Hình ảnh vệ tinh chụp căn cứ không quân trên đảo Guam mà Triều Tiên đang sử dụng sẽ hạn chế khả năng tấn công chính xác của Bình Nhưỡng, nếu cuộc chiến thực sự nổ ra.
Ảnh KCNA.
Sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới thị sát Bộ Tư lệnh chiến lược Triều Tiên ngày 14/8, đài truyền hình quốc gia nước này đã công khai hình ảnh ông Kim ngồi thảo luận với các tướng lĩnh. Đáng chú ý, bên cạnh ông xuất hiện hình ảnh vệ tinh của đảo Guam (Mỹ).
Sau khi thông tin chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên được đăng tải cùng lời đe dọa tấn công đảo Guam của Bình Nhưỡng, giới phân tích cho rằng, nếu xảy ra, đây có thể là một trận chiến vô cùng đáng sợ.
Tuy nhiên, giới truyền thông Mỹ đã phát hiện ra một tình tiết bất ngờ từ chính hình ảnh do Bình Nhưỡng công khai. Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) phân tích, hình ảnh vệ tinh chụp căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam xuất hiện trong chuyến thị sát Bộ tư lệnh chiến lược của ông Kim không phải là ảnh được chụp gần đây mà là ảnh cũ, được chụp vào khoảng trước năm 2011.
Căn cứ vào Google Earth, khu vực màu xanh ở trung tâm ảnh vệ tinh hiện nay đã biến mất, thay vào đó là sân bay được khởi công xây dựng bắt đầu từ năm 2012. Hơn nữa, góc trên ảnh vệ tinh xuất hiện tòa kiến trúc nằm ngang nhưng trên thực tế, kiến trúc này đã được phá bỏ vào năm 2015. Hiện nay, xung quanh kiến trúc này là công trình xây dựng hình chữ nhật khổng lồ.
Ngoài ra, VOA cho biết, màu sắc các tuyến đường nối với đường băng chính cũng cho thấy những khác biệt đáng kể.
Báo Mỹ đánh giá đây là một tình tiết hi hữu bởi khi tuyên bố tấn công đảo Guam, Triều Tiên đương nhiên phải phân tích những thông tin tình báo mới nhất, để dễ dàng nắm bắt hệ thống phòng ngự và vũ khí của đối phương nhưng Bình Nhưỡng lại sử dụng ảnh cũ của đảo Guam để phân tích chiến thuật?.
Giải thích cho vụ việc trên, ông Nick Hansen – chuyên gia phân tích ảnh vệ tinh thuộc Trung tâm Hợp tác an ninh quốc tế, Đại học Stanford (Mỹ), chuyên giám sát các chương trình vũ khí của Triều Tiên nhận định: “Bình Nhưỡng không thể chụp được ảnh vệ tinh mà chỉ có thể mua hình ảnh từ các trang web nước ngoài nên rất khó có được hình ảnh vệ tinh mới nhất”.