Cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản hiện đều chẳng khác gì con tin của mối quan hệ thù địch giữa Mỹ và Triều Tiên nên họ phải tự thân vận động để cứu mình khỏi bị vạ lây giữa xung đột.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ảnh: Reuters
Thách thức chung mang tên Triều Tiên
Nỗi lo ngại ngày càng sâu sắc và thực tế hơn về mối đe doạ an ninh từ chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên đã buộc Mỹ và Nhật Bản phải hợp tác với nhau chặt chẽ và hiệu quả hơn, cả về chính trị và an ninh, quân sự và quốc phòng.
Nó chi phối hoàn toàn cuộc tham vấn thường niên về an ninh năm nay giữa hai nước vừa diễn ra ở thủ đô Washington của Mỹ.
Một kết quả của cuộc tham vấn là tuyên bố chung, trong đó thể hiện đánh giá của hai bên về Triều Tiên, những ý tưởng giải pháp được đưa ra và thống nhất nhằm cùng nhau đối phó và vượt qua thách thức vốn không phải mới về bản chất nhưng với mức độ khó khăn phức tạp đã tăng lên gấp bội so với trước.
Thách thức mang tên Triều Tiên đã trở nên thời sự và nguy hiểm hơn trước đối với cả hai nước Mỹ, Nhật vì ba nguyên do.
Thứ nhất, chậm nhất cho tới thời điểm hiện tại, cả Mỹ và Nhật Bản đều phải nhận ra rằng Triều Tiên kiên định đến cùng và bằng mọi giá sẽ duy trì, tiếp tục phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân, công cụ hoá triệt để chương trình này trong quan hệ của Triều Tiên với tất cả các đối tác ở trong cũng như ngoài khu vực Đông Bắc Á, với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như Trung Quốc và Nga.
Thứ hai, Triều Tiên đã đạt được những thành quả mới và đã chứng minh chúng trong chương trình tên lửa và hạt nhân ở mức đủ mức để tất cả các đối tác này phải điều chỉnh lại chính sách của họ đối với Triều Tiên, cho dù theo hướng đối phó hay đối thoại.
Thứ ba, tất cả các bên liên quan vẫn đều bế tắc trong việc đưa ra ý tưởng về giải pháp cho vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên nói riêng và cho toàn bộ mối quan hệ của họ với Triều Tiên nói chung.
Nhật, Hàn tìm cách tự cứu mình khỏi bị vạ lây trong xung đột Mỹ – Triều Tiên
Trong khi đó, ở cả phía Mỹ lẫn phía Triều Tiên lại thấy có sự sẵn sàng hơn trước trong việc leo thang căn thẳng và đối địch, thậm chí còn công khai doạ lẫn nhau là sẽ tấn công quân sự phủ đầu.
Kết luận mà hai phía phải và đã rút ra từ đó là Mỹ cần Nhật Bản và Hàn Quốc hơn bao giờ hết, và hai nước này cũng cần Mỹ hơn bao giờ hết để đối phó với Triều Tiên.
Nhưng mặt khác, cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản hiện đều chẳng khác gì con tin của mối quan hệ thù địch giữa Mỹ và Triều Tiên, đều không thể tránh khỏi bị vạ lây trong xung khắc song phương Mỹ – Triều, nên họ còn đồng thời phải tự thân vận động để tự cứu mình, để có “thế” trong cả chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên cũng như trong chiến lược của Triều Tiên về chính trị, quân sự và an ninh.
Cho nên, đồng thời với việc tăng cường mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược với Mỹ, họ còn phải tự tăng cường vũ trang để phòng thủ và cả tấn công, phải ngăn cản Mỹ và Triều Tiên chủ động hoặc sa vào xung đột quân sự với nhau và phải thúc ép tất cả các bên liên quan đi vào đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị hoà bình.
Mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược truyền thống giữa 3 nước này Mỹ, Nhật, Hàn Quốc vì thế giờ được họ phát hiện lại.
Ở lần tham vấn an ninh năm nay giữa Mỹ và Nhật Bản, điều này thể hiện rất rõ không chỉ ở cam kết và ý chí chính trị được khẳng định, rằng những hoạt động quân sự chung lâu nay – đặc biệt tập trận chung song phương và ba bên với Hàn Quốc – được duy trì, Mỹ cam kết sẵn sàng sử dụng cả vũ khí hạt nhân để đảm bảo an ninh cho Nhật Bản, mà còn ở thoả thuận về hoàn thiện hệ thống phòng thủ tên lửa cho Nhật Bản.
Hiện tại, Nhật Bản đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất liền và trên tàu chiến, nhưng chưa có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Thoả thuận của hai bên lần này là Nhật Bản bỏ tiền mua và Mỹ giúp trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm vào những đầu đạn tên lửa khi xâm nhập trở lại bầu khí quyển trái đất.
Cái lợi đối với Nhật Bản là nhờ đó có thể phòng thủ được tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên trong khi Mỹ có thể biến Nhật Bản thành tiền đồn phòng thủ từ xa cho Mỹ, đón bắt và vô hiệu hoá tên lửa ICBM của Triều Tiên bay qua Nhật Bản trước khi nhằm tới nước Mỹ.
Làm như thế, phía Nhật Bản làm hài lòng tổng thống Mỹ Donald Trump vì đáp ứng một trong những đòi hỏi chính của ông Trump đối với các đồng minh quân sự chiến lược truyền thống là phải chi tiêu nhiều hơn cho việc đảm bảo an ninh của chính họ, nhưng đồng thời lại tăng cường được tiềm lực và sức mạnh quân sự nói chung phục vụ cho mục tiêu vươn tới vai trò chính trị an ninh khu vực và thế giới.
Đồng minh cùng sống chết chìm nổi trên một con thuyền mà vẫn còn có cái để lợi dụng riêng lẫn nhau.