Chìm giữa các luồng thông tin liên tục được cập nhật về cuộc khủng hoảng Triều Tiên, một chi tiết nhỏ nhưng rất quan trọng có thể mở ra cánh cửa xuống thang căng thẳng.
Triều Tiên liên tục thử tên lửa trong thời gian vừa qua. (Ảnh: KCNA)
Business Insider đưa tin, khi đứng trước hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN, Ngoại trưởng Triều Tiên đã nói: “Chúng tôi sẽ không bao giờ đưa vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo lên bàn đàm phán. Chúng tôi cũng sẽ không chệch một li khỏi con đường tăng cường sức mạnh hạt nhân mà mình đã lựa chọn”.
Hai hãng tin lớn là AP và Reuters đã dẫn lại thông điệp này, tiếp sức cho thông tin rằng Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ các chiến thuật của nước này.
Nhưng đó mới chỉ là một nửa thông điệp, như Robert Carlin, Cựu Giám đốc Bộ phận Đông Bắc Á thuộc Cục Tình báo và Nghiên cứu Bộ Ngoại giao Mỹ, chỉ ra cho 38 North – trang tin chuyên về Triều Tiên.
Thông điệp đầy đủ của Ngoại trưởng Ri còn đi kèm một lời cảnh báo, rằng Triều Tiên sẽ không ngừng các chương trình vũ khí của mình “trừ khi chính sách thù địch và mối đe dọa hạt nhân của Mỹ chống lại CHDCND Triều Tiên bị loại bỏ về cơ bản”.
Theo Business Insider, mệnh đề này đã bị phần lớn truyền thông Mỹ bỏ qua hoàn toàn, dù nó cung cấp cơ hội duy nhất cho một giải pháp hòa bình. Trên thực tế, ông Ri đã nói ra điều đó trước khi Tổng thống Trump cảnh báo Washington sẽ đáp trả bất cứ mối đe dọa nào nhằm vào Mỹ bằng “lửa và sự cuồng nộ”.
Mỹ và Hàn Quốc có cuộc tập trận quy mô lớn vào cuối tháng 8. Triều Tiên đã dọa sẽ nã tên lửa vào Guam, lãnh thổ Mỹ ở Thái Bình Dương có nhiều căn cứ của Hải quân và Không quân.
Trước đó, các chuyên gia và nhà ngoại giao về Triều Tiên nhận định Bình Nhưỡng có thể sẽ sẵn sàng kiềm chế chương trình hạt nhân để đổi lấy các hạn chế của cuộc tập trận đó.
Lâu nay, Mỹ luôn từ chối những đề nghị như vậy, viện dẫn các cuộc tập trận này là hoàn toàn hợp pháp theo luật định quốc tế trong khi các vụ thử tên lửa và vũ khí của Triều Tiên là phi pháp. Nhưng với tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên leo thang chóng mặt hiện nay, có lẽ vấn đề này cần được xem xét lại, theo Business Insider.