Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mới"Vỏ bọc hoàn hảo" TQ dùng để chinh phục nước châu Phi...

“Vỏ bọc hoàn hảo” TQ dùng để chinh phục nước châu Phi này dần phản tác dụng như thế nào?

Dấu chân của Trung Quốc tại Kenya đang lan rộng nhưng khi những tác động của Bắc Kinh ngày càng sâu sắc, người Kenya thường phản ứng lại với sự nghi ngờ.

Chảo vệ tinh StarTimes được lắp đặt trên mái nhà của Francis Gitonga ở Kajiado, Kenya. Ảnh: Immanuel Muasya / For The Times

Cuộc đổ bộ bằng truyền thông

Chỉ mất 30 phút, nhân viên bán hàng truyền hình số vệ tinh StarTimes đã cài đặt xong đường dây thiết bị nhằm giúp quảng bá về Trung Quốc cho ngôi nhà nhỏ của ông Francis Gitonga ở miền Nam Kenya, gần thung lũng Great Rift của châu Phi.

Đầu tiên, người nhân viên leo lên mái nhà của ông Gitonga, lắp đặt chảo vệ tinh vào ống khói, đưa một vài dây dẫn qua khung cửa. Sau đó, anh này cắm tất cả vào chiếc hộp set-top – thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình, chuyển dữ liệu hình ảnh và âm thanh lên màn hình TV – của StarTimes và khởi động thiết bị.

Ông Gitonga 43 tuổi, lướt qua các kênh truyền hình với những chương trình Trung Quốc phủ sóng dày đặc: một bộ phim võ thuật cũ, bản tin Trung Quốc, phim tài liệu chiến tranh Trung Quốc về đề tài chống Nhật Bản, hầu hết đều được lồng phụ đề tiếng Anh.

Gitonga rất vui mừng. Gói truyền hình kĩ thuật số mới giúp ông tiếp cận được nhiều thông tin hơn ông từng nghĩ trước đó ở vùng đất Kajiado này, một thị trấn nhỏ vùng hoang mạc, nơi người bộ lạc Masai vẫn đi lang thang du mục với những căn nhà xập xệ, những đàn dê được chăn thả dưới bóng râm.

Mặc dù StarTimes, một công ty truyền thông và viễn thông tư nhân có trụ sở tại Bắc Kinh, gần như không được biết đến ở các nước phương Tây nhưng nó đã “càn quét” châu Phi từ năm 2002, nâng cấp hoàn toàn cơ sở hạ tầng truyền thông của lục địa này và đưa những thông tin của Trung Quốc đến với hàng triệu gia đình châu Phi. StarTimes hiện có chi nhánh tại 30 quốc gia châu Phi.

Phó Chủ tịch của StarTimes, ông Guo Ziqi nói với hãng thông tấn Tân Hoa Xã Trung Quốc hồi tháng 12/2016 rằng: “Mục tiêu của chúng tôi là giúp tất cả các hộ gia đình tại châu Phi có thể sở hữu truyền hình kĩ thuật số, được theo dõi truyền hình số và trải nghiệm cuộc sống số”.

Nhưng theo Los Angeles Times (Mỹ), thực ra đó là một cái bẫy. StarTimes được sự ủng hộ từ chính phủ Trung Quốc – và có một nhiệm vụ chính trị rõ ràng.

Quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi suốt mấy thập kỷ được xác lập bởi các thỏa thuận phát triển những nguồn lực cơ sở hạ tầng và khi châu Phi trở nên thịnh vượng hơn, những mục tiêu đối ngoại của Trung Quốc cũng tham vọng hơn.

Bắc Kinh đã đầu tư hàng tỷ USD vào chiến dịch “sức mạnh mềm” nhằm thuyết phục thế giới tin rằng Trung Quốc là một câu chuyện thành công về văn hóa và chính trị.

StarTimes đã báo hiệu những thay đổi trong cách tiếp cận, một điểm nhấn trong chiều sâu và sự phức tạp trong những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chiếm thiện cảm và niềm tin của người dân thế giới, mà phần nhiều trong những nỗ lực đó nhắm đến châu Phi, một trong những thị trường truyền thông lớn đang nổi lên trên thế giới.

Dani Madrid Morales, nghiên cứu sinh tiến sĩ của trường Đại học Hồng Kông, người đang nghiên cứu về công ty này cho biết “Có một yếu tố ý thức hệ lớn ở đây. Đây là một nỗ lực lớn nhằm khiến người châu Phi hiểu về Trung Quốc. Thậm chí sự lựa chọn các chương trình ti vi cũng rất cẩn thận. Đó là những chương trình rất đặc biệt cho thấy một Trung Quốc đang phát triển lớn mạnh…”.

Ông Pan Xinxing, Giám đốc điều hành của StarTimes nói rằng, truyền thông Trung Quốc đang được mở rộng sang Châu Phi nhằm chống lại những “báo cáo phóng đại và không công bằng” về Trung Quốc trên truyền thông phương Tây.

Cú vấp giữa văn hóa và cơ sở hạ tầng

Dấu chân của Trung Quốc tại Kenya đang lan rộng vượt ra ngoài sóng truyền hình. Như phần còn lại của châu Phi, Trung Quốc đang đầu tư ồ ạt vào cơ sở hạ tầng. Nhưng khi những tác động của Trung Quốc ngày càng sâu sắc, người Kenya thường phản ứng lại với sự nghi ngờ.

Họ chỉ trích Bắc Kinh vì đã lấy mất công ăn việc làm của người dân nơi đây. Họ lo sợ Trung Quốc – chủ nợ lớn nhất của Kenya, sẽ biến nước này ngập trong nợ nần và các dự án hạ tầng của Trung Quốc sẽ đe dọa phá hoại những vườn quốc gia còn nguyên sơ và một vài vùng đa dạng sinh học bậc nhất thế giới tại đây.

Cuối tháng 5 vừa qua, một phái đoàn Kenya đã ký kết thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD với một công ty Trung Quốc cho dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt than 1,050-megawatt cách khoảng 13 dặm Anh (tương đương 62km) về phía bắc Thị trấn Cổ Lamu, Di sản văn hóa thế giới và là khu định cư khởi nguồn của người Swahili dọc theo bờ biển Đông Phi.

Nhiều ý kiến cho rằng, dự án sẽ gây ô nhiễm không khí, phá hoại ngư trường và đẩy hàng trăm người dân phải rời đi. Người dân địa phương còn giận dữ vì công ty Trung Quốc China Power Global sẽ thuê 40% nhân công trong dự án từ Trung Quốc.

Người dân Lamu đã tổ chức những cuộc biểu tình âm thầm trong thị trấn với những tấm biểu ngữ chống đối dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt than. Mặc dù cơ quan quản lý môi trường quốc gia Kenya đã ký kết dự án năm ngoài, nhưng số phận của nhà máy vẫn chưa được quyết định.

Ngoài ra, Trung Quốc đầu tư cả dưới hình thức vay và tài trợ cho dự án đường sắt nối Nairobi với thành phố cảng Kenya Mombasa trị giá khoảng 3.8 tỷ USD, trong đó có một đoạn cắt qua công viên quốc gia. Công trình đường sắt đó đã mở cửa vào tháng 6 với những cột bê tông cao như ảo ảnh giữa những hoang mạc khô cằn và vàng úa.

Tuyến đường sắt mới sẽ chạy với tốc độ trung bình 74 dặm/giờ, giảm thời gian di chuyển giữa hai thành phố từ 10 tiếng xuống còn 5 tiếng đồng hồ. Nó cũng vận chuyển được 22 triệu tấn hàng hàng năm. Và hơn hết, nó đặt cơ sở để kết nối đến Nam Sudan, Uganda, Rwanda và Burundi, những nơi mà mạng lưới giao thông còn thô sơ, chủ yếu là những con đường đổ nát. Cải thiện giao thông đến vùng cảng có thể cải thiện thương mại và mở cửa thị trường.

Tuy nhiên, một số ý kiến chỉ ra rằng tuyến đường sắt đã bị tính giá quá cao, chiếm đến 1/5 ngân sách quốc gia và có thể đẩy Kenya vào tình trạng nợ nần qua nhiều thế hệ tiếp theo – 90% dự án là những khoản vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, thường gọi là EXIM Bank.

Theo Los Angeles Times, một vài thảo luận về dự án giữa các quan chức chính phủ diễn ra một cách bí mật dẫn đến những nghi ngờ về tham nhũng.

Chính trị gia Kenya Joshua Odongo Onono viết trong một bài bình luận năm ngoái: “Theo quan điểm của tôi, dự án đường sắt là một trong những bê bối lớn nhất từng được chứng kiến tại Kenya”.

Những nhà hoạt động môi trường cảnh báo tác động của tuyến xe lửa đến động vật hoang dã. Sự xáo trộn của việc khởi công xây dựng được cho là đã gây nên cái chết của 10 con voi. Một vài con sư tử đã trốn khỏi vườn quốc gia, một trong số đó chết, nhiều người quy kết trách nhiệm cho các hoạt động xây dựng.

Những người biểu tình tập trung bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Nairobi, hô vang: “Exim Trung Quốc, hãy tôn trọng luật pháp của chúng tôi”. 

Paula Kahumbu, Giám đốc điều hành của tổ chức WildlifeDirect có trụ trở tại Nairobi nói: “Thật đau lòng. Chúng tôi lo ngại rằng nếu họ có thể thoát được ở ngay chính thủ đô, thì Chúa mới biết những gì sẽ xảy ra ở những nơi khác”.

Những chỉ trích như vậy tại Kenya không được báo chí Trung Quốc nhắc đến.

Những báo cáo của Trung Quốc đều tập trung vào hiệu quả của tuyến đường sắt, những lợi ích và tham vọng kinh tế. “Tuyến đường sắt được kỳ vọng sẽ nâng cấp phương tiện giao thông tại Đông Phi”, bản tin của Kênh truyền hình quốc tế Trung Quốc CGTN đưa tin hồi tháng 9/2016.

Kevin Otiende, cựu nhân viên của văn phòng CGTN tại Nairobi, nói rằng những phóng viên tại Kenya có rất ít thông tin về những gì được phát sóng cuối cùng trên bản tin. Ông nói: “Tất cả mọi thứ đều được làm cho tốt đẹp lên…”.

Những người ủng hộ các doanh nghiệp Trung Quốc miêu tả sự đầu tư truyền thông của Bắc Kinh là sự hợp tác có lợi cho cả những nhà đầu tư Trung Quốc và người tiêu dùng châu Phi – cũng là một điều kiện quan trọng cho tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại lục địa này.

Huang Hongxiang, người sáng lập tổ chức China House Kenya có trụ sở tại Nairobi, chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn cho các công ty Trung Quốc tại quốc gia này nói rằng, nếu Trung Quốc không thực hiện các bước đi nhằm cải thiện hình ảnh của mình tại châu Phi, chắc chắc không sớm thì muộn sẽ có những mâu thuẫn xung đột bắt nguồn từ những hiểu lầm.

Ông nói: “Tại sao Trung Quốc muốn xây dựng đường sắt? Tất nhiên vì nó có lợi cho nền kinh tế và các công ty Trung Quốc, và tốt cho quan hệ Trung Quốc – Châu Phi. Giữa Trung Quốc và châu Phi, bạn có thể liệt kê hàng loạt những trao đổi về vật chất như đường sắt. Nhưng trao đổi về con người thì thực sự vẫn chưa đủ”.

Những tác động của Trung Quốc thông qua đầu tư truyền thông vẫn chưa rõ ràng. Những chuyên gia nghi ngờ những người đăng ký gói StarTimes trong khi đang hưởng lợi từ chất lượng của StarTimes có thực sự xem các chương trình của Trung Quốc.

Linus Kaikai, Chủ tịch Hội đồng Biên tập Kenya và cũng là quản lý của Tập đoàn Truyền thông Quốc gia tại Nairobi nói rằng, những người xem truyền hình tại Kenya gần như không quan tâm đến các nội dung nước ngoài nhiều năm nay, khi mà các chương trình của địa phương và quốc gia đang ngày càng phổ biến hơn. Ông nói thêm, với hầu hết người Kenya, văn hóa Trung Quốc vẫn còn lạ lẫm và đặc thù.

Ông nói: “Người Kenya có sự phân biệt rạch ròi như – nếu nói theo cách của tôi thì bức tường của Trung Quốc dựng lên bị ngăn giữa cơ sở hạ tầng và văn hóa…”.

RELATED ARTICLES

Tin mới