Thursday, November 14, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiKhi Mỹ "tung đòn" kinh tế và Nga đáp trả bằng ngoại...

Khi Mỹ “tung đòn” kinh tế và Nga đáp trả bằng ngoại giao: Bế tắc vẫn có thể hóa giải

Với luật này, Quốc hội Mỹ không chỉ tăng cường trừng phạt Nga mà còn cắt giảm quyền hạn của ông Trump trong hoạch định và vận hành chính sách của Mỹ đối với Nga.

Tổng thống Trump trong một sự kiện ở Nhà Trắng. Ảnh: Doug Mills

Thất vọng, bi quan, cay đắng 

Không còn sự lựa chọn nào khác và dẫu không muốn cũng không được, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành luật vừa được quốc hội Mỹ thông qua về siết chặt mức độ và mở rộng phạm vi trừng phạt Nga, cùng với Iran và Triều Tiên.

Trước khi ông Trump làm việc này, Thủ tướng Nga Dimitri Medvedev cho rằng quan hệ giữa Nga và Mỹ đã trở nên tồi tệ đến mức “không còn gì”.

Ngay sau khi ký ban hành luật, ông Trump bằng tuyên bố riêng và qua Twitter đã phê phán luật này có những điều vi phạm hiến pháp và đánh giá mối quan hệ giữa Mỹ và Nga xấu đi đến mức “nguy hiểm”.

Trong thái độ mà hai vị này thể hiện có dư âm của thất vọng, bi quan và cả cay đắng. 

Điều ấy không có gì là khó hiểu vì phía ông Trump thời gian qua đã nỗ lực gây dựng khởi đầu mới cho mối quan hệ giữa hai nước và phía Nga tiếp tục kiềm chế trả đũa Mỹ để tạo điều kiện cho ông Trump làm bàn.

Tình thế vẫn có thể xoay chuyển

Từ thời người tiền nhiệm của ông Trump ở Nhà Trắng, Mỹ đã tiến hành những biện pháp trừng phạt Nga về kinh tế, thương mại và tài chính. Cho nên luật mới này không quá lạ lẫm. Chỉ tác động chính trị của nó là đáng kể hơn cả vì chẳng khác gì Quốc hội Mỹ tuyên chiến với Nga về kinh tế và thương mại.

Sẽ quá vội vàng và sai lầm nếu cho rằng luật này không gây khó khăn gì cho Nga và cái phản tác dụng của nó đối với Mỹ lớn hơn thiệt hại gây ra cho Nga. Nhưng đồng thời cũng tương tự thế khi cho rằng luật này huỷ hoại hoàn toàn mọi cơ hội về cải thiện quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới.

Liên quan đến quan hệ giữa Mỹ và Nga, cần phải phân biệt ở Mỹ giữa quốc hội và tổng thống, cũng như cần phải nhận diện đối tượng mà phía Nga nhằm vào với những biện pháp trả đũa vừa rồi. 

Quốc hội Mỹ thâm thù Nga trong khi ông Trump lại chủ ý cải thiện quan hệ với Nga. Với luật này, Quốc hội Mỹ không chỉ tăng cường trừng phạt Nga mà còn cắt giảm quyền hạn của ông Trump trong hoạch định và vận hành chính sách của Mỹ đối với Nga. Phía Nga nhằm vào đấy để phân hoá ông Trump với Quốc hội Mỹ.

Quốc hội Mỹ trừng phạt Nga về kinh tế và thương mại trong khi sự trả đũa của Nga mang tính chính trị và ngoại giao, hàm ý đối tượng trả đũa của Nga là Quốc hội Mỹ và chính quyền tiền nhiệm của ông Trump ở Mỹ.

Bằng cách ấy, Nga thể hiện sự thông cảm với tình cảnh khó khăn và khó xử hiện tại của ông Trump ở Mỹ, liên quan đến quan hệ với Nga, thể hiện thiện chí với ông Trump, tỏ phản ứng kiên quyết đối với Mỹ nhưng chỉ ở mức độ cần thiết để ông Trump không vì thế mà bị khó khăn và khó xử thêm, dùng việc chưa tung ra hết mọi con chủ bài đối với Mỹ để răn đe Quốc hội Mỹ và để khích lệ ông Trump kiên định chủ ý cải thiện quan hệ với Nga.

Cho nên Nga đã trả đũa Mỹ trước khi ông Trump ký ban hành luật và tuyên bố chưa xem xét đến những biện pháp trả đũa khác.

Nga không thể kiềm chế được như trước nữa vì luật mới kia của Mỹ đặc biệt liên quan đến cáo buộc Nga can dự vào cuộc bầu cử tổng thống hồi cuối năm ngoái ở Mỹ. Nga phải trả đũa vì đó là cách bác bỏ sự cáo buộc kia, không để Quốc hội Mỹ lấn tới và cũng nhằm giúp ông Trump đối phó với cuộc điều tra mà Quốc hội và Bộ Tư pháp Mỹ đang tiến hành.

Mục đích của Nga là làm cho dân Mỹ thấy rằng Quốc hội Mỹ và chính quyền trước đó đã làm cho mối quan hệ giữa Mỹ và Nga trở nên tồi tệ. Càng hạ thấp quốc hội và chính quyền trước đó ở Mỹ thì càng dễ đề cao chính quyền hiện tại trong quan hệ với Nga.

Nga biết rằng không phải ai ở Mỹ cũng thân thiện với Nga nhưng chắc chắn ai cũng hiểu rằng Mỹ phải hợp tác với Nga thì mới bảo tồn và thực hiện được tốt nhất nhiều lợi ích cơ bản và chiến lược của Mỹ trên thế giới.

Luật mới của Mỹ làm găng với Nga nhưng ông Trump không hùa theo hướng ấy, không phê phán Nga mà phê phán Quốc hội Mỹ. Ông Trump muốn cho Nga thấy tình cảnh bất đắc dĩ của mình trong quan hệ với Nga. 

Ông Trump không giấu diếm sự bất bình của mình về luật này vì bị cắt xén quyền hạn và vì muốn dùng dư luận ở Mỹ để gây áp lực đối với Quốc hội Mỹ bằng thông điệp: Không phải phía hành pháp, mà phe lập pháp mới chịu trách nhiệm chính về những tổn hại đối với nước Mỹ do tình trạng tồi tệ trong quan hệ giữa Mỹ và Nga gây ra.

Từ đó có thể thấy đúng là quan hệ giữa Mỹ và Nga hiện tại không được tốt đẹp, nhưng giữa ông Trump và ông Putin, giữa chính phủ Mỹ và chính phủ Nga vẫn có thiện chí và chủ ý xoay chuyển tình thế khi điều kiện cho phép.

RELATED ARTICLES

Tin mới