Saturday, December 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông sau phán quyết PCA: Nhiều sóng ngầm

Biển Đông sau phán quyết PCA: Nhiều sóng ngầm

Theo giới phân tích, sau phán quyết PCA bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc, Biển Đông tương đối tĩnh lặng nhưng tiềm ẩn nhiều cơn sóng ngầm.

Tòa trọng tài thường trực ở La Haye lắng nghe luật sư Philippines trình bày.

Giới phân tích dự đoán sự tĩnh lặng tương đối ở Biển Đông sẽ không kéo dài, một năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế La Haye (còn gọi là phán quyết PCA) ngày 12/7/2016, mặc dù chính quyền mới ở Philippines – quốc gia đã tiến hành tố tụng – tìm cách giảm căng thẳng.

Nhiều chuyên gia ngoại giao và pháp lý cho rằng sự tĩnh lặng này chỉ là tạm thời và phán quyết PCA dứt khoát bác bỏ tuyên bố chủ quyền tham lam phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ vẫn là một nguồn căng thẳng chính trong những năm tới.

Phán quyết PCA đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên cái gọi là “các quyền lịch sử” và “đường 9 đoạn” là một trong những thất bại pháp lý lớn nhất của Bắc Kinh trong thập kỷ qua.

Theo ông Lê Hồng Hiệp – một nhà nghiên cứu của Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, phán quyết PCA đã đặt ra một tiền lệ quan trọng và sẽ không bao giờ bị lãng quên. Ông nói: “Phán quyết này (phán quyết PCA về Biển Đông) giống như một tấm bia đá, không dễ bị xóa và sẽ vẫn ám ảnh chính sách Biển Đông của Trung Quốc trong nhiều năm tới”.

Các nhà phân tích cho biết, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người tuyên thệ nhậm chức chưa đầy hai tuần trước khi có phán quyết PCA, đã gây bất ngờ cho thế giới bằng cách quyết định chuyển hướng đột ngột từ Washington sang Bắc Kinh.

Nhà phân tích Jay Batongbacal, một chuyên gia pháp lý tại Đại học Philippines, cho biết Trung Quốc và Philippines đã cố tình không thảo luận về phán quyết PCA tại các diễn đàn song phương và đa phương. Tuy đều nhận thức đầy đủ về những hậu quả của phán quyết PCA, nhưng cả hai nước đều muốn né tránh để cải thiện quan hệ kinh tế-chính trị song phương.

Ông Batongbacal cho biết Bắc Kinh nhận ra rằng một vụ kiện pháp lý thứ hai từ một quốc gia tuyên bố chủ quyền Biển Đông khác là “một mối đe dọa thực tế không thể coi nhẹ” và đã thận trọng tránh để xảy ra sự cố tương tự, trong khi tăng cường các hoạt động quân sự ở Biển Đông “để chứng tỏ thái độ cứng rắn” hoặc phát đi tín hiệu rằng các bên hữu quan không thể yêu cầu Trung Quốc rút bỏ những tuyên bố chủ quyền (tham lam phi lý) của nước này.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng đòn bẩy kinh tế có thể giúp Trung Quốc tạm thời xoa dịu các nước gia Đông Nam Á, nhưng căng thẳng có thể bùng phát, nếu các nước này thất vọng với “củ cà rốt” của Bắc Kinh.

Học giả Zhang Mingliang, một nhà phân tích Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam, nhận xét: “Rõ ràng, rất ít quốc gia trong khu vực muốn gây sự với Bắc Kinh vào thời điểm này do sức mạnh quân sự và kinh tế đang gia tăng của Trung Quốc. Nhưng điều đó không có nghĩa là vấn đề Biển Đông đã được giải quyết dứt điểm một lần và vĩnh viễn”. Theo ông, Bắc Kinh không thể tự mãn, bởi vì không một nước nào trong số các nước láng giềng cũng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông công khai bác bỏ phán quyết PCA hoặc chịu thỏa hiệp về tuyên bố chủ quyền lãnh thổ. Ông Zhang nói thêm: “Thật vô ích khi làm ra vẻ không thấy sự tồn tại của phán quyết này (phán quyết PCA)” vì nó “đã đặt nền móng cho luật chơi mới” có những ý nghĩa sâu rộng tác động đến cách thức Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Giáo sư Carl Thayer , một chuyên gia về Đông Nam Á của Học viện Quốc phòng Australia, nói rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang ngày càng chống Trung Quốc – với việc bán vũ khí cho Đài Loan, nối lại các hoạt động tuần tra “tự do hàng hải” của các tàu chiến, máy bay ném bom chiến lược Mỹ ở Biển Đông. Ông nói thêm vào thời điểm hiện tại, Trung Quốc chưa thể “đối đầu với Hải quân Mỹ”.

Theo giới phân tích, Trung Quốc sẽ tăng gấp bội cách tiếp cận “củ cà rốt” trong khu vực, tăng cường lôi kéo các quốc gia láng giềng bằng lợi ích kinh tế trong khi ráo riết thực thi chủ quyền ở Biển Đông. Một số nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả lâu dài của chiến lược “củ cà rốt” của Bắc Kinh.

Giáo sư chính trị James Chieh Hsiung của Đại học New York nhận định: “Điều mà Bắc Kinh không nhận ra là ngoài sức mạnh kinh tế, còn phải có quyền lực mềm để trở thành cường quốc… Liệu Trung Quốc có ‘thẩm quyền đạo lý’ để truyền cảm hứng cho các quốc gia khác đi theo sự lãnh đạo của nước này?”.

Học giả Batongbacal cho rằng Bắc Kinh hiện cảm thấy hài lòng vì tranh chấp Biển Đông bị gạt ra rìa nhờ phương pháp tiếp cận mạnh tay và ngoại giao séc trắng (còn được gọi là chính sách “cây gậy và củ cà rốt”). Nhưng Trung Quốc vẫn chưa yên tâm, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ và và các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Australia. Ông nói: “Ở giai đoạn này, Trung Quốc vẫn đang mua hòa bình với các nước láng giềng… Trung Quốc đang củng cố những thành tựu đó trong tình hình mới và biết rằng chỉ có thể duy trì những thành tựu này với khoản chi phí rất cao trong thời gian dài. Có một điều rõ ràng là sự yên tĩnh tương đối hiện tại trong khu vực sẽ không kéo dài vĩnh viễn”.

RELATED ARTICLES

Tin mới