Thursday, November 14, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiVì Triều Tiên, TQ mất thêm vài thập kỷ để thực hiện...

Vì Triều Tiên, TQ mất thêm vài thập kỷ để thực hiện lời hứa của ông Tập Cận Bình?

Lời đe dọa “hoả lực và sự thịnh nộ chưa từng thấy”, mà ông Trump nhằm vào Triều Tiên, đặt Bắc Kinh vào tình thế rắc rối hơn trước đây rất nhiều.

(Ảnh: Reuters/ John Lok /Pool)

Nhà báo kỳ cựu David Von Drehle nhận định trên tờ Washington Post rằng cách ứng biến của Bắc Kinh đối với việc Triều Tiên dọa tấn công tên lửa đảo Guam, cùng màn “khẩu chiến” Mỹ-Triều, là bài kiểm tra quan trọng nhất, mà Trung Quốc lần đầu đối diện trong nỗ lực nhiều thập kỷ qua để được thừa nhận là một cường quốc trong “tốp đầu” thế giới.

Khủng hoảng bán đảo là thước đo về độ tin cậy của Trung Quốc. Nếu nước này trở thành thế lực lớn nhất tại châu Á-Thái Bình Dương, các quốc gia khác cần phải nhìn thấy sự tự tin trong các quyết định của Bắc Kinh.

Cục diện bán đảo hiện nay một phần bắt nguồn từ chính sách can thiệp của nhà nước Trung Quốc vào chiến tranh Triều Tiên trong thập niên 1950. Trong nhiều thập kỷ, sự hiện diện của CHDCND Triều Tiên trong vai trò “đồng minh” là một đòn bẩy chi phí thấp để Trung Quốc đối trọng với Mỹ.

Đến nay, các nước có tiếng nói trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc… đặt ra nghi vấn rằng liệu họ có thể tin tưởng nước Trung Quốc trỗi dậy, để chia sẻ với Bắc Kinh trong lĩnh vực an ninh hay không?

Nếu tiếng nói của ban lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục cho thấy sự thiếu sức nặng với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, những nước trên chắc chắn sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ với Mỹ, song song với củng cố sức mạnh quân sự riêng. Như vậy, tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh sẽ đình trệ, thay vì tiến triển – theo ông Von Drehle.

Căng thẳng bán đảo còn là thước đo sức mạnh của Trung Quốc. Trong hơn 3 thập kỷ trỗi dậy, Bắc Kinh chủ yếu dựa vào mức tăng trưởng kinh tế. Số liệu về kinh tế Trung Quốc rất ấn tượng, nhưng chuyển hóa “cơ bắp kinh tế” hành vị thế lãnh đạo quốc tế lại là một câu chuyện khác.

Đức, Nhật và Hàn Quốc đều từng trải qua những giai đoạn bùng nổ và phát triển thần tốc về kinh tế trong vai trò các nhà sản xuất giá thành thấp, nhưng không nước nào vượt qua được rào cản về chuyển hóa để trở thành một thế lực toàn cầu.

Thái độ cứng rắn và khó đoán của ông Kim Jong Un đang tác động tiêu cực lên Trung Quốc, cụ thể là đến nỗ lực đẩy lùi “ô bảo hộ” của Mỹ tại phương Đông.

Mục tiêu “Trung Quốc hùng mạnh” tụt lại vài thập kỷ?

Theo WaPo, Trung Quốc không thể kỳ vọng giải quyết ổn thỏa vấn đề Triều Tiên mà không chấp nhận một số thiệt hại. Rủi ro trước mắt là nguy cơ làn sóng tị nạn đổ sang từ bán đảo trong trường hợp xung đột vũ trang xảy ra.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc, như tờ Thời báo Hoàn Cầu, từng tuyên bố những cái giá phải trả như thế là “không thể chấp nhận”, nhưng Bắc Kinh đã quên mất rủi ro to lớn hơn nhiều mà Trung Quốc vấp phải nếu chính sách xoa dịu Bình Nhưỡng bất thành.

Drehle cho rằng, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump leo thang trong phát ngôn với Triều Tiên là đáng tiếc, nhưng cơ bản là đúng: Sức mạnh Mỹ có thể áp đảo Triều Tiên. 

Còn Trung Quốc bị đặt giữa “ngã ba đường”. Bỏ phiếu đồng thuận các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn nữa ở Liên hợp quốc là hướng đi nhận được sự ủng hộ của thế giới phương Tây, như một tín hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng cho vị thế lãnh đạo.

Nhưng nếu cơ hội bị bỏ qua, Trung Quốc sẽ bị nhìn nhận khác đi – như một nước không chấp nhận thiệt thòi cho lợi ích chung. 

Điều này sẽ khiến họ bị tụt lại hàng thập kỷ trong mục tiêu trỗi dậy “trở nên hùng mạnh”, điều đã được Bắc Kinh xác định là thành quả của thời đại Tập Cận Bình.

RELATED ARTICLES

Tin mới