Bản tin Biển Đông ngày 14/08/2017.
Bắc Kinh đang sử dụng các thiết bị lặn ở Biển Đông để phô trương sức mạnh
Ngày 12/8, trang CNBC đăng bài viết “Bắc Kinh đang sử dụng các thiết bị lặn ở Biển Đông để phô trương sức mạnh” của nhà báo Nyshka Chandran. Bài viết khẳng định, Trung Quốc đã và đang ráo riết triển khai các thiết bị công nghệ đáng lo ngại nhằm thúc đẩy tham vọng kiểm soát của nước này đối với các vùng lãnh thổ ở Biển Đông. Liên quan đến thông tin mà Tân hoa xã đăng tải cuối tháng trước về việc Bắc Kinh đã thả vài chục thiết bị lặn không người lái xuống Biển Đông “nhằm tiến hành quan trắc khoa học”, tác giả cho rằng Trung Quốc không thực sự sử dụng các thiết bị này nhằm phục vụ mục đích khoa học vì có lý thuyết cho rằng các thiết bị lặn hiện đang được tận dụng như một công cụ chính trị để thể hiện “bá quyền” về mặt công nghệ cũng như chứng tỏ “sức mạnh trên biển”, qua đó cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách thách thức trật tự thế giới do Mỹ đứng đầu, cùng với nhiều cách khác. Nghiêm trọng hơn, ngoài ý nghĩa “biểu tượng chính trị”, các thiết bị lặn còn có thể giúp Trung Quốc “thực thi các yêu sách ở Biển Đông” thông qua việc lấy dữ liệu từ các hoạt động khoa học biển dân sự cũng như quân sự, những dữ liệu mà theo ông Collin Koh Swee Lean, nghiên cứu viên thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore đánh giá là “cực kỳ hữu ích trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động ngầm và chống ngầm”. Không những thế, các thiết bị này cũng là công cụ để thực hiện các hoạt động do thám mà không phải tới gần tàu thuyền nước ngoài hay khu vực bờ biển của các quốc gia. Tuy nhiên, các nhà khoa học Trung Quốc vẫn khăng khăng phủ nhận bất cứ thông tin nào cho rằng có những ý đồ chính trị đằng sau các thiết bị ngầm này, đồng thời ra sức nguỵ biện rằng những thông tin liên quan đến các điều kiện ở đại dương chỉ nhằm giúp Bắc Kinh “thực hiện nghĩa vụ quốc tế, trong đó có an ninh hàng hải, cứu trợ nhân đạo trên biển và dự báo thảm hoạ trên biển”. Các nhà khoa học cho rằng dù vào thời điểm hiện tại, các thiết bị lặn không người lái có thể được sử dụng cho mục đích khoa học song các thiết bị này hoàn toàn có thể được nâng cấp để phục vụ cho các hoạt động chiến đấu ngầm, dò mìn và dò ngầm, do đó không loại trừ khả năng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ lợi dụng các thiết bị này để phục vụ mục đích quân sự.
Học giả Đài Loan hối thúc Chính quyền mở cửa cho du lịch ở quần đảo Đông Sa (Pratas)
Trang Taiwan News cho hay, ngày 13/8, ông Allen Chen, một nhà nghiên cứu về đa dạng sinh học thuộc Trung tâm Sinica đã kêu gọi Chính quyền Đài Loan củng cố yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Đông Sa để phát triển du lịch và biến khu vực này thành “Đại Bảo Tiều của Đài Loan” (Taiwan’s Great Barrier Reef). Ông Chen cho hay, Đông Sa chắc chắn đã đáp ứng đủ điều kiện để trở thành Đại Bảo Tiều, hay Sipadan, Palau hay Maldives của Đài Loan, đồng thời nhấn mạnh rằng “cách tiếp cận đối với việc yêu sách chủ quyền lãnh thổ sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn”
Hiện binh lính Đài Loan đang đồn trú trên Đông Sa và xây dựng các cơ sở nhân tạo trên các địa hình tự nhiên của đảo. Taiwan News cho biết, đảo này đã được xây dựng thành một “công viên trên biển với một thư viện, bệnh viện và một ngôi đền”.
Học giả Trung Quốc tiết lộ thông tin về việc thành lập công ty phụ trách các nhà máy hạt nhân nổi ở Thượng Hải
Ngày 13/8, tờ Thời báo Hoàn cầu cho hay, liên quan đến một tuyên bố ngày 10/8 của Tập đoàn Điện Hạt nhân quốc gia (CNNP) cho hay Công ty Hạt nhân nổi mới được thành lập tại Thượng Hải nằm trong chiến lược quốc gia về xây dựng Trung Quốc thành cường quốc biển và phục vụ Sáng kiến “Một Con đường, Một Vành đai”, ông Chen Xiangmiao, Nghiên cứu viên tại Viện quốc gia “Nam Hải” cho hay “các nhà máy hạt nhân nổi sẽ phát triển, xây dựng, vận hành và quản lý các cơ sở hạt nhân trên biển, sản xuất và bán điện cũng như các thiết bị điện và khử muối”. Đáng lưu ý, dù đưa ra thông tin “các nhà máy này sẽ cung cấp điện tới các đảo và đá ở Biển Đông” bên cạnh các nguồn năng lượng gió và năng lượng mặt trời, nhưng ông lại khẳng định rằng “không có lý do gì để đi quá sâu vào chương trình hoạt động của các nhà máy hạt nhân nổi của Trung Quốc”.
Trong bài báo này, một thông báo của CNNP từ hồi tháng 7/2016 cũng đã được nhắc đến, theo đó, “Trung Quốc dự tính sẽ xây dựng 20 cơ sở hạt nhân nổi nhằm cung cấp điện một cách an toàn và hữu hiệu tới các đảo xa ở Biển Đông”.
Mặc dù vậy, CNNP chưa hề đưa ra thêm bất cứ thông tin cụ thể nào về thời gian, địa điểm nào ở Biển Đông được cung cấp điện. Thêm vào đó, chưa có báo cáo nào được CNNP tiến hành nhằm dự báo những tác động cũng như rủi ro khi triển khai các nhà máy hạt nhân nổi trên Biển Đông. Ngoài ra, rất có thể đây là một trong những hoạt động nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, từ đó từng bước hiện thực hoá tham vọng độc chiếm Biển Đông, kiểm soát các tuyến hàng hải huyết mạch ở Biển Đông, đe doạ đến hoà bình cũng như ổn định của khu vực.