Tấn công phủ đầu, gia tăng áp lực kinh tế hay nối lại đàm phán có thể là những phương án Mỹ dùng để xử lý vấn đề Triều Tiên.
Oanh tạc cơ B-1, vũ khí được cho là chủ lực của Mỹ trong trường hợp tấn công phủ đầu Triều Tiên. Ảnh: USAF.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gần đây đều đưa ra những tuyên bố cứng rắn khiến căng thẳng trong quan hệ hai nước tiếp tục gia tăng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó dự đoán.
Bình luận viên Julian Borger của Guardian đưa ra 7 kịch bản có thể xảy ra tại bán đảo Triều Tiên.
Chiến tranh phòng ngừa
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster mới đây đưa ra viễn cảnh về cuộc “chiến tranh phòng ngừa” như một lựa chọn chính sách của Nhà Trắng đối với vấn đề Triều Tiên. Ý tưởng này dựa trên việc phát động tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng quân sự, khiến năng lực tấn công Mỹ của Triều Tiên suy giảm hoặc có thể gây ra một cuộc đảo chính hay nổi dậy ở Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là dễ bị đoán trước. Triều Tiên hiện sở hữu số lượng lớn tên lửa được lắp đặt bí mật trên khắp đất nước cùng 8.000 khẩu pháo bố trí gần khu vực phi quân sự, chỉ cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 60 km.
Vì vậy, sẽ không có đòn đánh bất ngờ nào có thể làm Triều Tiên gục ngã hoàn toàn và sự trả đũa của Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ gây ra thương vong rất lớn.
Kiềm chế mạnh mẽ
Hiện có nhiều ý kiến cho rằng Mỹ và đồng minh còn quá mềm mỏng trước Triều Tiên, để Bình Nhưỡng liên tục có những hành động khiêu khích quân sự mà không bị trừng phạt.
Chiến lược kiềm chế mạnh mẽ sẽ sử dụng vũ lực vừa phải để gửi đi thông điệp trừng phạt, nhưng ở dưới mức độ của một cuộc tấn công phủ đầu. Theo đó, Mỹ có thể ném bom vào các bãi thử nếu Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là không có gì bảo đảm rằng Bình Nhưỡng có thể phân biệt được hành động quân sự hạn chế với tấn công phủ đầu. Một khi xung đột quân sự nổ ra thì rất khó để ngăn chặn nó leo thang thành một cuộc chiến toàn diện và nguy hiểm.
Ám sát lãnh đạo
Ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên luôn nằm trong kế hoạch chiến tranh chung của Mỹ và Hàn Quốc. Seoul thậm chí còn tiết lộ đã thành lập lữ đoàn đặc nhiệm để thực hiện nhiệm vụ này.
Nhưng đây cũng là một phương án dễ gặp thất bại nhất. Kim Jong-un là một trong những nhà lãnh đạo được bảo vệ nghiêm ngặt nhất thế giới và không loại trừ khả năng có một lãnh đạo khác cứng rắn hơn thay thế ông Kim. Ngoài ra, lựa chọn này cũng có thể kích hoạt một cuộc chiến toàn diện.
Gia tăng áp lực kinh tế
Triều Tiên hiện là quốc gia bị cô lập về kinh tế nhất thế giới, đặc biệt sau những lệnh trừng phạt do Liên Hợp Quốc áp đặt cuối tuần trước. Việc tiếp tục gia tăng áp lực này đòi hỏi sự tham gia tích cực của Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh hiện lo ngại gây ra sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng.
Một số nhà bình luận Mỹ kêu gọi trừng phạt các công ty Trung Quốc vi phạm lệnh cấm vận Triều Tiên, biện pháp có thể kéo theo các động thái đáp trả của Bắc Kinh và khiến quan hệ Mỹ – Trung lao dốc nghiêm trọng.
Nối lại đàm phán
Hiện không có dấu hiệu cho thấy Triều Tiên muốn trở lại cuộc đàm phán 6 bên đã chấm dứt dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Mỹ đang cân nhắc khả năng đàm phán nhưng chỉ khi Triều Tiên ngừng thử tên lửa và chấp nhận rằng mục đích đàm phán là nhằm loại bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân, điều kiện mà Bình Nhưỡng chắc chắn chưa sẵn sàng chấp nhận.
Trao đổi có điều kiện
Trung Quốc và Nga ủng hộ đề xuất Triều Tiên ngừng thử tên lửa và hạt nhân trong khi Mỹ, Hàn Quốc và các đồng minh cũng ngừng tập trận quân sự. Tuy nhiên, chưa rõ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In có đồng ý với đề xuất này hay không và cũng không có gì bảo đảm Bình Nhưỡng sẽ chấp nhận điều đó.
Đối thoại kiểm soát
Siegfried Hecker, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Triều Tiên, người từng đến Triều Tiên 7 lần và tham quan các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng mới đây yêu cầu quan chức hai nước lập tức mở kênh liên lạc nhằm tránh những tính toán sai lầm của cả hai bên có thể dẫn đến thảm họa không thể kiểm soát.