh trừng phạt để buộc Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán. Chính sách này dẫu vậy vẫn bế tắc.
Mỹ tuyên bố để ngỏ mọi khả năng đối phó với Triều Tiên, trong đó không loại trừ giải pháp quân sự. Nhưng đến nay, Mỹ vẫn kiên trì với giải pháp gây sức ép thông qua lệnh trừng phạt để buộc Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán. Chính sách này dẫu vậy vẫn bế tắc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Mỹ không có nhiều lựa chọn
Triều Tiên thời gian gần đây liên tiếp phóng thử tên lửa và hai lần gần đây nhất tuyên bố đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể vươn tới Mỹ.
Đáp lại những vụ thử nghiệm này, Mỹ tuyên bố để ngỏ mọi khả năng đối phó với Triều Tiên, trong đó có cả phương án tấn công quân sự. Mặc dù vậy, cho đến nay, Mỹ vẫn không đưa ra bất cứ tín hiệu rõ ràng nào về việc sẽ dùng giải pháp quân sự với Bình Nhưỡng ngay cả khi giới tình báo cho rằng Triều Tiên có thể sở hữu một tên lửa ICBM đáng tin cậy có thể tấn công Mỹ vào năm 2018.
Một phần lý do mà giới quan sát cho rằng, Mỹ đặc biệt thận trọng khi cân nhắc giải pháp quân sự đó là hiện gần 30.000 lính Mỹ vẫn đồn trú ở Hàn Quốc, vẫn nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.
Do đó, đến nay, phương thức đối phó của Mỹ vẫn là gây sức ép với Triều Tiên thông qua các lệnh trừng phạt để buộc họ trở lại bàn đàm phán. Một số chuyên gia phân tích cho rằng, việc Triều Tiên đạt bước tiến lớn trong chương trình phát triển tên lửa sẽ làm thay đổi “cuộc chơi”.
Adam Mount, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu tiến bộ Mỹ, nhận định: “Đối thoại vẫn là cơ hội tốt nhất để kiềm chế chương trình tên lửa của Triều Tiên, dù đây là cơ hội khá mong manh”. Theo chuyên gia này, về logic, Mỹ không còn lựa chọn nào khác.
Đàm phán trực tiếp?
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố sẵn sàng hội đàm trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: Getty)
Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã phát tín hiệu rằng ông sẵn sàng gặp mặt trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để giải quyết những vấn đề bất đồng.
Ý kiến này đã vấp phải chỉ trích của nhiều nghị sĩ ở cả đảng Dân chủ và Cộng hòa. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại khi Triều Tiên đạt được bước tiến đáng kể trong chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân, giới chuyên gia cho rằng, đó không hẳn là ý tưởng tồi.
Về điều này, nghị sĩ Dân chủ Ted Lieu nói: “Nếu lựa chọn giữa xung đột quân sự với đàm phán trực tiếp, tôi ủng hộ đàm phán”. Nghị sĩ Dân chủ Martin Heinrich cũng ủng hộ phương án đàm phán, song cho rằng Mỹ không nhất thiết phải dựa vào Trung Quốc trong vấn đề này.
Điều đáng nói là, Mỹ để ngỏ đàm phán với Triều Tiên nhưng luôn đi kèm điều kiện “giải trừ hạt nhân, từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt” – chính sách mà chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama từng theo đuổi song thất bại và một số chuyên gia cho rằng đã lỗi thời.
Chuyên gia Mount nhận định: “Điều quan trọng mà chính quyền Tổng thống Trump cần làm bây giờ là từ bỏ việc tìm kiếm những giải pháp dễ dàng. Đòi hỏi Triều Tiên giải trừ hạt nhân sẽ chẳng đi đến đâu”. Thay vào đó, Washington có thể cân nhắc chính sách kiềm chế Bình Nhưỡng bằng cách đề xuất một thỏa thuận kiểm soát vũ khí, ông Mount nói.
Mặc dù không có gì đảm bảo chắc chắn rằng, đàm phán trực tiếp sẽ hiệu quả, nhưng theo các chuyên gia, phía Triều Tiên hiện cũng có mong muốn đối thoại.
“Triều Tiên vẫn chờ để đối thoại trực tiếp với Mỹ suốt một năm qua, nhưng không muốn thực thi điều kiện giải trừ hạt nhân hay bất cứ động thái đơn phương nào trước khi đàm phán”, Leon Sigal, Giám đốc Dự án hợp tác an ninh Đông Bắc Á tại Hội đồng nghiên cứu Khoa học xã hội, nhận định.