Thursday, December 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiẤn Độ đã lôi kéo “kẻ thù” của TQ thành bạn mình...

Ấn Độ đã lôi kéo “kẻ thù” của TQ thành bạn mình như thế nào?

Ấn Độ đã tỏ ra rất khôn khéo khi áp dụng phương châm “kẻ thù của kẻ thù là bạn mình” để tìm cách thu hút những nước được xem là đối thủ của Trung Quốc ngả về phía mình.

Tàu hải quân Ấn Độ và Nhật Bản tham gia cuộc tập trận chung Malabar 2017. Ảnh: Firstpost

Trung Quốc: Nước lớn không có bạn

Trung Quốc ngày nay đang nổi lên như là một cường quốc quan trọng hàng đầu của thế giới. Gần như mọi lúc, mọi nơi người ta đều nghe đến những thông tin về Trung Quốc.

Hàng ngày, hàng giờ, báo chí trên toàn cầu tràn ngập các thông tin liên quan đến Trung Quốc: họ gia tăng đầu tư, mở rộng sự hiện diện ở nước ngoài, đưa hải quân vươn ra những vùng biển mới, khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên …

Trung Quốc đang sở hữu rất nhiều tiền đề để trở thành một cường quốc toàn cầu: Dân số lớn nhất thế giới, nền kinh tế lớn thứ hai, dự trữ ngoại hối lớn nhất, quân đội lớn nhất, mạng lưới đường cao tốc quốc gia lớn nhất, hệ thống đường sắt chạy nhanh nhất…

Theo nhiều cách tính toán khác nhau, Trung Quốc gần như đang là cường quốc số 2 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ, thậm chí tổng giá trị nền kinh tế dự kiến có thể sẽ vượt Mỹ vào năm 2025.

Ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới ngày càng được cảm nhận rõ ở mọi châu lục, ở hầu hết các tổ chức quốc tế và trên rất nhiều vấn đề toàn cầu.

Thế nhưng, nghịch lý thay, Trung Quốc dường như chưa bao giờ lại bị xa lánh như hiện nay, xét theo khía cạnh niềm tin và sự tôn trọng.

Trung Quốc “gây thù, chuốc oán” với hầu hết các quốc gia láng giềng và trong khu vực bởi những hành động gây hấn, hung hăng, và bởi những tuyên bố thiếu cơ sở pháp lý trong các tranh chấp lãnh thổ.

Trung Quốc khó có thể được Nhật Bản coi là bạn khi thường xuyên điều tàu xâm phạm vùng biển Nhật Bản quanh khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Trung Quốc không lấy được lòng tin của các nước Đông Nam Á khi tiến hành các hoạt động cải tạo đảo phi pháp và tăng cường sự hiện diện quân sự ở biển Đông.  

Thậm chí với Triều Tiên, quốc gia vẫn được coi là đồng minh và bạn bè thân cận, Trung Quốc cũng có tranh chấp chủ quyền xung quanh vùng núi Trường Bạch/ Baekdu.

Giáo sư David Shambaugh, giảng viên môn khoa học chính trị và ngoại giao quốc tế, Đại học George Washington, tác giả cuốn “China Goes Global: The Partial Power” (tạm dịch: “Trung Quốc vươn ra toàn cầu: Một nước lớn nửa vời”) đã nhận xét rất đúng: Trung Quốc là một “cường quốc cô đơn”, không có bạn bè thân thiết và cũng chẳng có đồng minh thực thụ.

“Kẻ thù của kẻ thù là bạn của mình”

Với Ấn Độ, Trung Quốc thậm chí còn bị con là mối đe dọa lớn nhất, hơn cả Pakistan, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi hai nước đang đối đầu căng thẳng trên vùng biên giới Doklam.

Từ lâu, người Ấn Độ đã chẳng ưa gì Trung Quốc. Họ luôn hoài nghi về động cơ của nước láng giềng to lớn này.

Theo một khảo sát gần đây nhất của Viện Lowy (Australia), đa số người dân Ấn Độ có cái nhìn không thiện cảm với Trung Quốc. 60% số người được khảo sát cho rằng Trung Quốc sẽ là mối đe dọa lớn với Ấn Độ trong vòng một thập kỷ tới, 3/4 trong số họ tin rằng Trung Quốc muốn cai trị châu Á, 58% cảm thấy sự tăng trưởng của Trung Quốc không phải là điều tốt đối với Ấn Độ.

Năm 1960, Thủ tướng Jawaharlal Nehru đã nói với Ellsworth Bunker, Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ khi đó rằng, Trung Quốc “có bản chất hung hãn”. Đặc tính này thường thể hiện rõ rét khi họ cảm thấy mình mạnh mẽ. Tự coi mình là “vương quốc trung tâm”, Trung Quốc xem mình đứng trên thiên hạ và xếp Ấn Độ vào tầng lớp hạng hai.

Chính từ bối cảnh lịch sử và bản chất mối quan hệ giữa hai nước, Ấn Độ đã tỏ ra rất khôn khéo khi áp dụng phương châm “kẻ thù của kẻ thù là bạn mình” để tìm cách thu hút những nước được xem là đối thủ của Trung Quốc ngả về phía mình.

Chính sách “Hành động hướng Đông” của New Delhi là một minh chứng rõ nét. Trước những hành động gây hấn của Trung Quốc với các tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, Ấn Độ đã chủ động can dự, tăng cường hợp tác cả quân sự và ngoại giao với các quốc gia Đông Nam Á.

New Delhi bán khinh hạm và tàu tuần tra cho Philippines, thúc đẩy các quan hệ quân sự, quốc phòng, thương mại và kinh tế với Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore.

Trong bối cảnh ASEAN còn chia rẽ, Ấn Độ đã chủ động đóng vai trò trung tâm điều tiết mối quan hệ với Mông Cổ, Philippines, Australia, Indonesia, Thái Lan… nhằm thiết lập cấu trúc an ninh giúp cân bằng với một nước Trung Quốc đang trỗi dậy và tăng cường an ninh, an toàn cho khu vực châu Á.

Trong các tuyên bố chung cấp cao, việc cả Ấn Độ và Mỹ đều liên tục lên tiếng ủng hộ tự do hàng hải, hàng không cho thấy chính phủ của Thủ tướng Modi đã không ngần ngại gắn kết các mục tiêu chiến lược với Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm chống lại các động thái bành trướng của Trung Quốc.

Để đối phó với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tháng 5/2017 Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công bố tầm nhìn chung về “Hành lang tăng trưởng Á – Phí” (AAGC).

Mục đích chính của AAGC là nhằm thúc đẩy sự hội nhập tốt hơn các nền kinh tế ở Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á với châu Đại dương và châu Phi. Ý tưởng này được xem như “Con đường tơ lụa” thứ hai nhằm ngăn chặn các tham vọng quốc tế của Trung Quốc ở những khu vực này. 

“Trung Quốc tìm cách đánh hậu trường vào các quan hệ kinh tế và chiến lược của Ấn Độ và Nhật Bản nhưng hiện nay họ đang bị phản pháo”,  Rory Medcalf, Hiệu trưởng Trường An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia nhận xét.

“Nhật Bản và Ấn Độ đang cùng can dự vào cuộc chơi lớn về chiến lược và kinh tế với Trung Quốc. Chúng tôi không cho rằng họ thiếu sức mạnh và nguồn lực”.

Các cuộc tận trận quy mô lớn Malabar 2017 tại Vịnh Bengal do Ấn Độ phối hợp với Nhật Bản và Mỹ cùng tổ chức là một dấu hiệu mạnh mẽ nữa cho thấy mức độ thân cận về quan hệ quốc phòng thân cận giữa New Delhi và Tokyo.

Một đối tác chiến lược nữa mà Ấn Độ đang tích cực đẩy mạnh liên kết quốc phòng, quân sự để đối phó với Trung Quốc chính là Mỹ.

Mỹ là nước cung cấp các thiết bị quốc phòng lớn thứ 2 cho Ấn Độ. Chỉ từ năm 2008 đến nay, hai nước đã ký kết các hợp đồng quốc phòng trị giá 11 tỷ USD, mức tăng trưởng rất ấn tượng nếu so với con số chỉ 500 triệu USD của tất cả các năm trước đó cộng lại.

Hai công ty của Mỹ là Lockheed Martin và Boeing đã đệ trình lên chính phủ Ấn Độ đề xuất hợp tác sản xuất chung tại Ấn Độ các máy bay chiến đấu tiên tiến F-16 hoặc F/A-18. Tháng 11/2016, Ấn Độ đã ký hợp đồng trị giá 737 triệu USD mua 145 lựu pháo M777A2 do một công ty con của BAE systems có trụ sở ở Mississippi chế tạo.

Trong chuyến thăm 2 ngày của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Washington hồi tháng 6 vừa qua, Mỹ đã đồng ý bán cho New Delhi 22 máy bay không người lái Predator Guardian trị giá 2 tỷ USD để giám sát Ấn Độ Dương. Đây là dạng hợp đồng không người lái đầu tiên Mỹ ký kết với một quốc gia không thuộc khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Phát biểu trong buổi tiếp đón, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói: “Quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ chưa khi nào mạnh mẽ và tốt hơn như hiện nay”.

Ấn Độ cũng đang trở thành một trung tâm dịch vụ và sửa chữa lớn cho Hạm đội 7 của Mỹ. Tháng 4/2017, Lầu Năm Góc ký một hợp đồng trị giá 1,5 tỷ USD trong vòng 5 năm để xây dựng một nhà máy đóng tàu ở bang Gujarat, phía Tây Ấn Độ để bảo dưỡng các tàu chiến, tàu tuần tra và tàu hậu cần của Hạm đội 7.

Hợp đồng được đánh giá là động thái chuyển đổi chiến lược của Ấn Độ trong việc liên kết với Mỹ, cũng không nằm ngoài mục đích đối phó với Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới