Các nhà chuyên gia Mỹ và Trung Quốc nhận định, đây là thời điểm Washington và Bắc Kinh cần chấp nhận thực tế Triều Tiên đã là một quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân đồng thời tập trung vào nâng cao năng lực phòng thủ để đối phó với Bình Nhưỡng.
Chiến lược giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên suốt một thời gian dài của Mỹ và Trung Quốc đã chứng minh tính phi thực tế, trong khi Bình Nhưỡng vẫn nhanh chóng giành được những thành tựu vượt bậc trong việc phát triển năng lực hạt nhân.
Càng ngày càng nhiều ý kiến cho rằng, Washington và Bắc Kinh nên cùng hợp tác để chắc chắn Triều Tiên sẽ không sử dụng tới vũ khí hạt nhân trong các cuộc chiến tranh chống lại nhau. Còn nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhiều lần khẳng định vũ khí hạt nhân là điều sống còn của chính quyền Bình Nhưỡng, để đảm bảo an ninh tuyệt đối cho Triều Tiên.
Việc công nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân không có nghĩa là đặt dấu chấm hết cho thế giới. Thực tế, trong những năm qua, Mỹ và Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với một Triều Tiên sở hữu năng lực hạt nhân.
Dù lâu nay, Trung Quốc đặt ra 2 mục tiêu lớn trong chính sách đối ngoại với Triều Tiên là giải trừ hạt nhân và duy trì nền hòa bình, ổn định. Song khi hai mục tiêu này không thể cùng song hành, đã đến lúc Trung Quốc cân nhắc lại chiến lược, không áp đặt tư tưởng nước lớn cho một quốc gia còn nhiều khó khăn này
Nếu như Mỹ và Trung Quốc không công nhận Triều Tiên là một quốc gia sở hữu hạt nhân hợp pháp, thì giờ cũng là lúc Washington và Bắc Kinh chú tâm nâng cao năng lực phòng thủ. Mỹ và Trung Quốc cũng nên hiểu rằng, nếu họ không đụng đến Triều Tiên, thì cũng không ai hơi đâu mà đụng tới họ,
Ở thời điểm tuần trước, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, bà Susan Rice cho rằng, Mỹ có thể “chịu đựng” được vũ khí hạt nhân của Triều Tiên tương tự như với Liên Xô cũ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, quan điểm của bà Rice cũng gặp phải phản ứng của cố vấn an ninh đương nhiệm của Mỹ là ông H.R. McMaster. Theo ông, bà Rice đã sai bởi học thuyết phòng thủ cổ điển không thể áp dụng với một chính quyền như Triều Tiên hiện tại.
Sau các cuộc khẩu chiến căng thẳng, những lời dọa nạt không ai sợ suốt những tuần qua liên quan tới việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa Triều Tiên sẽ phải đối mặt với “lửa và những cơn giận dữ” chưa từng có, còn Bình Nhưỡng cho công khai ý định tấn công đảo Guam bằng tên lửa, giới chuyên gia Mỹ và Trung Quốc đều cho rằng đã đến lúc Washington và Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán.
Sau những gì xảy ra ở Ukraine vào năm 2014, không có bất cứ quốc gia nào sở hữu vũ khí hạt nhân tuyên bố từ bỏ năng lực này. Cũng sẽ không có cuộc tấn công nào có thể loại bỏ toàn bộ tên lửa của Triều Tiên. Triều Tiên có diện tích 48.000 dặm vuông tương đương với nước Anh hoặc bang Pennsylvania trong khi mọi vũ khí của Triều Tiên đều nằm dưới lòng đất, nên không thể tiến hành giải trừ vũ khí hạt nhân Triều Tiên. Do đó, trên phương diện ngoại giao, Mỹ cần phải công nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân.
Theo các nhà nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới, đã đến lúc Mỹ nên bằng lòng với chuyện Triều Tiên sở hữu hạt nhân và chú trọng tới việc thuyết phục Bình Nhưỡng đóng băng chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của mình, đó là cách tính không ngoan nhất trong giai đoạn hiện nay.
Dựa trên tình hình thực tế, Mỹ nên thỏa hiệp với Triều Tiên và từ bỏ chính sách lật đổ chính quyền Bình Nhưỡng. Theo đánh giá, phương án này đem lại rủi ro cao nhưng lại là phương án thực tế nhất trong hoàn cảnh hiện nay.
Mục tiêu cuối cùng của Washington là lật đổ chính quyền Bình Nhưỡng chính là nguồn cơn khiến Trung Quốc cảm thấy bất an và từ bỏ ý định gia tăng thêm áp lực với Triều Tiên.
Việc Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đề xuất kế hoạch “đóng băng kép” trong đó, Bình Nhưỡng cho dừng các hoạt động thử nghiệm hạt nhân và tên lửa để đổi lại Mỹ – Hàn ngừng tập trận chung, đã cho thấy bước dịch chuyển trong chính sách buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, Bắc Kinh đã âm thầm thay đổi mục tiêu chính sách với Bình Nhưỡng. Tới đây thay vì đẩy Bình Nhưỡng gần bờ vực chiến tranh, Washington nên ký kết một hiệp ước hòa bình thay thế cho thỏa thuận ngừng bắn giúp chấm dứt cuộc chiến liên Triều. Thời gian qua, việc Triều Tiên duy trì tình trạng sẵn sàng chiến tranh là do quốc gia này cảm thấy bất an khi chưa nắm trong tay một hiệp ước hòa bình.