”Nhiều khả năng, chất lượng keo sử dụng để ghép các thớt đá có vấn đề dẫn đến liên kết giữa các mảng của tượng bị yếu”.
Ngày 9/8 tại sân Quảng trường TP. Bắc Kạn (Bắc Kạn), khi mọi người đang vui chơi thì một phần cụm tượng đài Chiến Thắng đã bất ngờ bị đổ sập xuống. Sự cố này đã khiến một bé trai 12 tuổi bị thương.
Theo nguyên nhân ban đầu, bé trai khi chơi đùa đã đu lên cánh tay của tượng. Sau đó, một phần của tượng đã đổ vào đầu gối của cháu bé. Điều này khiến người dân băn khoăn về chất lượng của tượng đài.
Trao đổi với Đất Việt chiều 10/8, anh Trần Văn Huy – Trưởng bộ phận kỹ thuật của một công ty chuyên cung cấp tượng đá ở Ninh Bình cho biết, bản thân anh cảm thấy rất bất ngờ về sự cố xảy ra tại TP. Bắc Kạn.
”Đây có thể coi là sự cố hi hữu, nếu không muốn nói là lạ lùng. Bởi lẽ, về nguyên tắc tượng đài phải là một công trình kiên cố, trường tồn với thời gian. Nó chỉ có thể bị hư hỏng trong trường hợp va chạm cực mạnh, không thể vì một đứa trẻ đu lên mà đổ cả một góc tượng như vậy”, anh Huy khẳng định.
Theo anh Huy, do tượng đài ở Bắc Kạn không được đục nguyên khối mà ghép từng phiến đá lại với nhau nên sức bền sẽ kém hơn. Tuy nhiên, giữa các khớp nối của tượng, nếu được sử dụng keo chất lượng cao, và được gia cố thêm bằng thép một cách cẩn thận thì công trình tượng đài vẫn rất chắc chắn.
”Nhiều khả năng, chất lượng keo sử dụng để ghép các thớt đá có vấn đề dẫn đến liên kết giữa các mảng của tượng bị yếu. Mặt khác, đơn vị thi công đã không gia cố thêm tại các khớp nối khiến cho tượng dễ bị gãy đổ”, vị nghệ nhân điêu khắc đá phân tích thêm.
Sao không dùng đá nguyên khối?
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Xuân Sơn – một nghệ nhân điêu khắc đá ở Đà Nẵng đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi một công trình tượng đài cấp tỉnh lại được dựng bằng cách ghép các thớt đá vào với nhau.
”Theo tôi được biết, công trình tượng đài chiến thắng của Bắc Kạn chỉ cao tầm 3 mét gồm 5 tượng. Với kích thước tượng như vậy, hoàn toàn có thể dùng đá nguyên khối để làm, đó là điều mà tôi cảm thấy băn khoăn.
Nếu được làm bằng đá xanh nguyên khối, tượng đài sẽ vô cùng chắc chắn. Đừng nói là một đứa trẻ, ngay cả người lớn đánh đu cũng không có vấn đề gì”, anh Sơn nhấn mạnh.
Vị nghệ nhân điêu khắc cho rằng, có rất nhiều cơ sở sản xuất tượng sẵn sàng làm bức tượng tương tự bằng đá nguyên khối với giá thành rẻ hơn rất nhiều.
Công trình tượng đài chiến thắng tỉnh Bắc Kạn (2 nhóm tượng) nằm trong dự án tượng đài chiến thắng Bắc Kạn được hoàn thành với tổng kinh phí là 14 tỉ đồng, bao gồm cả kiến trúc và mỹ thuật.
”Với giá thành hiện tại, một nhóm tượng có kích thước như ở TP. Bắc Kạn có giá không quá 3 tỷ đồng”, anh Sơn khẳng định.
Một nhóm tượng có kích thước như ở TP. Bắc Kạn có giá không quá 3 tỷ đồng
Như đã thông tin trước đó, khoảng 20h ngày 9/8 tại sân Quảng trường TP. Bắc Kạn, khi mọi người đang vui chơi thì một phần cụm tượng đài chiến thắng đã bất ngờ bị đổ sập xuống. Một bé trai đang chơi đùa tại đây bị thương.
Tại thời điểm xảy ra vụ việc, người dân TP. Bắc Kạn ra quảng trường rất đông để hóng mát, chủ yếu là các gia đình dẫn theo con nhỏ.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, bé trai đã được đưa đi Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn để chữa trị. Hiện tại, tình hình sức khỏe của cháu bé đã ổn định.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn, tượng đài chiến thắng được làm bằng đá xanh. Tượng không được đục nguyên khối mà ghép từng phiến đá lại với nhau, mỗi phiến đá có độ dày từ 50-70cm.
Tượng đài chiến thắng Bắc Kạn không bị đổ sập hoàn toàn. Bởi đây là cụm tượng đài gồm 5 tượng, cao khoảng 3 mét. Sự cố xảy ra làm một phần tượng cụm tượng là nhân vật nhi đồng bị gãy, rơi từ phần thân trở xuống.