Chính quyền Donald Trump ca ngợi loạt đòn trừng phạt mới nhất của Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên là gay gắt chưa từng có, và sự tức giận của Bình Nhưỡng cho thấy chúng có tác động nào đó.
Triều Tiên dọa sẽ trả đũa Mỹ gấp “hàng nghìn lần”, tuyên bố không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân và gọi lệnh cấm vận là một phản ứng hoảng loạn của kẻ bắt nạt người Mỹ.
Nhưng hãng tin NY Times dẫn lời các chuyên gia nhận định, liệu các đòn phạt mới có khiến cho Triều Tiên từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân hay không vẫn còn là một ẩn số.
Cấm vận có mục đích thúc ép Triều Tiên vào bàn đàm phán, với mục đích ngừng phát triển vũ khí hạt nhân. Nhưng Chủ tịch Kim Jong-un liên tục tuyên bố các năng lực hạt nhân của nước ông mang tính sống còn để tự vệ. Ngoại trưởng Ri Yong-ho cũng khẳng định lại lập trường này tại hội nghị khu vực ở Manila, sự kiện còn có sự hiện diện của Ngoại trưởng Mỹ Rex W. Tillerson.
“Không có chuyện chúng tôi sẽ đưa vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo lên bàn đàm phán”, ông Ri nói kiên quyết.
Phản ứng thậm chí gay gắt hơn, hãng thông tấn Triều Tiên KNCA tuyên bố: “Không có sai lầm nào lớn hơn việc Mỹ tin rằng lãnh thổ của họ là an toàn…”.
Giới phân tích cho rằng, cũng giống như các lệnh cấm vận khác mà Liên Hợp Quốc đã áp đặt lên Triều Tiên trong hơn một thập niên qua, tính hiệu quả của đòn trừng phạt mới – mà người Mỹ khẳng định sẽ tước của chính quyền Bình Nhưỡng 1 tỷ USD mỗi năm – phụ thuộc vào việc thực thi bền bỉ của Trung Quốc và Nga. Cả hai nước này đã bỏ phiếu nhất trí phạt Triều Tiên nhưng đều tỏ ra miễn cưỡng kiềm tỏa kinh tế Triều Tiên vì lo ngại bất ổn bùng lên ở biên giới.
Nói về con số 1 tỷ USD, Anthony Ruggiero, thành viên cấp cao của Hội Bảo vệ Các nền Dân chủ có trụ sở ở Washington, bình luận: “Con số mà Mỹ nêu ra là tính đến việc Trung Quốc và Nga sẽ thực thi nghị quyết. 11 năm ra đời các nghị quyết cấm vận của Liên Hợp Quốc chứng tỏ họ sẽ không thực thi”.
Theo Sky News, trước đó, vào tháng 11/2016, Triều Tiên chịu loạt đòn cấm vận được miêu tả là “gay gắt nhất và toàn diện nhất mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc từng áp đặt”. Mục đích là gây ra “những thiệt hại chưa từng có tiền lệ” khoảng 800 triệu USD.
Còn các trừng phạt thời điểm trước đó, vào tháng 3/2016, là “toàn diện, mạnh mẽ và bền bỉ”.
Không một lệnh cấm vận nào được mô tả là “yếu kém và không thuyết phục”. Nhưng nếu tất cả đúng như mô tả thì không có một Triều Tiên như hiện nay.
Triều Tiên vốn là một trong những quốc gia cô lập và chịu cấm vận nặng nề nhất thế giới. Do vậy, Sky News cho rằng, tăng cường sức ép bằng một số lệnh trừng phạt mới nhiều khả năng không có ý nghĩa gì với chính quyền Kim Jong Un.