Friday, December 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiHoàn cầu: Đối đầu biên giới là khởi đầu, vị trí ở...

Hoàn cầu: Đối đầu biên giới là khởi đầu, vị trí ở LHQ của TQ sẽ khiến Ấn Độ trả giá đắt

Hoàn cầu cho biết, do là thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nên Trung Quốc có thể thông qua tổ chức này lên án Ấn Độ, buộc New Delhi trả giá nhiều hơn.

Quân đội Trung Quốc duyệt binh nhân 90 năm ngày thành lập. Ảnh: Xinhua

Mới đây, Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) dẫn lời bà Vương Văn Lệ – Vụ phó Vụ biên giới và biển thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiết lộ, “Bhutan đã thừa nhận qua kênh ngoại giao, khu vực Donglang/Doklam trong cuộc xung đột Trung-Ấn không thuộc lãnh thổ Bhutan”.

Đồng thời bà này cho biết, “phía Bhutan rất ngạc nhiên, tự hỏi vì sao quân đội Ấn Độ lại xâm nhập lãnh thổ Trung Quốc?”.

Phát biểu của bà Vương hoàn toàn trái ngược với thông cáo hôm 29/6 của Bộ ngoại giao Bhutan. Trong thông cáo, Bhutan cáo buộc hành động Bắc Kinh triển khai đường ở khu vực Donglang/Doklam đã vi phạm hiệp định biên giới 1998 giữa hai nước.

The India Express (Ấn Độ) đã đặt nghi vấn về phát biểu trên của quan chức Trung Quốc bởi theo tờ này, bà Vương đã không cung cấp cụ thể về nguồn tin được cho là của chính phủ Bhutan.

Trong khi đó, tờ Hoàn cầu cáo buộc Ấn Độ đã ‘khống chế’ các vấn đề quốc phòng, ngoại giao của Bhutan và bình luận, “sự kiểm soát của Ấn Độ với Bhutan là hiếm có trong mối quan hệ giữa nước lớn và nước nhỏ trên thế giới”.

Báo Trung Quốc cho rằng, New Delhi đã tự dựng lên hoặc tác động đến những phát biểu của Bhutan về cuộc xung đột biên giới, bằng chứng là sau cuộc họp với Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj hôm 11/8, Ngoại trưởng Bhutan Damcho Dorji nói, mong muốn “cuộc đối đầu hiện nay có thể giải quyết bằng phương pháp hòa bình” hay “mọi kết quả đều nên khiến Trung-Ấn bằng lòng” chứ không đề cập việc Bhutan yêu cầu New Delhi giúp đỡ trong sự kiện lần này.

“Ấn Độ đang bắt nạt Bhutan, lý do họ ngụy tạo sẽ không thể trụ vững trước luật pháp quốc tế, đây là điều hiển nhiên. Nếu đổi lại, Trung Quốc làm điều tương tự với Ấn Độ, Trung Quốc cũng bắt nạt những nước nhỏ xung quanh như vậy, truyền thông phương Tây như Mỹ sẽ sớm lôi ra…”, Hoàn cầu tức giận cho rằng, New Delhi đang được truyền thông phương Tây bảo vệ.

Tờ này đánh giá “sức mạnh tổng hợp của Ấn Độ còn cách xa tiêu chuẩn của một nước lớn nhưng New Delhi lại thường thể hiện thái độ ngang ngược với các nước nhỏ ở Nam Á” và kiến nghị “nhằm đẩy mạnh chủ trương các nước đều bình đẳng và kiểm soát sự bành trướng của Ấn Độ, Trung Quốc cần thúc đẩy phương án phát triển theo hướng Nam Á”.

“Trung Quốc nhất định sẽ nhận được sự chào đón của Bhutan, Nepal – các quốc gia đang chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Ấn Độ. Trung Quốc cũng có sức mạnh tác động khiến các nước này thay đổi thái độ với Ấn Độ, kết hợp thêm với Pakistan, sự thống trị Nam Á của Ấn Độ sẽ đi đến hồi kết”, Hoàn cầu viết.

Tờ này còn cho rằng, do là thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Bắc Kinh có thể thông qua Liên hợp quốc để lên án hành vi “xâm phạm chủ quyền các nước nhỏ” của Ấn Độ, khiến New Delhi phải trả giá đắt. 

“Đối đầu Donglang/Doklam mới chỉ là sự khởi đầu, Ấn Độ đã làm những gì ở Nam Á sẽ dần dần bị lật tẩy”, Hoàn cầu đe dọa.

RELATED ARTICLES

Tin mới