Philippines biết cân lượng sức mình, Việt Nam hăng hái còn vì lợi ích?
Liên quan tới thông tin Philippines tuyên bố không đăng cai SEA Games 2019 và Việt Nam có thể là lựa chọn phù hợp cho vị trí chủ nhà thay thế, PGS.TS Nguyễn Văn Nam – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại cho rằng “Việt Nam không nên hào hứng quá”.
Các nước từ chối, Việt Nam hào hứng vì sao?
PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhận định, SEA Game hay bất kỳ sự kiện quốc tế nào cũng là cơ hội để Việt Nam giao lưu, hội nhập, học hỏi kinh nghiệm từ các nước. Tuy nhiên, cái gì cũng có tính hai mặt.
Mặt tích cực ai cũng có thể nhìn thấy ở SEA Game là cơ hội thúc đẩy sự phát triển của các phong trào thể dục, thể thao trong nước nhưng mặt trái thì ít ai dám nhìn thẳng vào đó là những khoản chi phí “khủng” cùng với những hệ lụy mà SEA Game để lại.
“Rất nhiều bài học đã cho thấy, nhiều nước sau khi đổ tiền đầu tư vào các sự kiện này đã nhanh chóng suống sức, kiệt quệ về kinh tế.
Ví dụ, như nước Nga trước đây cũng từng đứng ra tổ chức mấy kỳ Olympic và đều lụi bại. Ngay như Brasil, một đất nước có bề dày thành tích về thể thao, bóng đá nhưng cũng lâm cảnh lao đao. Nói vậy để thấy, đến nước giàu cũng không chịu được chưa nói tới sức chịu đựng của một nền kinh tế non yếu như Việt Nam. Dù chỉ là một sự kiện thể thao nhỏ như SEA Games nhưng ai cũng hiểu nó sẽ ngốn đến hàng ngàn tỉ đồng, thậm chí còn nhiều hơn thế nữa”.
Theo vị chuyên gia, đây được cho là một trong nhiều lý do đã khiến các nước không mặn mà hoặc chỉ nhận đăng cai “bất đắc dĩ” khi đến lượt. Số những nước tự nguyện nhận đăng cai rất ít hoặc chỉ với những nước có điều kiện. Riêng về tinh thần hăng hái, xung phong xin đăng cai sớm ông cho rằng chỉ có Việt Nam.
“Ở Việt Nam, nếu tham gia sẽ được nhà nước chi ra nhiều tiền, ngành thể thao có cơ hội xây dựng thêm nhiều công trình, sân vận động, nhà thi đấu nghìn tỉ. Địa phương nào cũng có phần lợi, có thêm trung tâm, thêm nhà thi đấu… Tất nhiên, đằng sau đó cũng không tránh được câu chuyện lợi ích, tham nhũng”, ông Nam nói.
Bội chi lớn
Trong khi đó, hầu hết đều cảm nhận được rằng càng ngày kinh tế Việt Nam càng khó khăn. Vị chuyên gia cho biết, kể cả việc Việt Nam đứng ra nhận đăng cai tổ chức sự kiện SEA Games 31 với tổng kinh phí hàng ngàn tỷ đồng cũng đã là một nghịch lý, một điều đáng lo ngại.
Bởi theo ông, trong bối cảnh khó khăn là vậy nhưng cho tới nay chưa nhìn thấy một điểm sáng khả quan, một chiến lược dài hạn nào cho thấy diện mạo nền kinh tế sẽ được đổi mới trong nay mai.
Tất cả các chỉ số tăng trưởng đang ở dự báo xấu, từ nợ công cao, nợ xấu cao, kinh tế khó khăn, thu không đủ bù chi, các chỉ số tín nhiệm đang bị sụt giảm… ngược lại, nhiều chính sách thuế, phí, dịch vụ đang không được lòng dân, không khuyến khích phát triển.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, SEA Games là cơ hội để chi tiêu, kinh phí bỏ ra rất lớn nhưng khả năng thu về không có vì vậy mà các nước khi tham gia đều phải cân nhắc rất kỹ.
Ngoài việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho kỳ đại hội thì còn phải xây dựng cả hạ tầng giao thông nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, ăn ở của các đoàn vận động viên cũng như quan khách quốc tế khi tới Việt Nam.
Như vậy, ngoài việc phải bỏ ra cả vài nghìn tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng phát triển thể dục thể thao thì cũng phải bỏ ra vài nghìn tỷ để xây dựng phát triển hạ tầng giao thông nữa. Trong điều kiện ngân sách khó khăn như hiện nay, để thu xếp được một khoản tiền lớn như vậy đối với Việt Nam là một áp lực rất lớn.
“Chưa nói tới việc đầu tư hạ tầng ở Việt Nam hiện nay không hiệu quả, lãng phí. Tôi nói ngay như Sân vận động Mỹ Đình đầu tư lớn nhưng không sử dụng hết công năng, phải cho thuê bán cafe… Vì thế, những đầu tư này hầu như không mang lại được lợi ích lớn cho nền kinh tế, ngoài việc tạo cơ hội cho các vận động viên được cọ xát, giao lưu, trổ tài. Nhưng đổi lại ngân sách sẽ thêm gánh nặng, bội chi sẽ cao hơn và cuối cùng không ai khác chính là người dân phải gánh.
Hiện nay, đến ngay cả kinh phí cho các vận động viên đi đào tạo ở nước ngoài còn không có, đời sống vận động viên còn chưa được chú trọng nâng cao. Đăng cai SEA Games 31, Việt Nam sẽ lấy gì để thi tài?”, ông Nam phân tích.
Chốt lại vấn đề, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng, Việt Nam còn nghèo thì không nên phô trương. Cố gắng để nhận được một tiếng thơm nhưng người dân phải chịu nhiều gian nan.
Theo ông Nam, cứ tưởng tổ chức là vì người dân, là tạo cơ hội cho người dân vui chơi, giao lưu nhưng nếu người dân không hào hứng, không vui vẻ đón nhận thì đó lại là điều nghịch dị.
Vì thế, trong bối cảnh hiện nay Việt Nam nên học Campuchia, Philipines phải nghiên cứu kỹ lưỡng, cân lượng sức mình để đưa ra quyết định.