Các hoạt động tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên dường như luôn gây bất ngờ đối với nhiều chuyên gia quốc tế về châu Á, bởi hầu hết đều chung nhận thức đây là một nước nghèo, mức sống thấp. Tuy nhiên, chuyên gia Nga nhận định, thế giới phải nhìn nhận lại một cách tổng quan hơn.
Tên lửa được cho là Hwasong-14 của Triều Tiên. Ảnh: KCNA
Theo chuyên gia quân sự Nga Vladimir Kashin, quan điểm chung hiện nay của quốc tế đối với Triều Tiên là thiếu cơ sở vì các kết luận về tiềm năng phát triển của đất nước bí ẩn này thường dựa trên mức sống của người dân.
“Mặc dù có sự tăng trưởng kinh tế đáng kể từ giữa những năm 2000, nhưng mức sống của người dân Triều Tiên vẫn còn rất thấp. Tuy nhiên, mỗi tiêu chí đó thì chưa đủ cơ sở để kết luận về ngành công nghiệp, khoa học và giáo dục của nước này.
Các ví dụ về Liên Xô và các nước Đông Âu chỉ ra rằng, họ có thể đầu tư phần lớn các nguồn lực một số lĩnh vực và đạt được thành tựu ấn tượng dù không tương xứng với tổng thể”, Sputnik dẫn lời ông Kashin.
Nhà phân tích nhấn mạnh, Bình Nhưỡng có khả năng sản xuất ô tô, xe tải, máy móc công nghiệp, các thiết bị điện tử nhỏ, máy bay và tên lửa.
“Bằng cách sở hữu những kỹ sư được đào tạo tốt và công nhân lành nghề, Triều Tiên có thể giải quyết các vấn đề nghiêm trọng trong việc thực hiện chương trình tên lửa hạt nhân của họ. Hiện tại, họ có tên lửa nhiên liệu lỏng có tầm bắn vừa và nhỏ và tên lửa hai tầng nhiên liệu rắn, tương đương với những sản phẩm do Liên Xô sản xuất vào những năm 1960”, ông Kashin lưu ý.
Ông Kashin kết luận, nguyên nhân thế giới hình thành quan điểm chung về Triều Tiên một phần do kết quả của những năm tuyên truyền chống lại Bình Nhưỡng từ các đối thủ chính trị; đồng thời, sự thiếu hiểu biết sâu rộng về sự phát triển của các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa Xô Viết và hệ thống công nghiệp của họ cũng ảnh hưởng đến nhận thức toàn diện.
Theo Sputnik, cộng đồng quốc tế cho đến nay vẫn không thể kiềm chế nguồn tài chính cho chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiều lần thông qua nghị quyết lên án các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng và áp đặt các lệnh trừng phạt khác nhau đối với quốc gia Đông Bắc Á này. Dù vậy, Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và vũ khí.