Wednesday, January 8, 2025
Trang chủĐiểm tinMắng Nga "hạ thấp" tên lửa ICBM, đằng sau sự bất mãn...

Mắng Nga “hạ thấp” tên lửa ICBM, đằng sau sự bất mãn là một nỗi lo khác của Triều Tiên

Xưa nay, Triều Tiên chưa từng có lời phê trách Nga. Hai nước luôn duy trì quan hệ láng giềng thân cận và nỗ lực thúc đẩy hợp tác chính trị, kinh tế và thương mại.

Ông Kim Jong Un và các quan chức cấp cao. Ảnh: Reuters/KCNA

Triều Tiên bất ngờ chỉ trích Nga

Ngày 9/8 vừa qua rất có thể đánh dấu bước chuyển giai đoạn trong mối quan hệ giữa Triều Tiên và Nga khi lần đầu tiên hãng thông tấn chính thức của nhà nước Triều Tiên KCNA có tiếng nói phê trách Nga bất ngờ và nặng nề.

Quan điểm thái độ này của KCNA được thể hiện trong một bài bình luận về việc Nga cho rằng hai vụ phóng tên lửa trong tháng 7 của Triều Tiên không phải là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mà chỉ là tên lửa tầm trung.

Trong khi ấy, Triều Tiên ăn mừng thành công mới của chương trình phát triển tên lửa ICBM, Mỹ và các đồng minh lẫn đối tác xác nhận đó là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Vì hai lần phóng tên lửa này của Triều Tiên mà Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc (HĐBA) thông qua nghị quyết 2371 ngày 5/8/2017 về tăng cường trừng phạt Triều Tiên. Cả Trung Quốc lẫn Nga đều đồng tình với nghị quyết này.

Sau khi Triều Tiên phóng ICBM đầu tiên, Nga còn phủ quyết trong HĐBA một dự thảo nghị quyết tương tự về cấm vận Triều Tiên.

Cũng phải nói thêm rằng nghị quyết 2371 của HĐBA gây khó thêm cho Triều Tiên khi nhằm hạn chế xuất khẩu của họ, làm nước này thất thu ước tính 1 tỷ USD, tức là một phần ba tổng thu nhập của Triều Tiên từ xuất khẩu.

Nhưng Nga và Trung Quốc đã buộc Mỹ phải chấp nhận nhượng bộ quan trọng khi trong nghị quyết ấy không có quy định cấm vận lương thực, thực phẩm và dầu lửa cho Triều Tiên.

Hai nước này chịu chấp nhận trừng phạt Triều Tiên thêm về thương mại, nhưng không để cho Triều Tiên bị sụp đổ vì nguy cơ khủng hoảng an ninh lương thực và năng lượng.

Chỉ mấy ngày sau đó, KCNA đưa ra phản ứng mạnh mẽ đối với Nga chứ không bình luận gì về Trung Quốc.

KCNA cho rằng sự phủ nhận của Nga về ICBM của Triều Tiên là bằng chứng về thái độ ngạo mạn của nước lớn đối với nước bé, là do nước Nga “không nhìn thấy gì hoặc đóng giả kẻ mù”.

Xưa nay, Triều Tiên chưa từng có lời phê trách Nga. Hai nước này duy trì quan hệ láng giềng thân cận và nỗ lực thúc đẩy hợp tác chính trị, kinh tế và thương mại.

Trên thực tế, Nga hiện không quan trọng bằng Trung Quốc đối với an ninh và sự tồn tại của chính thể ở Triều Tiên nhưng hoàn toàn không phải không có vai trò gì. Cho tới nay, Nga và Trung Quốc đã nhiều lần bảo vệ Triều Tiên trong LHQ với sự phân vai cụ thể và hợp tác tung hứng ăn ý.

Bài bình luận nói trên của KCNA phản ánh sự bực bội của Triều Tiên về việc Nga ủng hộ chứ không phủ quyết nghị quyết 2371. Trong nhìn nhận của Triều Tiên, Trung Quốc chịu sự o ép của Mỹ đã đành chứ còn Nga đâu có bị như thế.

Nga có thể sử dụng quyền phủ quyết bởi không bị khó xử như Trung Quốc, và bởi qua đó lại còn có thể làm cao được với Mỹ. Xem ra, Triều Tiên hiện thông cảm với Trung Quốc nhưng bất mãn với Nga và bắt đầu suy nghĩ theo hướng “không tha thứ” cho Nga.

Nỗi lo của Bình Nhưỡng

KCNA trong thực chất phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Triều Tiên nên bình luận này còn nhằm mục đích răn đe và cảnh báo Nga về tổn hại đối với mối quan hệ giữa hai nước, ngăn cản Nga tiếp tục hành động bất lợi cho Triều Tiên.

Triều Tiên chơi chiêu thức này vào thời điểm hiện tại chắc vì lo ngại rằng tình thế ngày càng sẽ khó khăn và phức tạp hơn đối với mình.

Trong việc này, Triều Tiên suy tính rằng Nga, cũng như Trung Quốc, có lợi ích chiến lược như nhau ở chỗ không để Triều Tiên bị sụp đổ, không để xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên và cùng tìm cách có được giải pháp chính trị cho vấn đề hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên vì không muốn Triều Tiên có vũ khí hạt nhân. 

Chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên vì thế là công cụ để nước này gây áp lực đối với cả Nga và Trung Quốc chứ không chỉ có đối với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản; cũng như giữa Mỹ-Triều Tiên càng căng thẳng và đối địch thì Nga-Trung lo ngại càng thêm thật sự và sâu sắc.

Đúng là Nga và Trung Quốc có những lợi ích chiến lược như thế thật. Nhưng cái khó xử của hai nước là Bình Nhưỡng càng bám giữ vào chương trình hạt nhân thì họ càng khó bao che cho Triều Tiên trong LHQ.

Nga-Trung bị đẩy đến trước quyết định lựa chọn tiếp tục bảo vệ Triều Tiên bằng mọi giá hay chọn uy tín, ảnh hưởng, vai trò và độ tin cậy về chính trị thế giới.

Họ cũng còn phải tránh việc Mỹ chỉ trích là không hợp tác xây dựng trong LHQ nên Mỹ mới buộc phải cân nhắc phương án quân sự để xóa sổ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Từ đó, có thể thấy sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa Triều Tiên và Nga càng ngày càng trở nên không thể tránh khỏi được nữa.

Câu hỏi chỉ là sẽ rạn nứt đến mức độ nào và liệu còn có thể hàn gắn lại được hay không mà thôi.

RELATED ARTICLES

Tin mới