Thursday, January 9, 2025
Trang chủThâm cung bí sửChiến tranh 1962: TQ đang áp đảo, 2 mật thư từ New...

Chiến tranh 1962: TQ đang áp đảo, 2 mật thư từ New Delhi khiến Bắc Kinh lập tức ngừng bắn

Chính quyền tổng thống Mỹ John F. Kennedy từng đóng vai trò trung tâm để kết thúc chiến tranh Trung Quốc-Ấn Độ năm 1962.

Các binh sĩ Trung Quốc tham gia huấn luyện tại Bortala, Tân Cương (Ảnh: Chinamil)

Hồi tuần qua, Ấn Độ đã nâng mức cảnh báo ở khu vực biên giới Sikkim và bổ sung lực lượng cho cảnh sát vũ trang biên giới Ấn-Tạng (ITBP), trong bối cảnh truyền thông Ấn cho rằng Bắc Kinh đã tăng cường quân đội đến vùng Tây Tạng để gây sức ép lên New Delhi.

55 năm sau cuộc chiến tranh biên giới 1962, Ấn Độ và Trung Quốc đang rơi vào cuộc giằng co kéo dài và nghiêm trọng nhất giữa quân đội hai nước trên cao nguyên Doklam (Trung Quốc gọi là Donglang), một khu vực có ý nghĩa chiến lược trên dãy Himalaya.

Vào tháng 10/1962, lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông đã huy động 80.000 binh sĩ để phát động cuộc chiến trên 3.000km biên giới giữa hai nước và buộc Ấn Độ nhận thất bại cay đắng.

Quân giải phóng nhân dân (PLA) khi đó thậm chí đã sẵn sàng chia cắt vùng “Cổ gà” – tức Hành lang Siliguri – và kiểm soát toàn bộ bang Assam cũng như phần còn lại của vùng Đông Bắc Ấn Độ. Ngay cả Kolkata (Calcutta) cũng đã đặt trong tình thế nguy hiểm. Đối thủ của Ấn Độ là Pakistan cũng đe dọa tham chiến để chiếm toàn bộ vùng Kashmir.

Trong khi hai quốc gia đông dân nhất thế giới đánh nhau, Liên Xô đã triển khai các vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa của họ tại Cuba, đặt chính quyền tổng thống Mỹ John F. Kennedy vào cuộc khủng hoảng tên lửa – thời khắc hiểm nguy nhất trong lịch sử nhân loại, bởi chiến tranh hạt nhân dường như chắc chắn sẽ bùng phát.

Ấn Độ “cầu viện” Mỹ, Trung Quốc dừng đúng lúc

Bruce Riedel, Viện sĩ Viện Brookings (Mỹ), giám đốc Dự án tình báo Brookings, nói rằng Kennedy đã xử lý một cách thông minh cả hai cuộc khủng hoảng, tránh được chiến tranh với Moskva và khiến người Liên Xô rút vũ khí hạt nhân khỏi Cuba.

Kennedy gửi không quân đến hỗ trợ người Ấn, cảnh cáo Pakistan và bảo đảm với Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru về sự giúp đỡ của Mỹ. Hải quân Mỹ cử một nhóm tác chiến tàu sân bay tới vịnh Bengal để biểu dương lực lượng, nhằm “chống lưng” cho New Delhi.

Trước viễn cảnh thất bại và tổn thất nặng nề khi PLA chiếm thế áp đảo, Nehru gửi thư cho Kennedy vào tháng 11/1962, nói rằng Ấn Độ cần “vận tải hàng không và các chiến đấu cơ để ngăn chặn Trung Quốc”.

Thủ tướng Ấn Độ đề nghị không quân Mỹ gửi 12 phi đoàn, và gửi thêm 2 phi đoàn máy bay ném bom B-47 để tấn công Tây Tạng. 

“Tối thiếu 12 phi đoàn máy bay siêu thanh, có thể tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, là điều cốt yếu. Chúng tôi (Ấn Độ) không có radar hiện đại bao phủ toàn quốc. Các nhân viên không lực Mỹ sẽ phải kiểm soát thủ công các chiến đấu cơ và việc lắp đặt radar, trong khi người của chúng tôi đang được đào tạo,” Riedel trích lời ông Nehru trong cuốn sách “Cuộc khủng hoảng bị lãng quên của JFK: Tây Tạng, CIA và chiến tranh Trung-Ấn”.

Lá thư, viết trong bối cảnh bầu không khí hoang mang bao trùm New Delhi, được Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ chuyển tới Kennedy ngày 19/11.

“Nehru đã đề nghị Kennedy tham chiến chống lại Trung Quốc bằng cách hợp tác trên không để đánh bại PLA. Đó là lời kêu gọi trọng đại mà Thủ tướng Ấn Độ nêu ra, bởi chỉ mới một thập kỷ sau khi lực lượng Mỹ ngừng bắn với quân Trung Quốc ở bán đảo Triều Tiên, Ấn Độ lại muốn đưa Mỹ vào cuộc chiến mới,” ông Bruce Riedel đánh giá.

Trong mật thư thứ hai của ông Nehru gửi tổng thống Kennedy được Riedel trích dẫn, New Delhi đã đề nghị Mỹ hỗ trợ bằng 350 máy bay chiến đấu.

“Cần ít nhất 10.000 nhân viên để điều khiển và vận hành các chiến đấu cơ, hỗ trợ radar và hậu cần cho chiến dịch,” Riedel nói.

Nhưng trước lúc Mỹ kịp đáp lại những kêu gọi của Thủ tướng Nehru và can thiệp sâu hơn, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố ngừng bắn vào ngày 20/11/1962 – động thái khiến thế giới ngạc nhiên bởi PLA đã chiếm ưu thế vượt trội trước quân đội Ấn và chiếm được các cứ điểm quan trọng ở phía Đông Bắc Ấn, cũng như tiến gần đến Kolkata.

Cả Anh và Mỹ đều đã sẵn sàng để viện trợ Ấn Độ nếu chiến sự tiếp diễn. Ông Riedel nói, “chúng ta không bao giờ biết được Mỹ sẽ hỗ trợ cụ thể cho Ấn Độ ra sao nếu cuộc chiến tiếp tục. Nhưng chúng ta có thể xác định một cách hợp lý rằng Mỹ, Ấn Độ và khả năng lớn là cả Vương quốc Anh sẽ cùng chống lại Trung Quốc”.

Dù chưa từng phải hồi đáp đề nghị tham chiến trực tiếp từ ông Nehru, Kennedy vẫn được Ấn Độ vinh danh trong nỗ lực ngăn đà tiến tới của PLA. Nếu Trung Quốc giành chiến thắng hoàn toàn trước Ấn Độ, lịch sử Chiến tranh Lạnh có thể đã rẽ theo một hướng khác hoàn toàn. 

Sau 55 năm, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều trở thành các nền kinh tế mạnh và sở hữu vũ khí hạt nhân. Hai nước đã củng cố lực lượng trên 3.488 km biên giới. Mỹ và Trung Quốc không còn đối đầu như thời Chiến tranh Lạnh, còn Mỹ-Ấn gần nhau hơn nhiều với các cuộc tập trận tổ chức định kỳ.

Từ cuộc chiến năm 1962, Bắc Kinh cùng New Delhi đã tổ chức hàng chục vòng đàm phán để làm hòa dịu mâu thuẫn liên quan đến lãnh thổ, nhưng chưa thành công. Đây đang là khu vực biên giới có tranh chấp kéo dài nhất trên thế giới.

Trong cuộc giằng co mới nhất ở Doklam, khởi phát hôm 16/6/2017, chưa có bên nào “gợi ý” Mỹ can thiệp, nhưng lợi ích Mỹ ở khu vực Nam Á-Ấn Độ Dương vẫn bị lung lay. Thời điểm đối đầu leo thang trùng với thời gian Thủ tướng Narendra Modi công du Mỹ, được cho là hành động có tính toán của Trung Quốc.

“Washington nên chuẩn bị giải pháp ngoại giao của riêng mình. Chúng ta cần những nhân viên gạo cội trong Cục Nam Á của Bộ ngoại giao. Chúng ta cần các đại sứ có khả năng nhất tại khu vực. Các liên hệ quân sự với Ấn Độ cần được theo dõi chặt chẽ. Kennedy đã sẵn sàng vào năm 1962, và ngày nay chúng ta không nên lơ là,” Viện sĩ Riedel nhận định.

RELATED ARTICLES

Tin mới