Nếu Nhật Bản có trong tay vũ khí hạt nhân, đó sẽ là cơn ác mộng lớn đối với Trung Quốc và cả Triều Tiên và sẽ khiến tình hình an ninh trong khu vực Đông Á trở nên phức tạp.
Từ trước đến nay, Nhật Bản không có ý định chế tạo vũ khí hạt nhân. Nhưng Nhật Bản là quốc gia duy nhất trong lịch sử phải hứng chịu sức công phá của vũ khí hạt nhân, Nhật Bản luôn tránh việc phát triển loại vũ khí này.
Trong khi đó, Trung Quốc không có ý định khiêu khích Nhật Bản để họ chế tạo vũ khí hạt nhân. Với chính sách không tấn công trước, trừ khi Trung Quốc bị tấn công bởi các loại vũ khí hạt nhân, họ sẽ không sử dụng vũ khí hủy diệt của mình.
Dù vậy, đây vẫn là một ý tưởng đáng để xem xét và không có lý do gì Nhật Bản lại không thể chế tạo được vũ khí hạt nhân. Vậy vũ khí hạt nhân của Nhật Bản sẽ như thế nào? Những giả thiết được đưa ra, Nhật Bản sẽ đầu tư vào một trong số ba loại vũ khí hạt nhân được biết, bao gồm tên lửa đạn đạo, máy bay ném bom và tàu ngầm phóng tên lửa.
Tên lửa đạn đạo
Nhật Bản có thể đầu tư phát triển một số lượng nhỏ tên lửa mang một hoặc nhiều đầu đạn hạt nhân. Tên lửa này có thể phóng từ hầm chứa giống như tên lửa Minuteman III của Mỹ, hoặc phóng từ dàn phóng di động giống như RS-24 Yars của Nga.
Tên lửa đạn đạo ICBM của Nhật Bản có thể sẽ có kích cỡ nhỏ hơn và đủ sức để bắn tới Trung Quốc, Nga và Trung Đông. Số lượng tên lửa đạn đạo của Nhật Bản sẽ vào khoảng 100 quả, mỗi loại đều được trang bị ba đầu đạn hạt nhân 100 kiloton.
Trong ba loại vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo sẽ có khả năng sống sót kém nhất. Vị trí địa lý của Nhật Bản nằm gần Trung Quốc đồng nghĩa với việc nếu Trung Quốc vô tình phóng tên lửa, Nhật Bản sẽ cần những thiết bị hỗ trợ đánh chặn sớm tên lửa đối phương.
Nếu hệ thống này của Nhật Bản gặp trục trặc, sự xuất hiện của tên lửa Trung Quốc gần Nhật Bản có thể bị xác định nhầm là một cuộc tấn công tên lửa, và khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân vô tình sẽ rất cao.
Vấn đề địa lý cũng khiến việc chọn vị trí cho các tên lửa hạt nhân gặp khó khăn. Mật độ dân số dày đặc ở Nhật Bản khiến việc tìm vị trí để bố trí 100 ống phóng tên lửa ở quốc gia này để đảm bảo không xảy ra tổn hại ngoài dự kiến trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công là không thể.
Trong khi đó, các dàn phóng di động của các tên lửa hạt nhân cũng sẽ quá lớn và quá nặng để di chuyển trên các tuyến đường ở Nhật Bản. Vì vậy, họ nên xem xét đặt các dàn phóng trên toa tàu và tận dụng mạng lưới đường sắt phức tạp ở Nhật Bản để di chuyển tên lửa đạn đạo.
Máy bay ném bom
Nhật Bản có thể chế tạo một lực lượng máy bay ném bom tàng hình để phóng tên lửa hành trình và thả bom nguyên tử. Loại máy bay này cần phải có khả năng vượt qua các hệ thống phòng vệ, tiêu diệt các cơ sở chứa vũ khí hạt nhân và trụ sở chỉ huy của đối phương.
Máy bay ném bom sẽ cho phép các quan chức quân sự có thể tập kích nhiều mục tiêu hoặc thay đổi mục tiêu sau khi cất cánh. Nhật Bản có thể sẽ sở hữu tối đa ba phi đội máy bay ném bom, mỗi đội gồm 24 chiếc. Mỗi máy bay sẽ mang theo 4 tên lửa tầm ngắn, mỗi loại có sức công phá vào khoảng 100 kiloton.
Một vấn đề đáng lo ngại nếu Nhật Bản có phi đội máy bay ném bom đó là, nếu bị tấn công bất ngờ bằng tên lửa sức công phá lớn, toàn bộ lực lượng này sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn trước khi có thể cất cánh.
Việc mất các phi cơ tiếp nhiên liệu cũng sẽ khiến hoạt động quân sự của các máy bay này bị giới hạn nghiêm trọng. Thêm nữa, sự phát triển trong công nghệ phòng không sẽ càng khiến máy bay Nhật Bản gặp nguy hiểm.
Tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo
Đây sẽ là lựa chọn hấp dẫn nhất đối với Nhật Bản. Tàu ngầm có khả năng sống sót rất cao, mỗi tàu có thể được bố trí tại khu vực giữa Thái Bình Dương mà không gặp bất kỳ trở ngại nào và bất kỳ tàu chiến và máy bay do Trung Quốc triển khai phải đi qua hải phận và không phận Nhật Bản.
Nhật Bản cũng có thể thuyết phục Mỹ cho mượn tàu ngầm, cũng như chia sẻ công nghệ tên lửa và đầu đạn giống như Mỹ đã làm với Anh. Rất có thể Mỹ sẽ đồng ý với Nhật Bản nếu đề xuất này được đưa ra. Về mặt trang bị, Nhật Bản có thể phát triển một đội tàu gồm 5 tàu ngầm, mỗi tàu có 16 tên lửa mang 4 đầu đạn hạt nhân có sức công phá lên đến 100 kiloton.
Tàu ngầm cũng có một số nhược điểm. Trong trường hợp khẩn cấp, chỉ huy sẽ khó liên lạc với các tàu này bởi chúng hoạt động xa bờ. Nếu chi hai trong số 5 tàu được triển khai, Nhật Bản sẽ chỉ có thể sử dụng 128 đầu đạn hạt nhân ngay lập tức.
Việc Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân là điều không quốc gia nào trên thế giới mong muốn, nhưng khả năng Nhật Bản có thể phát triển loại vũ khí này là có cơ sở, nhất là khi mối quan hệ giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Nga đang ngày càng không tốt, nhất là khi Nhật Bản cần thiết phải tự bảo vệ mình trước sự giúp đỡ của đồng minh.