Friday, December 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiMón hời của TQ trong khủng hoảng Mỹ-Bắc Hàn

Món hời của TQ trong khủng hoảng Mỹ-Bắc Hàn

Bắc Kinh thu được nhiều lợi ích về an ninh và kinh tế từ Washington khi ra tay hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Bán đảo Triều Tiên vừa trải qua thời gian sóng gió với nguy cơ chiến tranh hạt nhân có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, căng thẳng đã phần nào hạ nhiệt với quyết định hoãn kế hoạch phóng tên lửa vào Guam của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Giới phân tích cho rằng người được lợi nhiều nhất trong cuộc đối đầu vừa qua không phải là ông Kim, cũng không phải Tổng thống Mỹ Donald Trump, mà là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, theo Huffington Post.

Robert Kuttner, giáo sư tại Trường Heller thuộc Đại học Brandeis, cho rằng trong cuộc đấu khẩu vừa diễn ra giữa Mỹ và Triều Tiên, Tổng thống Trump đã gặp đối thủ xứng tầm trong những tuyên bố nằm ngoài khuôn khổ ngoại giao thông thường. Khi ông Trump đe dọa sẽ khiến Bình Nhưỡng hứng chịu “lửa và thịnh nộ”, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lập tức đáp trả bằng tuyên bố xem xét kế hoạch phóng tên lửa vào Guam.

Theo James Person, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Wilson, nếu Mỹ và Triều Tiên tiếp tục đi theo con đường này, một cuộc chiến thảm khốc tất yếu sẽ nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, đẩy cả thế giới vào tình trạng hỗn loạn. Nhưng đúng vào thời điểm nguy cấp nhất, Trung Quốc ra tay can thiệp, chặn đứng cuộc khủng hoảng bằng những tính toán đầy chiến lược của mình.

Ông Kim Jong-un quyết định hạ nhiệt sau khi một bài xã luận trên Global Times, phụ san của People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh sẽ giữ lập trường trung lập nếu Bình Nhưỡng gây chiến với Washington.

Các chuyên gia phân tích đều cho rằng sự ủng hộ của Trung Quốc luôn là yếu tố mang tính sống còn đối với Triều Tiên cả về chính trị lẫn kinh tế. Dù chưa phải tung ra những đòn trừng phạt kinh tế quá nặng nề, Bắc Kinh vẫn truyền được thông điệp đến Bình Nhưỡng rằng họ có thể bị bỏ rơi nếu liều lĩnh đối đầu với Washington.

Kuttner nhận định Trung Quốc đang chơi một trò chơi phức tạp và khéo léo hơn chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vấn đề Triều Tiên, khi họ vừa đảm bảo được lợi ích an ninh của mình mà không phải thay đổi bất cứ hiện trạng địa chính trị quan trọng nào trên bán đảo Triều Tiên, vừa bảo vệ được lợi ích kinh tế trước những đòn trả đũa từ Mỹ.

Rõ ràng với việc Triều Tiên hoãn kế hoạch phóng tên lửa vào Guam, Trung Quốc đã tránh được nguy cơ một cuộc chiến lớn nổ ra ngay sát nách mình, cùng với đó là kịch bản thay đổi chế độ ở Triều Tiên. Đây đều là những viễn cảnh có thể đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích an ninh của Bắc Kinh.

Về kinh tế, Trung Quốc đối diện với nguy cơ lớn khi ông Trump cuối tháng 7 bổ nhiệm Robert Lighthizer, một trong những chuyên gia đàm phán rắn nhất và từng là luật sư bảo vệ những công ty Mỹ bị thiệt hại bởi những quy định về thương mại của Bắc Kinh, làm Đại diện Thương mại Mỹ.

Ông Trump sau đó ủy quyền cho Lighthizer mở một cuộc điều tra về Trung Quốc theo Luật Thương mại 1974 đối với các hoạt động vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, các nguồn tin của Kuttner cho biết cuộc điều tra đã bị gác lại vào phút chót khi Nhà Trắng muốn tìm kiếm sự ủng hộ lớn hơn của Trung Quốc trong cuộc bỏ phiếu thông qua lệnh trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhắm vào Triều Tiên. Trung Quốc đã ủng hộ nghị quyết trừng phạt, nhưng điều đó chỉ càng làm Triều Tiên thêm giận dữ và gia tăng đe dọa.

Nhận thấy điều đó, Trump yêu cầu các quan chức thương mại nghiên cứu xem có nên mở cuộc điều tra đối với hoạt động thương mại của Trung Quốc hay không. Chiến thuật này có thể giúp Mỹ có thêm một ít thời gian và gây thêm sức ép để buộc Trung Quốc phải có biện pháp cứng rắn hơn với Triều Tiên, nhưng vấn đề ở đây là Bắc Kinh đang nắm phần lớn lợi thế trong tay, theo Kuttner.

Nếu Trung Quốc tác động để Triều Tiên hoãn kế hoạch phóng tên lửa tới Guam, Trump sẽ buộc phải thực hiện cam kết của mình là bỏ qua các hành vi thương mại của Bắc Kinh gây bất lợi cho Washington, đồng thời từ bỏ các biện pháp trả đũa. Trong khi đó, Mỹ vẫn chưa thể đạt được một giải pháp dài hạn với Triều Tiên, khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn không chịu từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và căng thẳng song phương vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Để Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, Mỹ cần đến sự can thiệp quyết liệt hơn từ Trung Quốc và cũng sẽ cần phải đánh đổi nhiều hơn. Bởi vậy, Kuttner cho rằng những lời đe dọa của Kim Jong-un nhắm vào Mỹ sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho Trung Quốc, bởi chúng gia tăng sức nặng cho Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán trao đổi lợi ích với Washington. Trung Quốc không việc gì phải kiềm chế Triều Tiên quá sớm hay chấp nhận làm việc đó với cái giá quá rẻ.

RELATED ARTICLES

Tin mới