Friday, November 15, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiBOT Cai Lậy: Lộ thêm nhiều tình tiết khó hiểu!

BOT Cai Lậy: Lộ thêm nhiều tình tiết khó hiểu!

Dù Bộ GTVT cho phép thu phí trở lại nhưng sáng 21-8, trạm thu phí Cai Lậy vẫn còn xả trạm.

Sáng 21-8, trạm Cai Lậy vẫn chưa thu phí trở lại

Sáng 21-8, Trạm thu phí Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang vẫn chưa thu phí trở lại dù được Bộ GTVT cho phép thu lại sau một tuần xả trạm.

Lật lại hồ sơ vụ thực hiện dự án BOT đầu tư tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, phóng viên phát hiện nhiều tình tiết khó hiểu, như cả 2 văn bản Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội) đều cho thấy không có chủ trương “Tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 cũ”.

Phó Thủ tướng chỉ có văn bản “Đồng ý chủ trương xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1” ký ngày 11-11-2013 và văn bản số 97/TTg-KTN ký ngày 15-1-2014 “Đồng ý chỉ định thầu BOT đầu tư tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy”.

Sau đó, Tổng cục Đường bộ có tờ trình số 95 ngày 4-12-2013 về việc trình dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh Quốc lộ 1 và tăng cường mặt đường trên Quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy theo hình thức hợp đồng BOT.

Nửa tháng sau, Bộ GTVT có quyết định số 4173 về việc phê duyệt dự án tuyến tránh và “tăng cường mặt đường”. Với quyết định này, dự án đã có thêm hợp phần “tăng cường mặt đường”.

Bộ “quên” Trạm thu phí cao tốc TPHCM-Trung Lương

Ngày 15-8-2017, UBND tỉnh Tiền Giang đã báo cáo Bộ GTVT về diễn biến phức tạp xảy ra tại trạm thu phí Cai Lậy, nguyên nhân là do tài xế phản ứng trạm thu phí “Mức giá thu quá cao và vị trí đặt trạm thu giá dịch vụ” gây khó khăn cho nhân viên thu, cố tình kéo dài thời gian khi qua trạm gây ách tắc giao thông.

Theo văn bản số 9947/ BGTVT- ĐTĐB, của Bộ GTVT thì năm 2011, Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía nam đến năm 2020 và định hướng 2030 xác định xây dựng tuyến tránh Cai Lậy dài 12 km, quy mô 4 làn xe.

Tuy nhiên, do tình trạng Quốc lộ 1 xuống cấp và lưu lượng xe là 20.000 xe quy đổi/ngày đêm thường gây ùn tắc giao thông. Thực hiện chủ trương xã hội hóa, Bộ GTVT nghiên cứu đầu tư dự án theo hình thức BOT.

Theo đó, tổng chiều dài 12 km, kinh phí là 1.700 tỉ đồng, thời gian hoàn vốn là 20 năm, dự kiến vị trí đặt trạm thu phí cho dự án cách trạm gần nhất là (Trạm An Sương- An Lạc) 80km đảm bảo theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên, trong văn bản Bộ GTVT đã “lờ” đi không đề cập đến trạm thu phí cao tốc TPHCM- Trung Lương chỉ cách trạm thu phí hiện hữu Cai Lậy chỉ có 30 km (?!).

Đáng nói, khi làm dự án đường tránh Cai Lậy, ngày 21-2-2012, Văn phòng Chính phủ có kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp thường trực Chính phủ về Đề án mở rộng Quốc lộ 1 giai đoạn 2012-2020 chỉ đạo: “Các đoạn mở rộng, một số đoạn qua đô thị đã có quy mô 4 làn xe cơ giới hoặc tuyến tránh sẽ xem xét sau”.

Rõ ràng, theo chỉ đạo này thì việc Bộ GTVT không có dòng chữ nào kèm thêm “Tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 qua tuyến tránh Cai Lậy”.

“Không có chữ nào là “Tăng cường mặt đường quốc lộ 1 cũ”

Trao đổi với phóng viên việc Bộ GTVT giải thích là ngày 10-12-2013 Bộ GTVT có công văn số 13450/ BGTVT- ĐTCT báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc đầu tư xây dựng dự án theo hình thức BOT bao gồm cả “Xây dựng tuyến tránh và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 cũ” thì ngày 15-1-2014 Thủ tướng có ý kiến về chủ trương dự án tại văn bản số 97/ TTg-KTN, một cán bộ Ban quản lý dự án đưa ra văn bản 97/ TTG-KTN của Chính phủ với nội dung như sau: “Xét đề nghị của Bộ GTVT (công văn số 13450/ BGTVT- ĐTCT ngày 10-12-2013), ý kiến Bộ KHĐT (công văn số 15022/BKHĐT-QLĐT ngày 31-12-2013) việc chỉ định nhà thầu thực hiện dự án BOT đầu tư tuyến tránh Quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng đồng ý nguyên tắc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án BOT đầu tư tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang”. 

Trong công văn chỉ đạo này của Thủ tướng cũng không có chữ nào là “Tăng cường mặt đường quốc lộ 1 cũ”.

Cũng theo tài liệu của phóng viên có được thì khi xin chủ trương Chính phủ làm dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 20 năm.

Tuy nhiên, tài liệu cho thấy ngày 23-2-2016, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai ký Thông tư số 30/2016/TT-BTC quy định mức thu phí đường bộ chỉ áp dụng tại trạm này là xe thấp nhất 35.000 đồng/ lượt và cao nhất 200.000 đồng/ lượt.

Tuy nhiên, không rõ vì sao khi đưa vào thu phí thì Trạm thu phí này giảm xuống còn mức giá cao nhất là 180.000 đồng/ lượt (?!).

RELATED ARTICLES

Tin mới