Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBàn về thúc đẩy kinh tế VN: Bài học từ Donald Trump?

Bàn về thúc đẩy kinh tế VN: Bài học từ Donald Trump?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định thành lập Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng, gồm các chuyên gia kinh tế được hy vọng sẽ giúp Thủ tướng đưa ra các quyết sách phát triển kinh tế đúng đắn cho đất nước.

Đây là điều đáng mừng và tôi với tư cách là một luật sư cũng đưa ra khuyến nghị chính sách cho Thủ tướng như sau.

Bài học của Tổng thống Trump

Trong cuốn sách ‘Đã đến lúc phải cứng rắn để khôi phục lại sự vĩ đại của nước Mỹ’ được phát hành trong thời gian vận động tranh cử, Tổng thống Donald Trump đã trình bày một ý đó là:

‘Cốt yếu của mọi sự đều xoay quanh khả năng nhìn thấy những điều ẩn tàng. Đó là kiểu tư duy mà chúng ta cần để xoay chuyển tình thế đất nước – thật nhanh’.

Ông Trump nêu bí quyết này với hy vọng sẽ trở thành Tổng thống và khôi phục lại sự vĩ đại của nước Mỹ.

Đây có lẽ cũng là lời khuyên thích hợp dành cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiện nay, trong bối cảnh mà Thủ tướng Phúc cũng đang tìm cách phát triển nền kinh tế đất nước qua việc tìm kiếm lời tư vấn từ các chuyên gia.

Vậy thì ở Việt Nam hiện nay có vấn đề gì ‘ẩn tàng’ cần được nhìn ra, để có thể giúp thúc đẩy phát triển kinh tế? Tôi xin gợi ý như sau.

Một hộ gia đình ở tỉnh Nam Định nhờ tôi tư vấn một việc, đó là gia đình ông từ vài năm trước xây dựng một khu chuồng trại chăn nuôi gia cầm và xưởng ép nhựa trên đất nông nghiệp. Nhưng mới đây chính quyền xã, huyện đã cưỡng chế phá dỡ với lý do xây dựng trái phép, mà không chỉ nhà ông còn có sáu hộ gia đình khác cũng bị phá dỡ vì lý do tương tự.

Một dịp khác làm việc tại xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, một địa phương thuần nông nghiệp, trong lúc làm việc, tài liệu của ông chủ tịch xã cho tôi biết danh sách của mấy chục hộ dân nằm trong diện thanh tra xử lý về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép.

Một lần về làm việc tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, tôi được người dân cho biết, khắp vùng xung quanh đó trước kia là đất lúa hoặc hoang hóa, nay được người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả và xây dựng chuồng trại chăn nuôi.

Song mới đây chính quyền huyện Phù Cừ cũng lại tiến hành xử lý cưỡng chế phá dỡ những công trình xây dựng trái phép, từng đàn lợn gà mất đi nơi nuôi nhốt, hoặc phải bán tống bán tháo với giá rẻ.

Tàn dư của kinh tế kế hoạch

Tôi thấy thật vô lý, vì đất của nhà người ta, họ sử dụng vào sản xuất chăn nuôi không ảnh hưởng đến ai, không ảnh hưởng đến hàng xóm, không ảnh hưởng đến cộng đồng, vậy tại sao lại cấm?

Lý do cấm thường cho rằng vì không xin phép hoặc vì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái với quy hoạch, đây là vấn đề rất sai trái bất cập.

Nhúng ta biết rằng đất đai là phương tiện sản xuất quan trọng, đặc biệt là ở Việt Nam khoảng 60% đến 70% dân số sống ở nông thôn dựa vào nông nghiệp. Việc giải phóng sức lao động sản xuất để tăng hiệu quả canh tác, qua việc cho phép người dân được tự lựa chọn hình thức mục đích sử dụng đất theo cách hiệu quả nhất, là rất quan trọng.

Cấm đoán người dân chuyển mục đích sử dụng đất, hạn chế quyền của người dân với các lý do quy hoạch, kế hoạch trong khi chất lượng và tính khoa học của các vấn đề quy hoạch kế hoạch sử dụng đất thì thế nào?

Có thể hình dung là sự lười nhác quan liêu xa rời thực tiễn khiến cho các chính sách quy hoạch và kế hoạch kém chất lượng khoa học, thay vì tạo động lực thì lại là rào cản trói buộc người dân.

Đất của nhà người ta, họ sử dụng vào sản xuất chăn nuôi không ảnh hưởng đến ai, không ảnh hưởng đến hàng xóm, không ảnh hưởng đến cộng đồng, vậy tại sao lại cấm?Luật sư Ngô Ngọc Trai

Không đặt ra những tiêu chí khoa học nghiêm ngặt cho việc lập quy hoạch, kế hoạch nhưng Luật đất đai phản ánh ý chí của các ban ngành lại rất coi trọng hoạt động lập quy hoạch, kế hoạch, thể hiện uy quyền của nhà nước đối với đất đai. Bằng chứng là luật đất đai năm 2013 tuy chỉ có 212 điều luật nhưng đã sử dụng đến 208 lần từ ‘kế hoạch sử dụng đất’ và 71 lần từ ‘quy hoạch sử dụng đất’.

Đây là hệ quả còn rơi rớt lại từ quan niệm nhận thức về nền kinh tế kế hoạch hóa và công hữu hóa tư liệu sản xuất theo kiểu nhà nước phân vùng và chỉ đạo ai sản xuất cái gì, gò ép các nguồn lực kinh tế trong đó có đất đai là phương tiện sản xuất chủ yếu, vào khuôn khổ theo kế hoạch chung.

Mặc dù kiểu làm kinh tế theo kế hoạch hóa đã được thực tế chứng minh là thất bại trong việc tạo ra hiệu quả nhưng tàn dư của nó vẫn còn, nhất là trong vấn đề sử dụng đất.

Điều này thể hiện ở việc nhà nước đã cho phép tiến hành tư nhân hóa mọi thứ, trừ đất đai vẫn thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu. Do nhà nước vẫn nắm quyền sở hữu nên về nguyên tắc việc sử dụng vẫn theo những kế hoạch.

Bản quyền hình ảnh Empics

Những vấn đề quy hoạch, kế hoạch được thiết lập bởi nhiều cơ quan từ trung ương xuống địa phương mỗi năm, được thực hiện với tư duy dễ dãi giản đơn, coi thường tính phức tạp của thực tiễn, nên đang là rào cản trói buộc người dân.

Đây là vấn đề đang nổi cộm rộng khắp hiện nay khi người dân do những thôi thúc về kinh tế gia đình đã vượt rào, tự gỡ mình thoát ra khỏi trói buộc của pháp luật bất cập, để rồi lại bị quy cho là làm sai và bị cưỡng chế phá bỏ.

Nỗi chán chường Việt Nam

Việc quản trị quốc gia chẳng hề đơn giản như Tổng thống Trump đã phát biểu rằng vấn đề chỉ đơn giản là nhìn ra được những điều ẩn tàng. Ở Việt Nam nhiều vấn đề bất cập đã lộ rõ tác hại nhưng lại không được nắm bắt giải quyết.

Trước đây tôi đã viết bài “Việt Nam: Chính sách đất đai khiến dân phải sống nghèo?” để phản ánh những bất cập trong quản lý sử dụng đất, và mới đây báo chí lại đưa tin sự việc xảy ra ở Quảng Nam, quê nhà của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chính quyền thành phố Tam Kỳ đã cưỡng chế phá dỡ khu chuồng trại xây dựng trái phép của một gia đình và tạm giữ 10 con heo.

Không biết khi báo chí đưa tin những sự việc này có giúp Thủ tướng và bộ tham mưu của ông nhận ra được vấn đề ‘ẩn tàng’ trong chính sách phát triển quốc gia hay không.

Vấn đề tự chủ trong lựa chọn mục đích sử dụng đất hiện nay nếu được tháo gỡ sẽ là điểm khởi phát cho phát triển kinh tế nông thôn và phát triển kinh tế đất nước.

Việc thực hiện sẽ được thuận lợi vì hiện tại cả nước đã thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, tạo lập cơ cấu đồng đất lớn tập trung, giúp thuận lợi cho việc gia tăng hiệu quả canh tác. Cho nên để xoay chuyển tình thế đất nước – thật nhanh theo lời khuyên của Tổng thống Trump – chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nên nhìn ra và tháo gỡ vấn đề đã không còn gì là ‘ẩn tàng’ này.

Bài viết thể hiện ý kiến và lối hành văn riêng của Luật sư Ngô Ngọc Trai, gửi cho BBC Tiếng Việt từ Hà Nội.

RELATED ARTICLES

Tin mới