Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa yêu cầu quan chức thương mại hàng đầu của nước này đánh giá xem các hoạt động thương mại của Trung Quốc có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không. Giới phân tích cho rằng bước đi này có thể khiến Mỹ cũng bị tổn hại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: WP
Ông Trump vừa trở lại Washington để ký sắc lệnh cho phép Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer khai thác khả năng có thể tiến hành cuộc điều tra chống lại Trung Quốc hay không.
Nếu cuộc điều tra diễn ra và kết quả bất lợi cho Trung Quốc, Tổng thống Mỹ có thể đơn phương áp các biện pháp thuế quan, biện pháp trừng phạt hoặc những biện pháp hạn chế thương mại khác để bảo vệ các ngành công nghiệp Mỹ. Quá trình đánh giá ban đầu dự kiến sẽ mất vài tháng.
Ông Trump từ lâu đã khó chịu với tình trạng thâm hụt thương mại nặng nề của Mỹ với Trung Quốc.
Tổng giá trị thương mại Mỹ – Trung đạt 648 tỷ USD năm 2016, nhưng chủ yếu nghiêng về Trung Quốc, khiến Mỹ thâm hụt 310 tỷ USD trong năm ngoái.
Phía Mỹ cho rằng một phần nguyên nhân gây ra tình trạng thâm hụt đó là do các công ty Trung Quốc bắt chước các sản phẩm và ý tưởng của Mỹ rồi bán sang Mỹ với giá rẻ hoặc thắt chặt nhập khẩu hàng Mỹ vào thị trường Trung Quốc.
Các công ty Mỹ đặt biệt thất vọng với quy định phải có đối tác địa phương hoặc tiết lộ bằng sáng chế mới được vào thị trường Trung Quốc.
Ủy ban đánh giá vi phạm quyền sở hữu trí tuệ Mỹ ước tính nền kinh tế Mỹ chịu thiệt hại khoảng 225-600 tỷ USD mỗi năm do tình trạng hàng nhái, phần mềm lậu hoặc đánh cắp bí mật thương mại.
Ủy ban này nói rằng Trung Quốc là nước vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hàng đầu thế giới và chiếm đến 87% các sản phẩm nhái đang được bán ở Mỹ.
Tháng 11/2015, Văn phòng giám đốc tình báo quốc gia Mỹ đánh giá Mỹ chịu thiệt hại 400 tỷ USD mỗi năm vì tình trạng đánh cắp bí mật thương mại.
Liên minh châu Âu (EU), Nhật, Đức và Canada cũng đã bày tỏ lo ngại về hành vi trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc.
Ông Trump gọi sắc lệnh vừa ký là “bước đi rất lớn”, nhưng nhấn mạnh “đây mới là bắt đầu”.
Các nhà phân tích trong tổ chức tư vấn chính trị Eurasia Group cho rằng quyết định điều tra hàng hóa Trung Quốc cho thấy chính quyền Mỹ từng quyết ưu tiên hợp tác với Trung Quốc để giải quyết vấn đề Triều Tiên.
“Dù đúng hay sai, Nhà Trắng tin rằng việc thực hiện những hành động thương mại cứng rắn chống lại Trung Quốc sẽ làm tổn hại đến quan hệ hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên. Quyết định này cho thấy tính đến nay quan hệ với Trung Quốc đã được ưu tiên hơn bất kỳ vấn đề nào”, các nhà phân tích của Eurasia viết trong bản ghi chú đưa ra hôm 14/8.
Một số ý kiến cho rằng bước đi của ông Trump là nguy hiểm, có thể khiến hệ thống thương mại quốc tế bị đảo lộn.
Tình trạng đánh cắp sở hữu trí tuệ và vi phạm bản quyền là vấn đề lớn, nhưng cách tấn công trực diện như vậy có thể khiến Tủng Quốc có biện pháp đáp trả, bà Deborah Elms, công tác tại Trung tâm thương mại châu Á, nhận định.
“Sẽ xảy ra rất nhiều tổn hại hai bên phải hứng chịu trong quá trình thực hiện những biện pháp này. Tôi hiểu là cần phải cứng rắn, nhưng nếu tôi là một công ty Mỹ đang làm ăn ở Trung Quốc, tôi sẽ rất lo ngại”, bà Elms nói.
Từng có những cuộc điều tra vào những năm 1970 và 1980 về vấn đề sở hữu trí tuệ và bản quyền, nhưng công cụ chính sách phần lớn bị gạt ra sau khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) áp dụng hệ thống giải quyết tranh chấp mang tính ràng buộc, chủ yếu do sự thúc đẩy của Mỹ.
Bà Elms nói rằng nếu Mỹ bỏ qua hệ thống mà họ đã xây dựng trong 30 năm qua, các nước khác cũng có thể tìm cách hành động đơn phương.
Trong khi đó, hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua gọi bước đi mới của ông Trump là “lạc hậu” và sẽ làm tổn hại cả hai nước.
Báo China Daily thúc giục chính quyền Mỹ có cách làm khác. Báo này cho rằng bước đi mới không thể tách biệt khỏi vấn đề Triều Tiên mà trong đó ông Trump cho rằng Trung Quốc thất bại trong việc kiềm chế chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
“Thay vì thúc đẩy các lợi ích của Mỹ, việc chính trị hóa thương mại sẽ chỉ làm tăng các vấn đề kinh tế của đất nước và sẽ đầu độc quan hệ Mỹ – Trung nói chung”, China Daily viết.